Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Triệu Lệ Khánh, hiện nay, nhiều tuyến đường chính vẫn còn ngổn ngang. Các hàng quán đua nhau lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong sự bất lực của cơ quan quản lý trật tự đô thị. “Năm nào TPHCM cũng ra quân chống lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè nhưng ra quân xong, sau mỗi đợt giải tỏa, tình hình đâu lại vào đấy. Lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm ngày càng nhiều hơn”, bà Khánh thừa nhận.
Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Lê Trọng Hiếu đánh giá sau khi Ban Thường vụ Thành ủy có chỉ thị tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, công tác quản lý trật tự đô thị, đặc biệt là công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè đã được triển khai thực hiện ở 24 quận, huyện và bước đầu đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo người dân.
Kết quả là phần diện tích lấn chiếm vỉa hè ở nhiều nơi đã được giải toả, nhiều bãi giữ xe không phép bị xoá. Các hành vi dừng, đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè không đúng quy định đã bị xử lý nghiêm. Nhiều mô hình lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường tại quận 1, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, … đã triển khai và bước đầu có kết quả. Một số nơi như quận 3, quận 10, Tân Bình,… triển khai cách làm hay tại một phường sau đó nhân rộng toàn quận, góp phần sắp xếp và tái bố trí nơi buôn bán kinh doanh ổn định cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn đảm bảo giao thông, trật tự đô thị…
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng chỉ ra cách làm chưa thấu tình đạt lý tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận. Đó là quyết tâm và quyết liệt giải toả vỉa hè nhưng chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp Thành uỷ TPHCM đã yêu cầu.
“Một vài quận huyện chưa thực hiện quy hoạch, sắp xếp, di dời, tái bố trí người dân buôn bán tại những khu vực quy định tạo điều kiện cho người dân nghèo có nơi buôn bán, chưa thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp chỗ đậu xe đảm bảo… gây mất trật tự an toàn giao thông. Quá trình triển khai kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa tổ chức lấy ý kiến của người dân để tạo sự đồng thuận và ủng hộ việc lập lại trật tự đô thị”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu còn chỉ ra vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội nhiều nơi còn mờ nhạt, lúng túng trong việc nắm tâm tư tình cảm và tình hình người dân. “Việc thực hiện công tác cưỡng chế, xử lý vi phạm một số nơi vừa qua là chưa thấu tình đạt lý”, ông Lê Trọng Hiếu nói.
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, cần tính toán, nghiên cứu cho phép người dân sử dụng những vỉa hè có diện tích lớn bằng việc kẻ vạch, phân ranh giới cho phép các hộ được buôn bán, kinh doanh nếu chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các quy định về đảm bảo trật tự lòng lề đường.
Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc xử lý tình trạng lấn chiếm một cách thường xuyên, đồng bộ và lâu dài, chính quyền địa phương cần có biện pháp chăm lo, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo; quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của các hộ bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn để chuyển đổi ngành nghề phù hợp hoặc tạo điều kiện cho người dân có nơi buôn bán ổn định nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững.