Đổi tiền lẻ 'hét giá' dịp Tết

Một điểm đổi tiền trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) đổi tiền lẻ cho khách (ảnh chụp trưa ngày 7/1). ảnh: U.P
Một điểm đổi tiền trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận) đổi tiền lẻ cho khách (ảnh chụp trưa ngày 7/1). ảnh: U.P
TP - Mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo xử lý vi phạm nếu đổi tiền không đúng quy định, tuy nhiên tại TPHCM, dịch vụ đổi tiền lẻ chợ đen vẫn rất nhộn nhịp, công khai, khách có nhu cầu đổi bao nhiêu cũng có.

Giá cao vẫn đắt hàng

Tại TPHCM, nhiều điểm chuyên đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu của người dân trên đường Hàm Nghi (Q.1), Ba Tháng Hai (Q.10), Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh), Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận)… đang diễn ra sôi nổi.

Trưa ngày 7/1, chúng tôi liên hệ với số thuê bao 0937… để đổi tiền mới mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng. Người này hẹn tôi đến con hẻm số 182 Lê Văn Sỹ (P.10, Q.Phú Nhuận) để giao tiền. Tuy nhiên, khi đến đúng địa chỉ thì người này tiếp tục hẹn đến một địa điểm khác gần đó để gặp. Sau một hồi lòng vòng chúng tôi mới được đưa đến căn nhà không địa chỉ để giao dịch. Điểm đổi tiền này còn bố trí người trước, người sau theo dõi khách rồi mới lấy từng cọc tiền ra để đổi. “Chị thông cảm, cũng vì an toàn cho cả đôi bên thôi” - người thanh niên giải thích khi thấy tôi tỏ vẻ không hài lòng.

Người đàn ông còn khá trẻ ngồi giữa nhà, trên chiếc bàn nhựa bày các cọc tiền mới coóng với đủ các mệnh giá. “Mỗi cọc là 100 tờ, không đổi lẻ. Mệnh giá 2.000 đồng tính phí 30%; 5.000 đồng phí 10%; 10.000 đồng thì phí là 8%... Chỗ tôi có mức phí là rẻ nhất rồi. Tất cả đều là tiền thật của ngân hàng nhà nước nên chị cứ yên tâm” - người thanh niên khẳng định. Để chứng minh, người thanh niên còn cho khách xem giấy dán trên bọc tiền có khi nguồn gốc từ Ngân hàng Nhà nước, các mệnh giá, số lượng tờ, thời gian in năm 2018… Người này cho biết thêm, khách cần tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, thậm chí 100 đồng cũng có, thậm chí có “ngay và luôn”, số lượng không thành vấn đề (?!).

Trên các trang mạng như Facebook, Google, Viber, Zalo… dễ dàng kết nối với các đầu nậu để đổi tiền lẻ, tiền mới nhiều mức giá khác nhau. Đa số mức phí đổi tiền trung bình thường từ 10-50% tuỳ mệnh giá. Đặc biệt, tiền mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao. Cụ thể, với những tờ tiền mới, nguyên seri mệnh giá 500 đồng phí đổi cao ngất đến 500%, cứ 100 tờ (50.000 đồng) phải trả phí đổi 250.000 đồng. “Bên em tiền loại nào cũng có, nếu chị muốn đổi số lượng lớn thì có thể chuyển khoản trước 1 nửa số tiền cần đổi, sau đó bên em sẽ giao tận nhà và thanh toán nốt số tiền còn lại. Chị nên đổi càng sớm thì càng có nhiều tiền theo ý, chứ để vài ngày nữa phí sẽ tăng cao hơn do lượng người đổi nhiều, mà cũng không có nhiều mệnh giá cho mình đâu” - một đầu nậu chào mời.

Khi đề cập đến việc đổi tiền này có thể bị phạt, một người đổi tiền trên đường Thành Thái (Q.10) xua tay: “Năm nào cũng bảo là phạt nhưng tôi hành nghề này đã 10 năm, có thấy ai bị phạt bao giờ đâu. Hơn nữa, bây giờ cô đến ngân hàng xem có đổi được tiền lẻ không thì biết. Do tôi có người quen làm ở ngân hàng mới có tiền này chứ không dễ dàng gì đâu”.

Tiền mới ở đâu ra?

Trong khi thị trường chợ đen khách muốn đổi “bao nhiêu cũng có” thì thời điểm này, các ngân hàng lại than khó vì không có đủ tiền mới, tiền nguyên seri thuộc mệnh giá nhỏ để đổi cho khách.

Muốn đổi vài triệu đồng tiền mệnh giá nhỏ để lì xì dịp tết, chị Nguyễn Thu Hồng (35 tuổi, ngụ Q.3) đến nhiều ngân hàng lớn ở TPHCM nhưng tất cả đều cho hay không có tiền để đổi. “Ngân hàng bảo không có, chợ đen thì đầy tiền. Do vậy, dù có phí cao thì tôi cũng “cắn răng” đổi. Mỗi năm có mấy ngày tết, nên dù giá đổi tiền có cao hơn cũng phải ráng. Hy vọng đổi sớm sẽ rẻ hơn đôi chút” - chị Hồng than thở.

Theo tìm hiểu, hầu hết các ngân hàng chi nhánh đều chưa có sẵn các loại tiền mệnh giá nhỏ, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngừng chi ra các loại tiền mới mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống kể từ tháng 11, và đến nay vẫn chưa cung ứng tiền mới mệnh giá này cho các ngân hàng chi nhánh. Thế nhưng thực tế ngoài thị trường chợ đen, tiền các loại mệnh giá nhỏ đều có đủ. Lý giải điều này, một cán bộ ngân hàng có trụ sở tại Q. 1 cho hay: “Có thể nguồn tiền mà các dịch vụ đổi tiền mới có được là do tích trữ từ các năm trước hoặc từ trong năm. Thời điểm cuối năm, khi người dân có nhu cầu đổi tiền lì xì, họ đem ra kinh doanh”.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, chức năng của NHNN là đáp ứng nhu cầu tiền trong lưu thông đầy đủ, kịp thời mà không phân biệt tiền mới hay cũ. Do vậy, cơ quan này không có kế hoạch liên quan đến tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì Tết cuối năm. Đối với những loại tiền không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường sẽ được thu hồi về. Trong số tiền mà NHNN chi nhánh nhận được từ Ngân hàng trung ương, nếu có tiền mới cũng sẽ được phân bổ xuống các ngân hàng thương mại để đưa ra thị trường lưu thông.

Từ năm 2013, NHNN chủ trương không phát hành nhiều tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán nhằm tránh lãng phí và các tiêu cực phát sinh. Số liệu trước đó, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 vừa qua đã tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng.

Tiền lì xì “độc, lạ” đắt hàng

Năm nay, tiền lì xì hình con heo cũng được nhiều khách hàng mua làm quà tặng. Như tiền 2 USD in hình 8 con heo mạ vàng của Mỹ giá 350.000 đồng/tờ, mang ý nghĩa cho sự may mắn, phát tài, của cải sinh sôi, nảy nở. Cặp tiền xu con heo mạ vàng và bạc của Úc đựng trong hộp đỏ giá 300.000 đồng. Tiền con heo Macau giá 100.000 đồng/tờ. Tiền hình con heo Úc cũng có giá 100.000 đồng…

MỚI - NÓNG