Đời sống sân khấu vui trở lại

“Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam hút khán giả trở lại sân khấuẢnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
“Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam hút khán giả trở lại sân khấuẢnh: HOÀNG MẠNH THẮNG
TP - Người ưa hài kịch xem Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ, khán giả nhỏ tuổi hợp với loạt chương trình xiếc, ca kịch thiếu nhi dịp 1/6. Đời sống sân khấu bước đầu trở lại.

SÔI ÐỘNG

NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, mới tuần trước còn dè dặt và băn khoăn về sự trở lại yếu ớt của khán giả sân khấu, nay vui hơn một chút. Vài ngày gần đây, nhà hát tràn ngập trong âm thanh của những vở Trống chơi đi đâu thế, Vaxilixa và phù thủy độc ác, Cuộc chiến vô cực. Mỗi ngày 1-2 suất diễn, dù chưa bằng thời cao điểm mọi năm nhưng cũng đủ khiến tinh thần nghệ sĩ lên cao. Các suất diễn sớm này đều nhờ nhà tài trợ đồng hành để tri ân con em cán bộ, y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch, dự kiến phát hành khoảng 3 nghìn vé mời.

Đêm 23/5, Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn cho chuỗi chương trình ở Nhà hát Lớn - chủ trương khích lệ các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL lên sàn diễn. Bệnh sĩ của Lưu Quang Vũ (từng diễn hơn 300 đêm khắp cả nước và nước ngoài), hóa ra vẫn là lựa chọn sáng suốt. Tạm gác lại âu lo dịch bệnh, người xem được quặn ruột với những lớp diễn hài trong Bệnh sĩ. NSƯT Xuân Bắc cảm động vì được sự quan tâm của lãnh đạo như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện. Anh em nghệ sĩ vì thế diễn sung hơn mọi khi. Cán bộ ở các bộ, ngành vốn quen xem kịch bằng vé mời nay được vận động đi xem bằng cách tự móc hầu bao.

“Chúng tôi cười khúc khích suốt. Tôi bất ngờ khi xem một tác phẩm hài kịch duyên dáng như Bệnh sĩ, xứng là vở hài kịch đỉnh của Lưu Quang Vũ”, khán giả Mạnh Thắng nói. Khán phòng chật kín ngoài mong đợi. Sát giờ diễn, khách lẻ vẫn hỏi mua vé. Xuân Bắc chính là “vũ khí” gây cười thông minh, còn là người chuyển tải chủ đề về bệnh háo danh, ưa thành tích. Tác phẩm viết ra hơn 30 năm trước tới nay vẫn khiến người xem thích thú.

Vừa được “lệnh” trở lại rạp hát, sân khấu Lệ Ngọc có ngay vở mới Hoa sen lửa công diễn từ 25/5 tại Nhà hát Lớn. Đây là vở diễn sớm hoàn thành chờ liên hoan sân khấu về hình tượng chiến sĩ công an nhân dân. Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc điều hành sân khấu Lệ Ngọc, cho biết, nghệ sĩ miệt mài tập trong giai đoạn giãn cách xã hội, kịp có vở mới ngay khi hết dịch. Cây tre thần tuần qua trở lại, trước phải ngưng diễn đúng đợt dịch bùng phát. Vở diễn phù hợp cho trẻ mỗi ngày đôi suất, diễn triền miên tới hết 2/6. Tất cả các suất đều có hợp đồng mua vé, ông Vinh cho biết.

LẠC QUAN

Chưa có COVID-19, sân khấu đã bết bát lắm rồi. Chính vì thế, sự trở lại của những vở diễn đầu tiên vừa kịp nhen lên những ngọn lửa say nghề với nghệ sĩ, vừa tạo niềm tin để khán giả dần trở lại thói quen xem kịch. “Khán giả đến nhà hát còn rón rén, nhưng tôi tin sức hút của nghệ thuật làm cho họ quên đi thực tế, chẳng mấy chốc nhiệt tình tới rạp. Người Việt cũng nhanh quên lắm. Họ bắt đầu hồ hởi tới các địa điểm công cộng. Hơn nữa, nước ta đạt thành tựu nổi bật về chống dịch, tâm lý người dân bớt lo âu hơn”, ông Vinh nói.

Sau những suất diễn chật kín khán giả nhờ mạnh thường quân hỗ trợ, Nhà hát Tuổi trẻ bán vé lác đác cho 4-5 suất diễn tiếp theo. Khán giả cũng chịu khó gọi điện tới hỏi chương trình và mua vé nhưng thực tế chưa thể gọi là quá lạc quan. Tuy thế, lãnh đạo nhà hát vẫn tin vở diễn có khán giả. Vào 1/6 này, Nhà hát tổ chức Ngày hội của bé, nhiều hoạt động hoạt náo từ cổng cho tới sảnh rạp hát, trước khi khán giả vào xem chương trình Trống choai đi đâu thế chừng 60 phút.

Khán giả thích thú xem Bệnh sĩ, nghệ sĩ lại thêm sinh lực. Nhà hát Kịch Việt Nam xung phong đem vở hài kịch này mở màn là bởi “chẳng có lí do gì chúng ta không trao cho nhau nụ cười vào lúc này. Ai cũng cần niềm tin, niềm vui”. “Là người chinh chiến nhiều nhưng đêm diễn Bệnh sĩ mang lại cảm xúc mạnh chưa từng có. Khán giả hỉ hả và quan trọng hơn, các nghệ sĩ đồng nghiệp ở các nhà hát khác bỏ tiền mua vé ủng hộ. Có đơn vị mua hai vé, có nơi mua năm, 10 hay 20 chục vé. Tiền chưa phải vấn đề, điều quan trọng hơn cả là thái độ nghệ sĩ ủng hộ nhau”, Xuân Bắc nói. Bộ trưởng VHTTDL gật đầu để Nhà hát diễn tiếp Điều không thể mất vào tuần tới tại Nhà hát Lớn.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam mọi năm đến độ này tha hồ gặt hái, giờ có phần chìm. Tuy thế, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, từ 29/5, nghệ sĩ xiếc ngày diễn 4-5 suất phục vụ khán giả. Hầu hết vẫn là các cơ quan, đơn vị "ruột" mua vé hợp đồng. Chương trình xiếc Cướp biển mới dàn dựng sẵn sàng đón khách. Cuối tháng 5, Liên đoàn lại phối hợp UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Gala xiếc ba miền. “Chúng tôi cố gắng tạo ra các chương trình để khích lệ tinh thần cho khán giả và cả nghệ sĩ. Năm nay, nhu cầu khán giả cũng trễ hơn, phần do dịch phần do học sinh chưa hết năm học”, anh Thắng nói.

Bộ VHTTDL khởi xướng chuỗi đêm diễn của các nhà hát thuộc Bộ, nhằm hâm nóng đời sống sân khấu sau giãn cách, Ngoài vở Bệnh sĩ có Cướp biển của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (tối 31/5 tại rạp xiếc Trung ương), Mặt trời Phương Đông của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (12/6 tại nhà hát Âu Cơ), vở chèo Vân dại (13/6 tại rạp Kim Mã), Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam (20/6 tại Nhà hát Lớn), Tháng 6 trời mưa của Nhà hát Nghệ thuật đương đại (27/6 tại Nhà hát Lớn), Nhịp điệu ATK (tại Trung tâm VHNT tỉnh Thái Nguyên), Chuyện tình Khau Vai của Nhà hát Cải Lương Việt Nam (11/7 tại Nhà hát Lớn), Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (22/8 tại Nhà hát Lớn).

MỚI - NÓNG