Già làng Y Djăk Ayun cho biết: “Trước tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài, cây trồng khô héo, người dân thiếu nước sinh hoạt, chúng tôi tiến hành họp buôn quyết định làm lễ cầu mưa. Nghi lễ này không tổ chức thường niên, chỉ khi nào trời quá khắc nghiệt, cần dâng lễ vật lên Yàng (thần linh) cầu ban mưa”. Để nghi lễ cầu mưa diễn ra suôn sẻ, già làng đã họp bàn với người dân trong buôn Ayun về công tác chuẩn bị. Mỗi người góp một ít tiền mua lễ vật, chủ động thực hiện các công việc được giao như đàn ông chặt tre làm cột lễ, dọn dẹp lại bến nước; phụ nữ đảm việc nấu nướng trong thời gian tổ chức lễ.
Ngày diễn ra lễ cầu mưa, người dân gác việc nương rẫy, tập trung đến nơi tổ chức. Nghi lễ cầu mưa gồm 3 phần: lễ cúng đất (thần đất), lễ cúng bến nước (thần nước), lễ cúng mưa (thần trời). Lễ cúng thần đất được tiến hành vào buổi sáng tại gia đình dòng họ Niê trong buôn. Chiêng trống tấu lên rộn rã một vùng. Thầy cúng nghiêm cẩn ngồi xuống bên mâm lễ vật (gồm: 3 ché rượu, 1 con heo, 5 chén thịt, 2 chén rượu), khấn 3 lần xin “Bhat tao” (tổ tiên ông bà) bỏ qua những điều xấu người dân trong buôn phạm phải khiến Yàng không cho mưa. Đầu giờ chiều, dân làng bắt đầu dâng lễ cúng thần nước. Bỗng nhiên, trời kéo mây đen, trút cơn mưa đầu mùa nặng hạt khiến người dân buôn Ayun rất phấn khởi. Theo quan niệm của đồng bào Êđê, cơn mưa xuất hiện đúng vào dịp buôn tổ chức lễ cầu mưa được coi là một niềm may mắn, cả buôn làng làm lễ ăn mừng trận mưa đầu mùa và làm lễ cầu mưa tiếp.
Dưới cơn mưa nặng hạt đầu mùa, người dân mang lễ vật xuống bến nước thực hiện nghi lễ cúng bến nước. Thầy cúng cùng 2 người đàn ông mang theo dụng cụ lao động và 7 cô gái mặc trang phục truyền thống mang gùi đi lấy nước xuống bến nước. Thầy khấn Yàng ban nước xuống để dân làng trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy kho… Sau đó, 2 người đàn ông dùng dụng cụ lao động múa xung quanh bến nước tượng trưng cho sự no đủ; các cô gái lấy nước đầy bầu mang về đổ đầy các ché rượu cột sẵn ở nhà thần nước. Tại đây, thầy cúng tiếp tục các nghi lễ cúng trong nhà. Lúc này, đàn ông, chủ nhà, người dân trong buôn thay nhau uống hết các ché rượu cần trong nhà.
Khoảng 4 giờ chiều, nghi lễ cầu mưa diễn ra tại sân nhà thần nước. Thầy cúng đứng trước cột lễ, hướng về phía mặt trời mọc khấn: “Ơi các thần, chúng tôi gọi các thần chẳng phải chuyện gì khác đâu. Nay chúng tôi đã có cây làm chòi giữ rẫy, chúng tôi lo lắng, con cháu khóc đòi nước uống, người trẻ khóc đòi tắm, chúng tôi nghĩ đến dân làng, xin cho nước uống, nước mưa tưới tắm, để con người được sống hòa bình và yên tĩnh...ơi thần mưa… ơi thần mưa… ơi thần mưa…”.
Thầy cúng đi 3 vòng cột lễ, 2 người đàn ông theo sau cầm gậy chọc lỗ, 4 cô gái làm động tác trỉa lúa, tốp thanh niên sau cùng cầm khiên, kiếm múa đi vòng xung quanh cây cột, biểu trưng hành động đuổi tà ma, thú rừng phá mùa màng. Cùng lúc, các chàng trai mỗi người cầm ống té nước làm mưa ban phước lành, cầu mưa chống hạn, trong tiếng reo hô của dân làng hòa với âm thanh của dàn chiêng trong nhà. Lời nguyện cầu được gửi đi, người dân thay nhau vít rượu cần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn bước vào mùa rẫy mới.
Ông Y Mang, Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, cho biết, lễ cầu mưa là phong tục gắn liền với lễ nghi nông nghiệp lâu đời của đồng bào Êđê, là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tâm linh dân gian. Ông tham gia lễ cầu mưa của người dân buôn Ayun nhiều lần. Kỳ lạ thay, lần nào lễ cúng diễn ra cũng có mưa.
Ông Y Mang, Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư M’gar, cho biết, lễ cầu mưa là phong tục gắn liền với lễ nghi nông nghiệp lâu đời của đồng bào Êđê, là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tâm linh dân gian.