Ðối phó thế nào với dịch sởi?

TP - Những tuần vừa qua số trẻ mắc sởi tại Hà Nội có dấu hiệu tăng đột biến. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp. PGS.TS Trần Minh Ðiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do virus. Bệnh được miễn dịch qua hai cách, hoặc là đã mắc sởi trước đó, hoặc được tiêm phòng vắc-xin sởi đủ 2 mũi (lúc 9 và 18 tháng tuổi).

Triệu chứng điển hình của sởi như sau:

Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày. Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày. Bệnh nhân sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng.

Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ, dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban. Cần chú ý trong giai đoạn sau miễn dịch của trẻ kém dễ mắc thêm các virus, vi khuẩn khác làm tình trạng bệnh nặng lên như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết… Các cơ địa của trẻ như bệnh mạn tính (thận, gan, máu…), sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (corticoids, cyclosporine A..) dễ có nguy cơ bệnh nặng hơn.

PGS.TS Trần Minh Ðiển khuyến cáo, cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định chẩn đoán, mức độ nặng của bệnh. Hầu hết trẻ nên điều trị tại nhà, một số trẻ có các biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não… cần được điều trị tại bệnh viện.

MỚI - NÓNG