Đối ngoại quốc phòng Việt Nam - một năm nhìn lại

Đối ngoại quốc phòng Việt Nam - một năm nhìn lại
TPO - Tiền Phong trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng Từ Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin KHQS-Bộ Quốc phòng, về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng của Việt Nam trong năm qua.

> Việt Nam, Thái Lan nhấn mạnh hòa bình Biển Đông

> Mở kênh truyền hình quốc phòng trong tình hình mới 

Chuẩn đô đốc Vajit Kumar, Tư lệnh Hạm đội miền Đông Hải quân Ấn Độ, chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện hai Đoàn Việt Nam và Ấn Độ trước tàu Ins Shivalik tại Hải Phòng
Chuẩn đô đốc Vajit Kumar, Tư lệnh Hạm đội miền Đông Hải quân Ấn Độ, chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện hai Đoàn Việt Nam và Ấn Độ trước tàu Ins Shivalik tại Hải Phòng trong chuyến thăm VN tháng 5/2012.

Việt Nam đang xây dựng một nền quốc phòng toàn dân với sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hoà bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức và quy mô.

Để thực hiện mục tiêu ấy, việc mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một định hướng quan trọng và được coi là trụ cột trong xây dựng quân đội.

Trao đổi đoàn để mở rộng cơ hội hợp tác

Trong năm 2012, Việt Nam đã trao đổi nhiều đoàn quân sự cấp cao với nhiều nước nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng.

Giữa tháng 3, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng-Trưởng ban Cải cách Tư pháp Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã đi thăm và làm việc tại Đức từ ngày 12 đến ngày 17. Đoàn đã dành thời gian tìm hiểu về hệ thống tư pháp trong quân đội Đức, kinh nghiệm xét xử quân nhân vi phạm khi làm nhiệm vụ trong nước và nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm với Viện Công tố kỷ luật quân đội thuộc Tòa án Tối cao Liên bang Đức và Cơ quan Ủy nhiệm viên về quân vụ trong Quốc hội Đức.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cuối tháng 7, đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng nước ta do Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược. Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiếp tục giúp đỡ Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ quân sự, mà còn giúp đào tạo sĩ quan chỉ huy - tham mưu; tăng cường hơn nữa công tác bảo dưỡng, bảo trì, cung cấp các trang thiết bị, phụ tùng, vật tư kỹ thuật cho Việt Nam phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, khí tài; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, sản xuất công nghiệp quốc phòng; nâng cấp Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga...

Hai bên nhất trí xây dựng kế hoạch 5 năm về hợp tác quốc phòng; tổ chức các đoàn quân sự sang trao đổi kinh nghiệm trong huấn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang trong điều kiện mới. Tiếp đến, từ ngày 20 - 26/10, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga. Trong buổi hội đàm với Đại tướng Makarov Nicolai Egorovich, Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga, hai bên khẳng định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới theo các thỏa thuận đã ký kết, nhằm đưa quan hệ quốc phòng phát triển phù hợp với quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga.

ộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp Trung tướng Bondarev Viktor Nikolaevich, Tổng Tư lệnh Không quân Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tại Hà Nội, ngày 28/12/2012
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tiếp Trung tướng Bondarev Viktor Nikolaevich, Tổng Tư lệnh Không quân Lực lượng vũ trang Liên bang Nga tại Hà Nội, ngày 28/12/2012.

Ngoài ra, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có chuyến thăm và làm việc tại New Zealand nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước thông qua các hình thức như trao đổi đoàn các cấp, tham vấn quốc phòng, đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, phối hợp trên các diễn đàn đa phương…

Trong cả năm 2012, Việt Nam đã đón nhiều quan chức quốc phòng cao cấp của các nước tới thăm Việt Nam.

Một trong những sự kiện thu hút được nhiều chú ý là chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta (3-5/6). Trong thời gian ở Việt Nam, ông Panetta đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Đặc biệt, với việc ra thăm tàu chở hàng USNS Richard E. Byrd sửa chữa tại vịnh Cam Ranh, ông Panetta trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới vịnh Cam Ranh kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

Những quan chức quốc phòng cao cấp khác tới thăm Việt Nam trong năm qua còn có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Stephen Smith (tháng 8), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Sukumpol Suwanatat (tháng 9), Tổng Tham mưu trưởng quân đội Bulgaria Simeon Hristov Simeonov (tháng 11) và Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Devendra Kumar Joski (tháng 11).

Ngoài các hoạt động trao đổi đoàn, Việt Nam cũng đã tiến hành đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng với Australia (tháng 2), Trung Quốc (tháng 9) và Nhật Bản (tháng 11).

Đối thoại chiến lược quốc phòng-ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ nhất diễn ra tại Canberra (ngày 21/2) nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị và Đối tác Toàn diện Việt Nam-Australia. Hai bên khẳng định phối hợp nhằm tăng cường và phát huy hơn nữa hiệu quả của các cơ chế hợp tác khu vực nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh nguồn nước, giải trừ quân bị, an ninh mạng, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…

Đối ngoại quốc phòng Việt Nam - một năm nhìn lại ảnh 3

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (phải) và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên trước giờ khai mạc Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần thứ ba, ngày 3/9/2012

Ngày 3/9, Việt Nam và Trung Quốc tiến hành Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ ba tại Hà Nội dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm tăng cường sự tin cậy về chính trị và xây dựng quan hệ gắn bó giữa quân đội hai nước; chú trọng hợp tác đào tạo; đẩy mạnh quan hệ giao lưu, hợp tác, phối hợp giữa Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển…

Tại Đối thoại chiến lược Quốc phòng cấp thứ trưởng Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất ở Hà Nội ngày 26/11 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hironori Kanazawa, hai bên nhất trí nhiều biện pháp tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trên lĩnh vực trao đổi đoàn, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, rà phá bom, mìn, y học hải quân, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, đối phó những vấn đề an ninh phi truyền thống… Cuộc đối thoại cũng đạt được nhận thức chung trong việc hai bên tích cực tham gia, tham vấn, ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương ADMM+, ARF, giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng con đường hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế…

Tăng cường hợp tác quốc phòng tại các diễn đàn khu vực

Tháng 8/2012, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Nhóm Chuyên gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (EWG-HARD) với sự tham dự của các cán bộ chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HARD) của 18 quốc gia thành viên ADMM+ và đại diện Ban thư ký ASEAN. Tại hội nghị này, Việt Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tham gia phòng chống thiên tai (bão lũ) của quân đội.

Tiếp tục truyền thống “cùng ngồi lại với nhau… để chia sẻ và bàn thảo về hợp tác quốc phòng an ninh thiết thực vì hòa bình, ổn định và phát triển” như ý kiến phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, khi chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất tại Hà Nội ngày 12/10/2010, nhân Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 vào tháng 11 tại Siem Reap, Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gặp gỡ những người đồng cấp Campuchia, Lào, Philippines cũng như Thứ trưởng Quốc phòng Brunei Mohammad Yasmin Umar để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, đặc biệt hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực.

Trước đó, Việt Nam cũng đã cử đoàn đại biểu quân sự cấp cao do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng dẫn đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại quốc phòng Shangri-la) diễn ra từ ngày 1-3/6 tại Singapore với sự tham gia của đại diện từ 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp vào các chủ đề thảo luận của hội nghị như hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên và giải quyết tranh chấp trên biển.

Hợp tác quốc tế về huấn luyện, đào tạo

Hợp tác huấn luyện, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và học thuật với các nước khác là lĩnh vực ưu tiên trong công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo sĩ quan, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, nhất là trên lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, quân y và các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật quân sự khác.

Trong các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam năm vừa qua, các quan chức quốc phòng Australia, Ấn Độ, Bulgaria, Thái Lan… đều khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình hợp tác đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt về nâng cao tiếng Anh, quân y, chia sẻ kinh nghiệm tham gia bảo vệ hòa bình quốc tế theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển lực lượng hải quân…

Những năm qua, quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động cử cán bộ đi học, đào tạo ở nước ngoài và một số nhà trường quân đội Việt Nam cũng mở cửa đón học viên của các nước khác để đào tạo các trình độ, chuyên ngành khác nhau. Từ năm 2007, Học viện Quốc phòng Việt Nam đã mở khoá đào tạo cho các sĩ quan cao cấp nước ngoài. Việc mở rộng quan hệ giữa các học viện, viện nghiên cứu quốc phòng của Việt Nam với các đối tác nước ngoài, cử sĩ quan tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế... tạo điều kiện trao đổi cởi mở về các vấn đề an ninh khu vực và thế giới mà các bên quan tâm đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác nâng cao chất lượng nghiên cứu các vấn đề mới trong khoa học và nghệ thuật quân sự.

Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng

Để bảo đảm cho quân đội có các loại vũ khí hiện đại cần thiết đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong khi khả năng công nghiệp quốc phòng trong nước chưa thể đáp ứng được, ngoài việc mua vũ khí, trang thiết bị quân sự từ các nước là đối tác truyền thống, Việt Nam quan tâm mở rộng thương mại quốc phòng và hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng để đáp ứng các nhu cầu trang bị, vũ khí của lực lượng vũ trang, nâng cao năng lực của công nghiệp quốc phòng trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về kiểm soát vũ khí. Công nghiệp quốc phòng Việt Nam ưu tiên hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; sản xuất, sửa chữa trang thiết bị quân sự và vũ khí; đào tạo nhân lực...

Trong năm 2012, Việt Nam đã có những thoả thuận hợp tác công nghiệp quốc phòng với Singapore, Israel và Italia. Đặc biệt, trong tháng 3/2012, Việt Nam và các đối tác của Nga đã ký thỏa thuận cùng nhau phát triển các tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran và máy bay không người lái hạng nhẹ (UAV) sử dụng cho mục đích giám sát dân sự. Dự kiến, việc hợp tác này sẽ giúp Việt Nam tiếp thu được công nghệ để tiến tới tự sản xuất các sản phẩm trên trong nước.

Giao lưu hải quân với các nước

Năm 2012 cũng đánh dấu một năm đầy sôi động các hoạt động giao lưu giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Năm qua, Hải quân Mỹ tiếp tục nhiều hoạt động thăm xã giao Việt Nam. Tháng 4/2012, lực lượng đặc nhiệm 73 (Hạm đội 7) gồm soái hạm USS Blue Ridge, khu trục tên lửa USS Chafee và tàu cứu hộ USNS Safeguard cập cảng Tiên Sa của Việt Nam. Ngày 10/7, tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH 19) thuộc Bộ tư lệnh Hải vận Quân sự Mỹ cập cảng Cửa Lò (Nghệ An) để cung cấp, hỗ trợ dân sự và nhân đạo tại Nghệ An theo chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2012.

Ngoài Mỹ, rất nhiều tàu hải quân trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương và quốc gia có quan hệ truyền thống thăm Việt Nam, như các chiến hạm của Myanmar và Nhật Bản (tháng 3), đội tàu Hải quân Nga (tháng 4), tàu đổ bộ RSS Persistence của Hải quân Singapore (tháng 9), các tàu chiến Hàn Quốc, Australia, Malaysia (tháng 10-11).

Trong tháng 5/2012, hai tàu hải quân Ấn Độ là Ins Shivalik Ins và Karmuk, do Phó Đô đốc Hải quân Vajit Kumar, Tư lệnh Hạm đội Miền Đông Hải quân Ấn Độ, làm trưởng đoàn, đã cập cảng Chùa Vẽ, thăm TP Hải Phòng. Chuyến thăm của các tàu hải quân Ấn Độ tiếp tục mang đến thông điệp về sự phát triển và mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam nói chung và giữa hải quân hai nước nói riêng.

Cũng trong năm 2012, nhiều trang thiết bị mới đã được bàn giao cho các lực lượng hải quân và cảnh sát biển Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu tuần tra bảo vệ biển đảo, thực thi pháp luật trên biển và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.

Cụ thể, trong tháng 3 và tháng 10, đối tác Nga đã bàn giao cho Hải quân Việt Nam 4 pháo hạm lớp Svetlyak, một trong những loại tàu pháo hiện đại có lượng giãn nước 345 tấn, dài 49,5m, trang bị pháo hạm 76,2mm, pháo phòng không Ak-630 và tên lửa phòng không tầm thấp Igla.

Tháng 8/2012, nhà máy đóng tàu Admiralteiskie Verfi (Nga) đã hạ thủy tàu ngầm tấn công chạy động cơ điện-diesel lớp Kilo đầu tiên cho Hải quân Việt Nam. Đây là loại tàu ngầm tấn công có lượng giãn nước 3.100 tấn, trang bị các máy phóng ngư lôi cỡ 533mm bắn được ngư lôi chống ngầm hoặc tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M54.

Ngày 16/8, Cục Cảnh sát biển Việt Nam tiếp nhận máy bay tuần tra CASA C-212-400 đầu tiên trong hợp đồng mua 3 chiếc từ hãng Airbus Military. C-212-400 là dòng máy bay vận tải đa dụng thế hệ 4 được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần tra trinh sát hải quân với nhiều trang bị hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của nó là khả năng bay tốc độ thấp, thao diễn ở tầm bay thấp rất phù hợp với hoạt động tuần thám ven biển. Máy bay có thể hoạt động cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết, cất hạ cánh ở sân bay dã chiến, ngắn hẹp… C-212-400 được trang bị cho Cảnh sát biển Việt Nam phục vụ nhiệm vụ tuần thám biển, quan sát phát hiện mục tiêu, nhận dạng tàu thuyền hoạt động trên biển và phát hiện sự cố tràn dầu, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Trong tháng 10, Cục Cảnh sát biển Việt Nam, Nhà máy Z189 và hãng Damen (Hà Lan) đã thực hiện lễ hạ thủy tàu tuần tra DN 2000 có đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu quân sự Việt Nam từ trước tới nay, như có sân đáp trực thăng hạng trung ở đuôi tàu. Tàu có thể hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với phạm vi không hạn chế trong điều kiện gió cấp 12 và liên tục trên biển 40 ngày đêm. Ngoài vai trò tuần tra bảo vệ biển đảo, khi cần DN 2000 có thể tham gia cứu kéo các tàu bị nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng trên đảo.

Theo Thiếu tướng Từ Linh - Chinhphu.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG