Nhu cầu cấp thiết
Tại hàng loạt hội thảo gần đây, nhiều chuyên gia trong ngành vận tải đều thừa nhận, ngành vận tải ô tô đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam với hơn 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa được vận chuyển bằng loại hình này. Tuy nhiên, ngành vận tải ô tô của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập như thiếu kênh thông tin giao tiếp giữa chủ phương tiện với chủ hàng hoặc hành khách, thiếu minh bạch về giá cước vận tải, công tác quản lý điều hành đơn vị kinh doanh vận tải còn thủ công, quy mô nhỏ.
“Hình thức taxi thông minh giúp tiết kiệm chi phí đầu tư. Tại sao Hà Nội có 17.000 xe taxi và TPHCM có 12.000 taxi nhưng cảm giác cung không đủ cầu? Trong khi chúng tôi dự đoán nếu khai thác tốt thì TPHCM chỉ cần 10.000 xe. Nếu ứng dụng CNTT sẽ tiết kiệm được số xe, hiệu suất sử dụng xe cao hơn. Thay vì xã hội phải bỏ tiền đầu tư 17.000 hay 20.000 xe thì chỉ cần đầu tư 10.000 - 12.000 xe".
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng
Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành vận tải đang được Chính phủ rất quan tâm và khuyến khích là thông điệp được Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng khẳng định tại hội thảo “Giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức tại TPHCM đầu tháng 9 vừa qua.
Theo ông Hùng, việc sử dụng ứng dụng GrabCar, trong thực tế, giúp tăng thu nhập cho người lái xe trong khu vực từ 100% đến 300%. Các phần mềm ứng dụng như GrabTaxi sẽ giúp kết nối hành khách với người lái xe ở gần nhất nên thời gian chờ xe sẽ giảm xuống; hành khách biết rõ tên, điện thoại liên hệ với người lái xe và thời gian ước tính người lái xe đến đón mình.
“Đề án thí điểm cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Đề án tại những địa bàn thí điểm thông qua các dữ liệu Đề án được GrabTaxi và các công ty vận tải đối tác cập nhật thường xuyên, và thông qua thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt, đề án giúp giảm tỷ lệ xe rỗng trên đường (hiện chiếm tới 30-50%); vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa giảm lưu lượng xe trên đường sẽ gây tình trạng ách tắc giao thông”, ông Hùng cho biết.
Nhiều lợi ích cho người tiêu dùng
Theo các chuyên gia, để tăng hiệu quả của hoạt động vận tải thông qua giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, các hãng taxi phải liên tục đổi mới, cạnh tranh – nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá thành, theo hướng mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng. Để làm được điều này, yếu tố quan trọng nhất chính là thực hiện các giải pháp về quản lý hiện đại bằng cách sử dụng các ứng dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế với các DN lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là GrabCar) sẽ đem lại nhiều tiện ích cho xã hội. Việc cho phép ứng dụng trên sẽ mở ra môi trường cạnh tranh hơn giữa các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ taxi, tạo sức ép nâng cao chất lượng dịch vụ. “Hãng nào kết nối tốt, thu hút được nhiều khách hàng, ổn định sẽ phát triển. Các xe thay vì cứ chạy long nhong trên đường, tốn xăng, gây khói bụi thì sẽ dễ dàng tìm đến hành khách hơn. Và nó cũng giúp khách hàng tìm được xe nhanh hơn, đi lại an toàn do thông tin về người lái xe, hành trình được lưu giữ trên hệ thống”, ông Phụng nói.
Một bước tiến dài trong tư duy quản lý...là đánh giá của Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) Vương Ngọc Tuấn trước quyết định gần đây của Bộ GTVT cho phép thí điểm GrabCar. Theo ông Tuấn, đây có thể là một giải pháp tăng cường sức cạnh tranh trong ngành vận tải, buộc các doanh nghiệp taxi phải đổi mới, áp dụng công nghệ, qua đó tăng tính cạnh tranh.