Cụ thể, về phương thức đánh giá học sinh, năm học này giáo viên không chỉ đánh giá qua bài kiểm tra mà chú trọng đánh giá thường xuyên qua các hoạt động trên lớp, qua vở học tập, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, bài thuyết trình, trình chiếu video.
Phương thức đổi mới đánh giá sẽ khiến học sinh năng động, sáng tạo, có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cũng như tăng phần trải nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, theo các giáo viên, với điều kiện cơ sở vật chất trường học THCS, THPT như hiện nay khó có thể áp dụng được phương thức đánh giá mới.
Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên dạy Văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ, từ khi áp dụng phương thức đánh giá mới, ngoài làm bài kiểm tra, trường mới chỉ tổ chức cho học sinh đi thực tế ở di tích Cổ Loa, Đông Anh – Hà Nội, nơi có truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy một lần.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, môn Văn cố gắng lắm mới đi được một lần vì tổ chức không khó nhưng trường không có kinh phí, phụ huynh cũng rất khó khăn.
Ngoài ra, khi giao bài tập dạng mới, học sinh cũng gặp nhiều khó khăn trong tìm thông tin, tài liệu. Điển hình như khi học về một giai đoạn lịch sử cụ thể, giáo viên giao cho 4 nhóm tìm tài liệu để trình bày qua hình thức làm video và báo cáo thuyết trình.
Tuy nhiên, thư viện ít đầu sách, tư liệu hình ảnh hiếm hoi và không phải học sinh nào cũng có máy tính cá nhân để hoàn thành bài. Một giáo viên trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam: “Phương pháp rất hữu ích nhưng khó có thể triển khai trên diện rộng vì học sinh phải được trang bị phương pháp, kỹ năng thực hành, phương tiện”.
Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Qúy Đôn (Hà Nội) cũng đồng quan điểm, tùy vào đặc thù môn học và từng vùng miền để có thể áp dụng được phương thức đánh giá nào.
Chưa kể, giáo viên không được hướng dẫn kỹ sẽ lúng túng khi yêu cầu học sinh thực hiện cũng như không có tiêu chí cụ thể sẽ gặp khó trong đánh giá. Bên cạnh đó, một số phụ huynh phản ánh, cách đánh giá này khó có thể đảm bảo công bằng giữa các học sinh.