Tổ chức cụm thi là để đảm bảo khách quan
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, tiêu cực thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây từng diễn ra nhưng gần đây hiện tượng này càng ngày càng giảm. Căn cứ vào phổ điểm năm ngoái (dải điểm của thí sinh được phân bổ đều chứ không co cụm như khi có hiện tượng sao chép của nhau), Bộ GD&ĐT tin rằng, kỳ thi này đã đảm bảo nghiêm túc. Tuy nhiên, đối với xã hội, dư luận vẫn tin tưởng vào sự khách quan của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hơn. Đây là lý do để Bộ GD&ĐT đổi mới cách thức tổ chức thi theo phương thức cụm thi, trong đó những cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì. Dù cụm thi do đơn vị nào chủ trì thì cũng chỉ có một quy trình chung, đề chung, thanh tra - kiểm tra chung. Với 38 cụm thi liên tỉnh trên toàn quốc, so với kỳ thi tốt nghiệp THPT mọi năm, học sinh phải di chuyển xa hơn, nhưng so với kỳ thi tuyển sinh ĐH thì các em không gặp khó khăn hơn nhờ các cụm thi được phân bổ rải rác trong toàn quốc.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh tự do về việc có thể tùy ý chọn cụm thi để dự thi, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT trả lời: “Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT được quyền chọn cụm thi tùy thuộc điều kiện, ý thích của các em, thậm chí em ở Hà Nội vẫn có thể dự thi tại một cụm thi ở TPHCM. Thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT cũng được quyền chọn cụm thi nhưng phải thi theo học sinh THPT nơi các em đăng ký. Ví dụ, các em đăng ký thi cùng với học sinh Nam Định thì Bộ GD&ĐT bố trí Nam Định thi ở cụm nào, thí sinh tự do cũng phải thi ở đó. Sở dĩ phải quy định như vậy vì còn liên quan tới nơi lưu giữ hồ sơ xét tốt nghiệp của các em. Nhưng các em thí sinh tự do chưa tốt nghiệp cũng cần lưu ý, điểm đăng ký dự thi của các em sẽ là nơi do Sở GD&ĐT quy định, trong khi học sinh lớp 12 sẽ đăng ký tại trường THPT mà mình đang học”.
Sẽ sớm có đề thi minh họa
Trong buổi giao lưu, ông Trần Văn Nghĩa cho biết trong quy chế thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT cũng đã quy định về đề thi. Theo đó, sẽ có hai nhóm câu hỏi, trong đó có một nhóm dành cho việc đánh giá thí sinh để xét tốt nghiệp THPT với độ khó có tính đến đối tượng học sinh học ở các trung tâm giáo dục Thường xuyên. Một nhóm khác để có thể phân loại được thí sinh nhằm sử dụng xét tuyển sinh ĐH, CĐ. “Đề thi sẽ đảm bảo để một học sinh trung bình, thậm chí trung bình yếu nhưng được ôn tập tốt, vẫn có thể đạt tốt nghiệp”, ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, hướng ra đề thi vẫn tiếp tục triển khai theo hướng mọi năm đã thực hiện, vì thế các em học sinh có thể tham khảo các đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây trong quá trình ôn tập.
Thứ trưởng Hiển khẳng định đề thi tốt nghiệp THPT năm ngoái cũng đã đáp ứng được yêu cầu phân hóa học sinh. “Với đề thi năm ngoái, chỉ khoảng hơn 2% số thí sinh đạt loại giỏi. Tính cả khá nữa thì cũng chỉ khoảng 20%. Còn lại là học sinh trung bình và học sinh không đạt yêu cầu. Cho nên các nhà trường và các em học sinh cứ yên tâm ôn tập như mọi năm. Chấm thi cũng như mọi năm, cũng sẽ có một hướng dẫn để các hội đồng thực hiện. Trước khi chấm các hội đồng cũng sẽ phải chấm tập thể một số bài để thống nhất cách chấm”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cho biết hằng năm, Bộ vẫn hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung chương trình cũng như cách thức ôn tập cuối năm chứ không chỉ năm nay đổi mới thi mới có hướng dẫn. Về mức độ, yêu cầu không hề cao hơn mọi năm mà cơ bản vẫn giữ nguyên. “Bộ GD&ĐT sẽ không đưa ra cấu trúc đề thi, bởi đề thi sẽ được xây dựng theo ma trận. Để đáp ứng nhu cầu của thí sinh, nay mai Bộ sẽ giới thiệu một đề thi để minh họa, nhưng tôi xin báo trước là đề thi minh họa này sẽ không khác gì đề thi những năm trước”, ông Hiển cho biết.
Ông Hiển khẳng định: “Học tốt thì thi sẽ tốt. Vì thế các em cứ tự tin. Đổi mới thi cử năm nay chủ yếu là đổi mới về cách thức tổ chức. Còn yêu cầu về nội dung thi với các thí sinh thì vẫn giữ nguyên, vì vậy các thầy cô và các em ở các trường cứ yên tâm học hành - ôn tập như mọi năm”.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo ôn thi THPT quốc gia:
Chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12
Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT để chỉ đạo việc tổ chức ôn thi THPT quốc gia năm 2015. Theo đó việc ôn tập phải được thực hiện theo cách thức hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh. Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì việc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học.Việc tổ chức ôn tập phải tập trung vào kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp đỡ học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng, thông qua đề kiểm tra được biên soạn theo ma trận với 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học, trong đó đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước; với môn ngoại ngữ cần tiếp tục nâng cao yêu cầu phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Q.H