Trong “mưa” điểm 10 ấy, bất ngờ nhất là môn Sử. Mới nhiều năm học trước, điểm số thi ở môn này rất thấp. Kết quả tích cực này có phần từ cải tiến việc ra đề thi, hình thức thi và sự ôn tập chu đáo của các nhà trường.
“Mưa”điểm 10 dù vẫn tập trung nhiều ở các địa phương có truyền thống học nhưng cũng là niềm vui chung trên cả nước. Điểm 10 trên ba môn khối thi tăng nhiều và như đã thấy lâu nay, chủ yếu rơi vào con em nhà nghèo, vùng nông thôn. Kết quả thi của các em rất đáng được biểu dương, khâm phục. Học sinh Lê Hữu Hiếu ở trường THPT Yên Định (Thanh Hóa), điểm tuyệt đối khối B dù em bị khuyết tật, nhà rất nghèo.
Ngành giáo dục và xã hội râm ran vì tới 4250 điểm 10 trong kì thi vừa qua. Càng mừng khi số khá lớn học sinh có thành tích tốt trong học tập, thi cử không học trường chuyên. Để có điểm 9, 10 tươi rói ấy, các em đã nỗ lực chăm ngoan suốt thời gian dài đi học, chứ không chỉ ba năm ở trường THPT. Những em này sẽ có thêm nền tảng để học giỏi ở các trường đại học trong nước và nước ngoài.
Nhưng để đất nước không bị tụt hậu, xã hội đang và sẽ yêu cầu ngày mộtcao ở giáo dục. Trách nhiệm đặt ra cho mỗi thầy cô giáo là rất lớn. Kì thi vừa rồi có đúng là chất lượng giáo dục đang tăng vùn vụt? Là người trong ngành, tôi không nghĩ thế. Những người có tâm huyết với giáo dục cũng không nghĩ thế. Họ có cơ sở.Trong bài viết này, tôi bàn về những trăn trở, về núi thách thức mà mỗi người thầy và ngành giáo dục phải làm những năm học tới.
Thách thức đầu tiên là phải trả lời được vì sao học sinh bây giờ rất lười học?
Ngành giáo dục, mỗi trường học phải góp phần cùng thầy cô giáo trả lời câu hỏi này. Đúng là trò lười quá mức! Có thể ai đó đặt câu hỏi. Vừa bàn đến “mưa”điểm 10 xong. Phải học thế nào mới có kết quả lớn như thế chứ? Đúng vậy. không chỉ điểm 10 trong thi tốt nghiệp, nhiều em còn đạt giải quốc gia, quốc tế. Nhưng đó chỉ là thiểu số, những “con gà chọi,”chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với cả nghìn học sinh mỗi trường THPT. Những học sinh ấy vừa có trí tuệ, vừa nỗ lực miệt mài, còn ở thầy cô đầu tư rất nhiều công sức.
Nguyên nhân dẫn đến học sinh lười học có nhiều. Xin chỉ nêu vài điểm. Việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học sau đó là THCS với mục đích tốt là giảm áp lực thi cho lứa tuổi học trò còn nhỏ. Nhưng học sinh đã dựa vào đó mà lười học, giảm rèn luyện là một thực tế. Ở khối THCS, áp lực thi của số đông học sinh hầu như chỉ dồn vào 10 THPT. Nhưng ở cấp học này, trường mở nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh cao, không thi chỗ này thì chuyển chỗ khác nên số hỏng thi gần như không đáng kể. Sự quyết liệt cho thi hầu như dồn vào thi đậu trường chuyên. Nhưng số này chiếm tỉ lệ quá nhỏ.
Lên THPT, học sinh chia thành hai luồng: số học yếu và trung bình chỉ cần tốt nghiệp để đi công nhân, học nghề, lao động xuất khẩu. Những em khá hơn thì tập trung vào các môn khối để thi đại học. Thi tốt nghiệp nếu có ngặt nghèo như năm 2007(năm thực hiện Hai không) chắc là Bộ không đủ can đảm để tổ chức. Năm ấy tỉnh Tuyên Quang chỉ đỗ 14%! Vừa qua, tới năm bài thi trắc nghiệm, nhưng ai đứng lớp hay coi thi đều thấy, khá nhiều thí sinh chẳng biết mô tê gì, nằm ngủ.
Gần hết giờ, ngóc cổ dậy tô bừa hầu như đều thoát liệt! Tránh được điểm liệt thì cơ hội đỗ là rất cao. Vì thí sinh đã có điểm tổng kết lớp 12 rất thoáng. Cộng 2 điểm khuyến khích nghề (do đa số chứng chỉ nghề giỏi), điểm ưu tiên dân tộc, chính sách…Không đỗ mới là lạ!
Từ kết quả thi tốt nghiệp năm nay chúng ta nên ngẫm nghĩ là Nhà nước bỏ ra nhiều tỉ đồng để các nhà trường hoặc đỗ cả, hoặc chỉ trượt một vài em (do yếu quá mức, không muốn học). Thế này thì nên bỏ thi tốt nghiệp! Tất nhiên sẽ chỉnh sửa Luật giáo dục. Việc này sẽ không mấy khókhăn. Hoặc thi thì phải phân loại được. Học yếu, lười, mất gốc kiến thức thì phải chịu trượt. Có vậy mới giúp các nhà trường dạy thực chất, học thực chất.
Thầy cô đứng lớp hay thổ lộ với nhau: học sinh bây giờ lười học còn cả lỗi ở Bộ! Như bất chấp cảnh báo vẫn mở đại học tràn lan mấy năm về trước, dẫn đến cả trăm ngàn sinh viên không thể kiếm nổi việc làm, đành phải dấu bằng đại học đi làm công nhân, lao động tự do, gây nên sự lãng phí rất lớn cho gia đình và xã hội. Ở các nhà trường THCS&THPT, chứng chỉ học nghề cơ bản được biếu không hai điểm! Bởi học ba, bốn năm nghề ở trường chuyên nghiệp, ra trường còn không làm nổi việc.
Đằng này trời trời đất đất mấy chục tiết, nặng về ghi tên, nộp tiền thì giải quyết được vấn đề gì? Thêm nữa, điểm tổng kết cho khối 12 ở trên trời. Năm tới là lớp 11, lớp 10? Chẳng thầy cô nào đang đứng lớp lại thoải mái khi học sinh lười, học kém mà vẫn cho điểm cao. Cũng chẳng ông hiệu trưởng nào muốn chỉ đạo giáo viên làm thế. Nhưng tổng kết điểm đúng với lực học thì trò của mình thiệt. Ai lại tự đâm đầu vào rọ?Các đơn vị khác phóng điểm, liệu mình có dám đứng ngoài?
Vậy là học trò được nê nhác học, lười phấn đấu, biếng đọc sách, ít trui rèn. Đã ngại học thì sinh ra quấy. “Nhất quỉ nhì ma”… Phần đông thầy cô đứng lớp ngày nay chịu nhiều áp lực, nhất là số dạy hợp đồng.
Thách thức tiếp theo là sự xuống cấp đạo đức của học trò. Bây giờ đi đâu cũng thấy kêu ca là học sinh không tuân thủ nội qui nhà trường. Đánh nhau, vô cảm và nhiều khi chống cả người thi hành công vụ! Chả cần phải gõ Google, từ khóa “nữ sinh đánh nhau” nữa. Và con số phát hiện hay đọc trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ là phần nổi của tảng băng. Trước đây đánh nhau chỉ ở học sinh nam, giờ rơi nhiều vào số nữ! Gọi là phái yếu mà xử sự với bạn dã man hơn cả súc vật! Lột đồ bạn, đánh hội đồng, không cho đối phương có thể tự vệ như với kẻ thù.
Số bên ngoài không vào can, hòa giải thì thôi lại quây quanh chụp ảnh, tung lên mạng cho “cả thế giới biết!”Trước thực trạng đau xót này nhiều người đổ thừa cho lỗi từ phim ảnh bạo lực. Cái đó có phần đúng. Nhưng quan trọng hơn, quá nhiều cái xấu từ bên ngoài học sinh ngày ngày trông thấy. Bây giờ kỉ luật trong các nhà trường thiếu được nghiêm minh. Hình phạt vẫn như mấy chục năm về trước, thời học sinh đến trường chỉ lo học để kiếm chữ, mai này thoát khỏi khổ nghèo, kính trọng thầy cô.
Có những qui định quá cũ từ Bộ. Ví như, nghỉ 45 ngày trong năm học mới phải lưu ban hay không được xét thi tốt nghiệp. Học sinh A có thể nghỉ 44 ngày (nếu có lí do) vẫn hợp lệ! Thời gian ấy, số có phép do ốm đau rất ít, chủ yếu la cà vào quán nét, lêu lổng bên ngoài. Cá biệt còn dính vào tệ nạn. Một buổi học thường là 4 tiết. Chừng ấy thời gian đã mất nhiều kiến thức rồi. Nhân lên với 40 buổi thì hổng kiến thức rất lớn. Số này sẽ thi thố kiểu gì?
Đã vậy, học sinh diện trên gần như không học bài cũ, làm bài tập ở nhà, nếu có chỉ đối phó. Nghỉ 44 buổi, nếu đủ điểm tổng kết, hạnh kiểm chỉ mức trung bình thì vẫn được lên lớp, được thi tốt nghiệp. Điểm tổng kết như đã nói. Kết quả tốt nghiệp thì ta đã thấy. Cho lưu ban, thi tốt nghiệp trượt nhiều sẽ ảnh hưởng đến thi đua, đến công tác tuyển sinh năm sau…Vì cái lí ấy, ở phần lớn các nhà trường, số học sinh lười toàn tập cứ vậy tăng lên!
Vì lười nên ý thức học tập, phấn đấu rèn luyện kém, không chấp hành nội qui nhà trường, bỏ ngoài tai sự bảo ban của thầy cô, trong khi nhiệm vụ của mình khi đến trường là học tập, rèn giũa. Thầy cô dù ức chế nhưng rồi vẫn phải cho học trò điểm. Nâng rồi, thấy chưa ổn lại nâng nữa, cho bằng ưng thì thôi!
Nâng em này, bỏ em kia thấy nó thế nào. Điểm của thầy nhiều như quân Nguyên! Nhưng càng phóng tay, cái uy của nhà giáo càng theo đó mà giảm đi. Đã vài chục năm nay, những học sinh giỏi (và cả khá) rất ít chọn sư phạm. Điểm đầu vào của ngành này chỉ loanh quanh mức sàn, tức là 13 điểm (giờ là 15,5). Đấy là tính cả điểm ưu tiên. Với mức điểm ấy mà “phù phép”thành bằng giỏi, khá khi tốt nghiệp thì khó mà tin được! Số này khi được tuyển vào ngành sẽ dạy ra sao?
Khá nhiều phụ huynh bây giờ không hiểu điểm số của con em mình phần lớn từ sự nâng đỡ. Đã thế nhiều người bênh con vô lối. Thầy cô giáo đến trường với nhiệm vụ lo toàn tâm toàn ý dạy dỗ, nhưng không ít học trò quá xấc xược khiến thầy nhiều lúc khó mà kiềm chế. Có thầy vì tát học sinh mà bị đuổi việc như thầy giáo ở trường THCS Khương Thượng (Hà Nội).
Thầy giáo ở huyện Yên Định (Thanh Hóa) vì dùng thước đánh vào mông học sinh lớp 8 mà gặp rắc rối bởi sự việc hay bị dư luận, truyền thông thổi lên. Trước thực trạng ấy, không ít giáo viên (nhất là số dạy hợp đồng) chọn giải pháp làm ngơ trước học sinh vô lễ để giảm sự phiền phức…
Phải thẳng thắn mà nói, trừ trường chuyên, các lớp chọn, còn lại học trò hư là nhiều. Nhưng có trong cuộc mới thấy thầy cô muốn làm nghiêm bây giờ rất khó.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã nỗ lực, làm được nhiều, nhưng vẫn còn đó những khiếm khuyết rất nên được chỉ ra. Sự thật là bệnh thành tích đã di căn quá nặng! Nhiều thầy cô dù ngày ngày đứng lớp nhưng thâm tâm rất chán nghề. Sự thật là, biết cúi đầu chào người lớn để đi học, lễ phép trước thầy cô, ngay ngắn khi xếp hàng trong ngành giáo dục chủ yếu chỉ còn ở bậc Tiểu học!
Đây là sự mất mát lớn mà ngành giáo dục, các nhà trường phải sớm tìm cách chữa trị nếu không muốn cái uy của nghề giáo bị rơi rớt thêm đi trong con mắt của cộng đồng. Không nên cứ phải báo cáo có nhiều em đỗ đại học, trăm phần trăm đỗ tốt nghiệp mà học sinh ra đường là có thể lao vào đánh nhau, nói năng tục tĩu, phóng xe máy, xe đạp điện như ngựa lồng.
Viết điều này tôi không có ý định ca thán, nêu cái xấu chính ngành của mình. Thiết nghĩ, để góp phần giúp đất nước hòa nhập thành công trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt hiện nay thì Bộ giáo dục, từ khâu tổ chức biên soạn chương trình đến việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục, tổ chức thi cử phải tính đến làm sao để người đi học có đủ kiến thức để làm việc, hội nhập, trở thành những người có tâm, có trách nhiệm trong công việc, biết lắng nghe, sống hòa đồng, có lòng bao dung, nhân ái, biết giữ thể diện quốc gia. Trước mắt, cần xem lại một số quy định khiến cho khâu đánh giá học, thi của học sinh còn bất cập như bỏ phần học nghề ở các lớp cuối cấp bậc THCS&THPT, bỏ cộng điểm tổng kết trong học bạ vào việc xét kết quả tốt nghiệp…