Đối diện tranh luận nóng bỏng, Bộ trưởng Tư pháp nói 'chưa thể trả lời được’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu “quan điểm của bộ” trước những tranh luận “nóng bỏng” trong hơn một ngày qua liên quan đến việc có được sử dụng kinh phí thường xuyên để chi đầu tư mua sắm, sửa chữa nhỏ hay không?

Sáng 7/11, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đã sử dụng quyền tranh luận để nêu lại một vấn đề vốn đã gây tranh luận trong suốt một ngày qua, đó là việc có được sử dụng kinh phí thường xuyên để chi cho các nhiệm vụ mang tính đầu tư nhỏ, hoặc sửa chữa trụ sở cơ quan, đơn vị?

Theo bà Hạnh, đây nội dung đang có những cách hiểu rất khác nhau giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công. “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết quan điểm về việc này”, bà Hạnh đặt câu hỏi.

Đối diện tranh luận nóng bỏng, Bộ trưởng Tư pháp nói 'chưa thể trả lời được’ ảnh 1

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định). Ảnh: Như Ý.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết quan điểm của Bộ Tài chính, Chính phủ, Bộ Tư pháp khác với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH).

“Vấn đề là phải xác định rõ vướng ở đâu, do luật hay do cách hiểu khác nhau? Xác định được điều này thì mới đề xuất sửa đổi bổ sung, hay đề xuất Ủy ban TVQH ban hành Nghị quyết thí điểm hoặc Uỷ ban TVQH giải thích pháp luật. Đây là vấn đề pháp luật phức tạp”, ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong quá trình rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật để báo cáo với Quốc hội thì Bộ Tài chính không nêu bất cập, vướng mắc của Thông tư 65. “Quan điểm của Chính phủ về nội dung này khá khác nhau nên tổ công tác chưa đưa vào báo cáo tổng hợp rà soát”, ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng thời cho biết sẽ tiếp tục rà soát trong nội bộ của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội. “Bây giờ chúng tôi chưa thể trả lời được, cần phải có thời gian”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ.

Đối diện tranh luận nóng bỏng, Bộ trưởng Tư pháp nói 'chưa thể trả lời được’ ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Như Ý.

Trước đó, nội dung này đã gây rất nhiều tranh luận, không chỉ trong phiên chất vấn ngày hôm qua mà cả ở các kỳ họp trước. Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Luật Đầu tư công không cho phép chuyển kinh phí thường xuyên để chi cho các nhiệm vụ chi mang tính đầu tư như mua sắm, sửa chữa nhỏ, đến tình trạng, có đơn vị thiếu hàng rào mà chưa xây được.

Trái lại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Luật Đầu tư công không có vướng mắc. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng khẳng định vướng mắc không phải từ luật Đầu tư công hay luật Ngân sách Nhà nước mà từ Thông tư 65/2021 của Bộ Tài chính đã bãi bỏ việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp tài sản đã được quy định tại Thông tư 92 trước đó.

“Chốt” lại những tranh luận này trong ngày hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đóng dấu, ký tên văn bản để gửi cho các cơ quan có liên quan và trong trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ mà có yêu cầu giải thích thì lúc đó Thường vụ Quốc hội mới đi giải thích pháp luật.

“Sau buổi họp hôm nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phải gửi ngay văn bản ký tên, đóng dấu hẳn hoi, báo cáo với Chính phủ, gửi cho các bộ, ngành có liên quan. Nếu nghị định với thông tư không phù hợp với luật thì phải sửa nghị định và thông tư, cho rõ ràng là như vậy”, Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Với trả lời mới nhất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho thấy những tranh luận trên vẫn chưa thể đi đến hồi kết mà còn phải chờ rà soát, nghiên cứu, thống nhất giữa các cơ quan.

MỚI - NÓNG