Đội bóng nghèo 4 lần đoạt Siêu Cúp

Lần gần nhất các cầu thủ SLNA ăn mừng chiến thắng trận Siêu Cúp QG là năm 2011. Ảnh: VSI
Lần gần nhất các cầu thủ SLNA ăn mừng chiến thắng trận Siêu Cúp QG là năm 2011. Ảnh: VSI
TP - Trong 30 năm tồn tại, Sông Lam Nghệ An (SLNA) đã đem được nhiều chiến tích về trưng bày trong phòng truyền thống của mình: 3 lần vô địch quốc gia, 1 lần vô địch giải bóng đá tập huấn mùa xuân, 4 lần đoạt Siêu Cúp Việt Nam và 2 Cúp Quốc gia.

Riêng Siêu Cúp, SLNA lập kỷ lục với 4 lần đoạt Siêu Cúp, trong đó có 3 lần liên tiếp vào các năm 2000, 2001, 2002 và năm 2011.

Siêu Cúp năm 2000, SLNA đánh bại Cảng Sài Gòn (CSG) 2-0 trên sân Hàng Đẫy. Quang Trường và Đức Lam là 2 cầu thủ ghi bàn.

Siêu Cúp 2001 đá 2 trận lượt đi và lượt về. Lượt đi Công an TPHCM hòa SLNA 1-1. Hoàng Tùng ghi bàn cho Công an TPHCM, Thanh Tùng (Công an TPHCM) phản lưới nhà ghi bàn cho SLNA. Lượt về SLNA thắng Công an TPHCM 2-0. Iddi Batambuze và Phi Hùng là 2 cầu thủ ghi bàn.

Siêu Cúp 2002: SLNA thắng CSG 5-2. Julien (2 bàn), Ngô Quang Trường (2 bàn), Văn Sỹ Thủy ghi bàn cho SLNA. Huỳnh Hồng Sơn ghi 2 bàn cho CSG.

Trong 3 trận Siêu Cúp trên, không thể quên được những đóng góp to lớn của HLV Nguyễn Thành Vinh. 19 năm giữ cương vị HLV trưởng, ông đã cùng bóng đá xứ Nghệ vượt qua khó khăn để đạt được vinh quang đầu tiên cho CLB.

Với thế hệ tài năng của Văn Sĩ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Ngô Quang Trường, Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Phi Hùng, Võ Văn Hạnh cùng các ngoại binh chất lượng như Iddi Batambuze, Lulenti Kyeyune, Enock Kyembe, tất cả đều trở thành biểu tượng chiến thắng của bóng đá xứ Nghệ khi đó.

Nhưng từ đó trở đi, kết thúc chuỗi thành công của đội bóng xứ Nghệ, SLNA bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều cầu thủ đã từng mang thành công cho đội bóng cứ lần lượt ra đi bởi nguồn tài chính của câu lạc bộ quá eo hẹp. Hàng loạt ngoại binh có chất lượng không thể giữ chân nổi.

Mãi đến thời HLV Nguyễn Hữu Thắng, SLNA mới đoạt thêm Siêu Cúp 2011. Trận đấu diễn ra trên sân Vinh, SLNA một lần nữa giành Siêu Cúp thứ 4 với trận thắng 3-1 trước đối thủ Navibank Sài Gòn sau loạt đá luân lưu 11m.

Nhiều cầu thủ ra đi vì… nghèo

Những năm sau này, việc không thiếu tài năng, nhưng do khủng hoảng tài chính đã khiến cho đội bóng xứ Nghệ mất cả hàng tá cầu thủ trong đội hình, trong đó đa phần là các trụ cột và ngôi sao như: tiền vệ đội trưởng Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình, Công Vinh về Becamex Bình Dương khiến cho SLNA phải thi đấu mùa giải 2014 với nhiều gương mặt trẻ do chính lò của họ đào tạo còn non kinh nghiệm thi đấu tại V-League.

Kinh phí hạn hẹp, lại luôn trong cảnh ăn đong từng mùa giải khiến HLV Nguyễn Hữu Thắng - “linh hồn của SLNA” cũng nói lời chia tay khi V-League 2015 sắp bắt đầu. Sự chia tay của HLV Hữu Thắng là một cú sốc lớn với những người làm bóng đá và CĐV xứ Nghệ. HLV Ngô Quang Trường được đẩy lên ngồi vào ghế “thuyền trưởng”.

Với nòng cốt là các cầu thủ trẻ như Quang Tình, Hoàng Thịnh, Sỹ Sâm, Phi Sơn, Ngọc Hải, Mạnh Hùng… mùa giải 2015 tưởng như là hành trình đầy khó khăn của thầy trò HLV Ngô Quang Trường. Vậy nhưng, SLNA luôn có lực lượng CĐV đông đảo trên khắp cả nước, và lực lượng “cầu thủ thứ 12” này chính là những người tiếp sức mạnh mẽ nhất cho đội bóng xứ Nghệ đứng vững (về thứ 7/14 đội).

Giờ đây đến những Quang Tình, Thế Cường, Đình Đồng, Hoàng Thịnh cũng ra đi. Các tiền vệ Quang Tình, Thế Cường về đầu quân cho XSKT Cần Thơ. Hậu vệ trái Đình Đồng, tiền vệ chủ lực Ngô Hoàng Thịnh về đội bóng hàng xóm FLC Thanh Hóa.

SLNA được xem là đội bóng nghèo. Cái nghèo đeo bám, nên mỗi mùa giải mới luôn là những thách thức với họ và thầy trò HLV Ngô Quang Trường đang chuẩn bị cho hành trình đầy cam go ở V-League 2016.  

Kỷ lục 4 lần vô địch Siêu Cúp báo Tiền Phong của SLNA đang bị “đe dọa” vì sau lưng họ là một Becamex Bình Dương với 3 lần vô địch Siêu Cúp, đang giai đoạn hùng mạnh nhất.

Đội bóng nghèo 4 lần đoạt Siêu Cúp ảnh 1
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.