Độc quyền điện và vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn: Lỗi ở đâu?

Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) chất vấn tại hội trường chiều 14-6 Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) chất vấn tại hội trường chiều 14-6 Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Mở đầu phiên chất vấn chiều qua, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cảm ơn Ủy ban Thường vụ QH đã cho phép mình được trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

> Vụ Tiên Lãng, Văn Giang: Công an chỉ bảo vệ chứ không cưỡng chế

Bộ trưởng Công an cho biết, đang chỉ đạo làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn xem có lọt thông tin hay không.

Đang làm rõ có lộ, lọt thông tin không

“Trong khi người dân đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm và trình độ nghiệp vụ của cán bộ chiến sỹ công an trong điều tra, phá nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp thì cũng rất bức xúc trước việc bị can Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải bỏ trốn ngay trước thời điểm bắt tạm giam.

Trong khi trước đó đối tượng này đã bị công an điều tra triệu tập nhiều lần. Đề nghị bộ trưởng cho biết, trách nhiệm cụ thể của Bộ Công an trong vụ việc này, lý do vì sao bị can Dương Chí Dũng lại trốn thoát được?” - ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, thông qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an phát hiện ông Dương Chí Dũng cùng một số cá nhân khác có những dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cơ quan CSĐT đã làm việc với ông Dương Chí Dũng và một số cá nhân liên quan. Ông Dương Chí Dũng đã bước đầu thừa nhận có những hành vi cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

“Sau khi được cấp có thẩm quyền đồng ý, VKSND tối cao phê chuẩn, ngay trong buổi chiều ngày hôm đó, chỉ trong vài chục phút, Cơ quan CSĐT đã triển khai các tổ công tác đến để thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Dương Chí Dũng, ông Mai Văn Phúc, ông Trần Hữu Chiều” - Bộ trưởng Quang cho biết.

Cơ quan CSĐT đã bắt được hai ông Mai Văn Phúc và ông Trần Hữu Chiều còn bị can Dương Chí Dũng không có ở cơ quan và ở nhà, Cơ quan CSĐT đã yêu cầu gia đình mời ông Dũng về để làm việc nhưng sau khi xác minh thấy ông này đã bỏ trốn.

Cơ quan CSĐT đã động viên gia đình vận động ông Dương Chí Dũng ra đầu thú làm việc với cơ quan điều tra, nhưng không có kết quả.

Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã đặc biệt trong toàn quốc, đồng thời phối hợp với các tổ chức cảnh sát quốc tế, cơ quan phòng chống tội phạm các nước có liên quan để truy bắt ông Dương Chí Dũng nếu như ông này đã trốn ra nước ngoài.

“Có thể nói những biện pháp để truy bắt, truy nã đối với ông Dương Chí Dũng triển khai rất khẩn trương. Về vụ việc này chúng tôi đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn xem có lộ, lọt thông tin hay không? Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật. Đồng thời chúng tôi đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp công tác nghiệp vụ, khi khởi tố bị can, bắt và khám xét đối với ông Dương Chí Dũng”- Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết thêm.

Đề xuất điều tra bí mật với tội phạm tham nhũng

Bộ trưởng công an Trần Đại Quang
Bộ trưởng công an Trần Đại Quang.
 

Nhân vụ việc này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng kiến nghị QH, các cơ quan chức năng, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết, được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh tình trạng đối tượng tìm cách bỏ trốn.

“Việc này đối với tội phạm ma túy và các tội phạm xâm hại đến quốc gia thì pháp luật đã cho phép, chúng tôi kiến nghị sau này nếu sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Tố tụng hình sự đề nghị QH cho phép cơ quan điều tra được áp dụng những biện pháp điều tra trinh sát và biện pháp ngăn chặn cần thiết, người ra quyết định đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với quyết định của mình”- Ông Quang nói.

ĐB Đỗ Mạnh Hùng nhận xét, bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn và trách nhiệm. Tuy nhiên, yêu cầu phòng, chống tội phạm là bức thiết không thể chờ được.

Mãi lộ CSGT: Không thể chấm dứt một sớm, một chiều

Cũng liên quan chất vấn của ĐB Đỗ Mạnh Hùng về tình trạng tiêu cực trong cảnh sát giao thông (CSGT) và biện pháp khắc phục, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, môi trường công tác của lực lượng CSGT dễ nảy sinh tiêu cực và vi phạm.

Do vậy, trong thời gian gần đây, Bộ Công an đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tiêu cực, vi phạm trong lực lượng CSGT.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng thừa nhận, vẫn còn một bộ phận không nhỏ CSGT vi phạm điều lệnh công an nhân dân, vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng.

“Thái độ của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an rất nghiêm túc trong vấn đề này. Chúng tôi đã chỉ đạo xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đã đình chỉ công tác, khởi tố và đưa ra truy tố trước pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý, kể cả trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc có liên quan nếu như công tác quản lý làm không tốt, để cho cán bộ, chiến sĩ tiêu cực” - Bộ trưởng Quang nói.

Ông Quang nhận định: Không thể chấm dứt một sớm một chiều các tiêu cực này. Ông kêu gọi cử tri cả nước và báo chí tiếp tục cung cấp những thông tin về những hiện tượng CSGT vi phạm, tiêu cực để kịp thời xác minh và xử lý.

Chưa thể kết luận thương nhân nước ngoài thao túng thị trường

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) về việc thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam lừa đảo, thao túng thị trường, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, lực lượng công an đã phát hiện một số người nước ngoài lợi dụng đi du lịch nhưng thực chất vào Việt Nam làm ăn.

Một số làm ăn ở các công trường, nhà máy, xí nghiệp dưới danh nghĩa là lao động đơn giản nhưng không có hợp đồng. Đáng chú ý hơn, một số thương nhân người nước ngoài vào các vùng miền Tây Nam Bộ thu mua hải sản xuất ra nước ngoài.

Một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trả giá cao hơn một chút để người dân bán cho mình, sau đó ghi nợ, lừa đảo. Vấn đề này ngành công an đã phát hiện và xử lý một số trường hợp.

“Về nhận xét có phải Việt Nam để thương nhân nước ngoài thao túng thị trường, phá hoại ta về kinh tế hay không thì đây là gợi ý của ĐB để chúng tôi suy nghĩ. Nhưng với tài liệu hiện có, chúng tôi thấy rằng chưa đủ cơ sở để kết luận những vấn đề đó” - Ông Quang nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.