Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln!

Từng là một người thích phê phán, chỉ trích người khác đến độ bị ghét bỏ, bị ép đấu kiếm sinh tử vì thói xấu này nhưng Lincoln sau đó đã tu rèn bản thân trong nghệ thuật đối nhân xử thế, trở thành nhà lãnh đạo đáng kính nhất từ cổ chí kim.
Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 1  
Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 2  

LTS: Ai đã từng đọc Đắc Nhân Tâm - cuốn sách được First News chú thích trên trang bìa là "hay nhất của mọi thời đại đưa đến hạnh phúc và thành công", hẳn người đó đã có cho mình những chiêm nghiệm nhất định về giá trị của nhiều chân lý mà Dale Carnegie chuyển tải.

Vì sao nhiều điều trong cuốn sách lại xứng tầm chân lý? Đơn giản là vì những điều đó đã được chứng minh đúng trong thực tế: một số người đã áp dụng chuẩn mực các nguyên lý, nguyên tắc đó để đem lại lợi ích vô cùng lớn lao cho cộng đồng, đất nước họ, do vậy được sử sách lưu danh.

Vậy nên, với những ai chưa từng và sẽ đọc Đắc Nhân Tâm, nên chăng hãy dùng một phương pháp đọc ngược với cách thông thường.

Cách thông thường là cầm cuốn sách lên đọc, điều gì "cảm thấy có lý" theo tư duy của mình thì mới làm theo với tâm thế nửa tin nửa ngờ, điều gì "không thấy có lý" theo tư duy thì bỏ qua. Nhưng ít ai để ý, tư duy sẵn có của mỗi người vốn là hệ quả những tri thức, kinh nghiệm họ đã cóp nhặt từ vô vàn loại sách vở, tình huống trong cuộc sống đã trải qua, đúng có nhiều - mà sai cũng vô số.

Hãy thử đọc Đắc Nhân Tâm theo cách mà Chủ tịch Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ viết trong trang đầu tiên của phiên bản sách do Hành trình Từ Trái Tim trao tặng: "Bất kỳ ai cũng có thể Thành Công và Hạnh Phúc nếu thực hành và áp dụng hệ thức Thành Công với Đức tin và Ý chí mạnh mẽ".

Nghĩa là, vì những điều đó đã được chứng minh là chân lý, thì hãy tin và làm theo (thay vì so sánh và nghi ngờ). Thực hành theo tất có kết quả, như những vĩ nhân đã cho thấy họ thành công thế nào. Có kết quả rồi, đức tin được hình thành để bạn tiếp tục có thể áp dụng hệ thức thành công vào trong mọi mặt cuộc sống, chứ không phải chỉ riêng cho việc kiếm tiền. Nhưng hãy luôn nhớ, cần có ý chí mạnh mẽ để kiên trì thực hiện, bạn mới thành công!

Bài học thứ nhất

KHÔNG CHỈ TRÍCH

Trong cuốn sách Khuyến học, Fukuzawa Yukichi từng nói: "Khi chưa tìm ra được cái đúng tuyệt đối trong xã hội, khi trong cuộc sống "chính nghĩa mang tính tuyệt đối" vẫn chưa tồn tại thì khó có thể phán định ngay đúng sai. Vì lẽ đó, mới nhìn thấy người này gièm pha người khác lập tức quy kết cho anh ta là kẻ thất đức thì thật vô lý".

Theo quan điểm của ông, mỗi người, dù là việc gì, từ việc nhỏ trong gia đình hay ngoài xã hội, trước hết phải đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác đang làm rồi hãy bình phẩm.

Quy tắc ứng xử này bao đời nay, luôn được nhiều người thừa nhận. Vậy mà có một người đàn ông nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ đã từng đi ngược lại nguyên tắc ấy để rồi lĩnh nhận hậu quả cay đắng. Chính Tổng thống Abraham Lincoln thời trẻ đã có lần suýt phải trả giá bằng cả tính mạng của mình vì thói xấu này.

Cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt cũng thừa nhận, khi phải đối diện với những vấn đề rắc rối, ông thường ngả người vào ghế và ngước nhìn bức chân dung khổ lớn của Lincoln treo trên bàn làm việc của mình ở Nhà Trắng rồi tự hỏi: "Lincoln sẽ làm gì nếu ở trong hoàn cảnh này? Ông ấy sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?".

Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 3 Tổng thống Abraham Lincoln.

Sự kính trọng này bắt nguồn từ việc chính Lincoln là người đã dẫn dắt nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, đạo đức – cuộc Nội chiến Mỹ – duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước.

Nhắc tới ông, người ta không thể quên nghệ thuật lãnh đạo và tài thu phục nhân tâm. Ông nổi tiếng với việc khiến các đối thủ của mình đối đầu với nhau, cùng lúc đó lại sử dụng tài hùng biện để thuyết phục dân chúng. Sau khi chiến tranh kết thúc, Lincoln chủ trương một quan điểm ôn hòa nhằm tái thiết, tái thống nhất đất nước thông qua chính sách hòa giải và bao dung trong bối cảnh phân hóa đầy cay đắng với hệ quả kéo dài của chế độ nô lệ.

Tổng thống Lincoln cũng là người có xuất thân rất đặc biệt. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hạt Hardin, Kentucky. Chính Lincoln cũng tự thừa nhận, ở lứa tuổi 20, ông là "một gã trai kỳ dị, không bạn bè, không học thức và không một xu dính túi".

Vậy mà bằng tài năng, cách xử thế đáng nể, Lincoln từ một kẻ có xuất phát điểm cực thấp đã làm nên thành công khiến thế giới nể trọng, gây dựng tầm ảnh hưởng đến nhiều năm sau này. Những bài học ứng xử của ông được Dale Carnegie nhắc đến xuyên suốt trong nhiều chương của cuốn sách Đắc Nhân Tâm.

Bài học sinh tử của Lincoln về thói quen thích chỉ trích

Bài học sâu sắc nhất đã giúp Lincoln bước sang một chương khác của cuộc đời chính là bắt nguồn từ việc từng có lúc, ông suýt mất mạng vì bị ép phải đấu kiếm.

Theo Dale Carnegie, Lincoln khi còn ở thung lũng Pigeon Creek bang Indiana là người không chỉ thích chỉ trích cay nghiệt mà còn thường viết những bức thư và bài thơ chế nhạo người khác rồi rải ra đường cho mọi người cùng đọc. Cho tới khi đã trở thành luật sư xuất sắc, Lincoln vẫn không từ bỏ được thói xấu đó.

Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 4 Lincoln trò chuyện với những người trong quân đội.

Sự kiêu ngạo và ngông cuồng đó đã khiến Lincoln trở nên nổi tiếng nhưng đồng thời cũng bị nhiều người ghét cay đắng.

Lincoln không thích đấu kiếm, thậm chí ông đã từng đấu tranh chống lại thủ tục này, nhưng trong hoàn cảnh đó, ông không thể tránh né nếu muốn bảo toàn danh dự. Lincoln được phép chọn vũ khí. Vì có cánh tay rất dài nên ông chọn thanh trường kiếm của kỵ binh và học đấu kiếm cấp tốc từ một người bạn tốt nghiệp trường West Point (Học viện Quân sự Hoa Kỳ - PV).

Đến hẹn, ông và James ra một bãi cát bên sông Mississippi. May mắn thay, vào phút cuối, những người giúp việc của họ đã giúp cả hai cái đầu đang hừng hực sát khí hiểu ra mọi việc và chấm dứt được cuộc đọ kiếm một mất một còn.

Chỉ đến khi đối diện với ranh giới giữa sự sống và cái chết của chính mình và người khác, Lincoln mới thấy trải nghiệm đó khủng khiếp như thế nào. Cuộc đấu kiếm chết người bất thành đã dạy ông một bài học vô giá về cách cư xử với người khác. Từ đó trở đi, Lincoln không bao giờ viết thư lăng mạ bất kỳ ai, không bao giờ chế nhạo ai và gần như không bao giờ chỉ trích ai vì bất cứ điều gì nữa.

Muốn lấy mật thì đừng phá tổ ong

Những sai lầm trong quá khứ đã giúp Lincoln hiểu ra một nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật ứng xử, đó là: muốn lấy mật thì đừng phá tổ ong.

Trong suốt cuộc nội chiến ở Mỹ, Lincoln đã từng đề cử các viên tướng McClellan, Pope, Burnside, Hooker, Meade cầm đầu đạo quân Potomac. Mỗi vị tướng đều từng phạm những sai lầm khủng khiếp khiến cho Lincoln nhiều lần rơi vào tình thế tuyệt vọng. Một nửa đất nước (Bắc Mỹ) kịch liệt lên án những viên tướng bất tài này. Chỉ riêng Lincoln luôn tỏ thiện chí và không hề chỉ trích bất kỳ ai trong số họ.

Một trong những câu ông thường hay nói là: "Chúng ta không nên kết án người khác chỉ để chính mình không bị kết án".

Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 5  

Có đôi lần, suýt chút nữa chính Lincoln cũng lên tiếng chỉ trích người khác. Nhưng ông đã không chỉ trích mặc dù ông hoàn toàn có lý do chính đáng để làm điều đó.

Cụ thể, trong trận Gettysburg diễn ra trong ba ngày đầu tháng 7 năm 1863. Đêm 4 tháng 7, tướng Lee, thuộc quân đội miền Nam, bắt đầu rút quân về phía Nam trong khi mưa bão mang đến những trận mưa như trút nước. Phía trước ông và đoàn quân bại trận là dòng sông Potomac đang thét gào, nước cuồn cuộn sủi bọt trắng xoá. Phía sau là một đạo quân liên minh chiến thắng đang rượt đuổi. Lee bị kẹt ở giữa và hầu như không còn đường thoát. Từ bộ chỉ huy, Lincoln lập tức nhận ra đây là cơ hội vàng để bắt gọn đạo quân của tướng Lee và chấm dứt chiến tranh. Thế là Lincoln ra lệnh cho tướng Meade ngừng triệu tập hội đồng chiến tranh mà lập tức lên đường tấn công Lee. Lincoln đã chuyển lệnh bằng điện tín và sau đó còn cử một đặc phái viên đến gặp Meade yêu cầu phải hành động ngay lập tức.

Nhưng tướng Meade đã làm gì? Ông ta làm ngược lại lệnh của Tổng thống: triệu tập cuộc hợp hội đồng chiến tranh. Không chỉ có vậy, ông ta còn do dự kéo dài thời gian, rồi đánh điện tín từ chối mệnh lệnh của Lincoln. Sáng hôm sau nước rút, tướng Lee vượt sông Potomac với lực lượng toàn vẹn.

Tôi nghĩ Đắc Nhân Tâm là cuốn sách tất cả chúng ta phải đọc suốt đời. Xã hội bây giờ nhiều người có cách cư xử kỳ lạ quá, họ coi thường người khác, thô bạo, chửi tục, nói thề... Vậy thì chúng ta nên đọc Đắc Nhân Tâm để biết cách ứng xử - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Lincoln tức giận điên người, ông gào lên với Robert - con trai mình.

Trong nỗi cay đắng và thất vọng tột cùng, Lincoln viết thư cho Meade. Với sự phẫn nộ tột cùng, bức thư Lincoln viết cho Meade vào năm 1863 chứa đầy những lời lẽ trách móc nặng nề nhất:

"Tướng quân thân mến!

Tôi không tin là ông không nhận ra hiểm hoạ trong việc để Lee chạy thoát vừa rồi. Ông ta gần như đã nằm trọn trong tay chúng ta. Và nếu bắt được Lee, cuộc nội chiến này có thể đã kết thúc. Thế mà ông đã để vuột mất cơ hội ngàn vàng và cuộc chiến này sẽ không biết còn kéo dài đến bao giờ. Nếu như thứ Hai tuần trước, ông không thể chiến thắng Lee trong những điều kiện thuận lợi như thế, thì bây giờ và về sau, ông có thể làm gì để tấn công được Lee ở phía Nam con sông trong khi ông chỉ còn 2/3 lực lượng mà ông đã từng có? Chẳng có lý do gì tôi có thể hy vọng ông xoay chuyển được tình hình. Ông đã hoàn toàn đánh mất cơ hội ngàn năm có một. Tôi không thể diễn tả được nỗi thất vọng và tức giận của tôi lúc này đối với ông!."

Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 6 Bức ảnh duy nhất của Abraham Lincoln tại Gettysburg (ngồi giữa), chụp vào giữa trưa, ba giờ trước khi ông đọc diễn văn Gettysburg - bài diễn văn đi vào lịch sử, được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Thật không tưởng tượng Meade sẽ ra sao khi đọc được lá thư này bởi vì Lincoln đã không gửi nó đi. Người ta tìm thấy nó trong những tập hồ sơ của ông sau khi Lincoln qua đời.

Theo phỏng đoán của tác giả cuốn Đắc nhân tâm, sau khi viết bức thư này, Lincoln đã nhìn ra ngoài cửa sổ và nhẹ nhàng tự nhủ: "… Dẫu sao, sự việc đã rồi, nước đã chảy qua cầu. Nếu bức thư này được gửi đi, ta sẽ hả giận phần nào nhưng Meade có thể tìm cách tự bào chữa hoặc quay lại kết án ta. Điều đó sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực, cản trở năng lực của Meade sau này với tư cách là Tổng tư lệnh và biết đâu, tai hại hơn nữa là vì thế mà ông ta có thể bị buộc phải rời khỏi quân đội. Đây là một sai lầm rõ ràng và chắc chắn Meade sẽ tự nhận ra sau này".

Có lẽ chính vì những suy nghĩ như vậy mà Lincoln đã gạt bức thư qua một bên, chính là gạt đi sự chỉ trích người khác, dù cho nó có là chính đáng hay không chính đáng. Ông đã học từ kinh nghiêm cay đắng rằng những lời phê phán và chỉ trích gay gắt hầu như không bao giờ mang đến kết quả tốt đẹp.

Chính sự bao dung của Lincoln mới là động lực để Meade tự nhìn nhận sai lầm và nỗ lực nhiều hơn. Bài học ở đây là muốn lấy mật thì đừng phá tổ ong. Có nghĩa là con người rất hiếm khi suy xét đúng sai rõ ràng bằng lý trí. Họ thường hay hành xử theo cảm xúc, thành kiến và lòng kiêu hãnh cố hữu. Cho nên khi đối mặt với sự chỉ trích thiếu bao dung, phản ứng của họ là "xù lông" để bảo vệ lòng danh dự.

Dale Carnegie phân tích, tất cả những người bạn gặp trên đường đời sẽ đều ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dù tốt hay xấu, họ cũng tặng cho bạn những kinh nghiệm sống hết sức tuyệt vời. Chính vì vậy, đừng nên lên án, chỉ trích hay than phiền ai cả. Thậm chí, nếu có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn, hay lợi dụng lòng tốt của bạn thì xin hãy cứ tha thứ cho họ bởi vì có thể chính nhờ họ mà bạn học được cách khoan dung.

* Chỉ trích một người là việc không khó, vượt lên trên sự phán xét đó để cư xử rộng lượng, vị tha mới là điều đáng tự hào.

Nội dung loạt bài 'ĐỌC NGƯỢC' ĐẮC NHÂN TÂM được rút ra từ sách Đắc Nhân Tâm của các tác giả Dale Carnegie, cùng một số tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý Nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.

Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 7  
Đọc ngược 'Đắc Nhân Tâm': Nghệ thuật đối nhân xử thế của Tổng thống Mỹ Lincoln! ảnh 8  

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; kế hoạch đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm
Địa ốc 24H: Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; kế hoạch đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm
TPO - Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; Kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm của TP HCM; ‘Choáng’ với giá nhà chung cư ngang ngửa giá biệt thự, liền kề; Giá bất động sản tăng cao, đánh thuế để ngăn tăng giá, đầu cơ?;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 9/9.
 5 trẻ nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả lạ
5 trẻ nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả lạ
TPO - Loại quả mà các em nhỏ ăn phải nhìn rất bắt mắt của loài cây mọc hoang, thường được người dân trồng làm hàng rào. Dẫu khá quen thuộc song người dân đều không biết loại quả của cây này có thể gây ra tình trạng ngộ độc nặng, tê liệt thần kinh, gây hôn mê... nếu ăn phải chúng.