Khác với không khí nhộn nhịp ở Thủ đô, không gian bên trong ngôi chùa rộng gần 2.000 mét vuông thoáng đãng và yên tĩnh khác lạ. Đây là nơi đầu tiên trên cả nước cung cấp dịch vụ mai táng với các nghi lễ cầu siêu, phóng sinh,... dành cho thú cưng.
Ngôi chùa này là nơi yên nghỉ của rất nhiều thú cưng. |
Duy trì hoạt động của ngôi chùa này là người đàn ông năm nay đã 87 tuổi. Hơn nửa đời người gắn với những công việc liên quan tới động vật, thú cưng, ông Nguyễn Bảo Sinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được nhiều người đặt cho biệt danh "vua chó mèo".
Ngôi chùa được bài trí với tượng Phật và những hình ảnh liên quan tới đạo Phật. |
Cái tên "Tề Đồng Vật Ngã" được ông Sinh đặt với quan niệm của đạo Phật rằng chúng sinh, con người và muôn vật đều bình đẳng thế nên con vật khi mất cũng cần được an táng và cầu siêu. Nhớ lại những năm 70, khi chú chó cưng tên Ami của ông chẳng may qua đời, vì thương nhớ người bạn trung thành đã gắn bó với mình cả một đoạn đường dài, ông Sinh đã đem chôn cất Ami trong vườn nhà. Sau này, khi thành lập nơi an táng thú cưng, ông đặt bia mộ của Ami ở chính giữa và gọi là "mộ tổ".
Ông Nguyễn Bảo Sinh, người cung cấp dịch vụ mai táng thú cưng tại Hà Nội. |
Ban đầu, ông Sinh chỉ nhận chôn cất những chú chó, mèo của mình và bạn bè. Dần dần nhiều người biết đến với dịch vụ này hơn và cũng bày tỏ mong muốn được lo cho những "người bạn" của mình trong đoạn đường cuối cùng nên ông đã mở rộng thành dịch vụ an táng như hôm nay.
"Những ngày đầu biết tôi an táng cho những chú chó, mèo, không ít người bảo tôi điên, thậm chí có người còn lăng mạ tôi. Nhưng tôi nghĩ, mỗi người sẽ có một quan điểm, một cách nhìn nhận khác nhau nên tôi vẫn tiếp tục thực hiện công việc này đến tận bây giờ".
Thời điểm cách đây khoảng chục năm, hành động của ông được xem là khá kỳ lạ. Dần dần, khi đời sống kinh tế ngày càng được nâng cao, con người quan tâm nhiều hơn đến thú cưng và thậm chí coi thú cưng như một người bạn, một thành viên trong gia đình.
"Bây giờ người ta không còn nuôi chó, nuôi mèo để bắt chuột, trông nhà như ngày trước mà người ta nuôi để bầu bạn, để trở thành một phần trong tổ ấm của họ. Khi những chú chó, chú mèo được nuôi đó có ốm cũng được đem đi gặp bác sĩ để chữa trị, chăm sóc như một thành viên trong gia đình họ. Bởi thế, với những người yêu động vật, khi những thú cưng họ nuôi chẳng may mất đi, họ cũng đau lòng chẳng khác gì mất đi một người thân thiết cả", ông Sinh chia sẻ.
Trước đây, mọi công việc lớn nhỏ tại ngôi chùa đều do một mình ông Sinh đảm nhận, nhưng dần dần càng có nhiều người tìm đến nên ông Sinh đã tìm thuê thêm người để làm việc. Tính đến nay, ngoài ông Sinh, tại "Tề Đồng Vật Ngã" còn có khoảng 10 nhân viên phụ trách các công việc khác nhau.
Khuôn viên nơi đây luôn được dọn dẹp thường xuyên. |
Tại đây, mỗi thú cưng sẽ được chôn cất theo ngày giờ mà chủ chọn cho. Đám tang diễn ra cũng đầy đủ hoa quả, bánh trái, hương nến, cờ lọng. Lễ an táng được bắt đầu với nghi lễ khâm liệm cho thú cưng. Sau đó là lễ cầu siêu diễn ra trong vòng 15 phút. Kết thúc cầu siêu, con vật sẽ được đem đi hỏa táng. Hỏa táng xong, nhiều người sẽ đem tro cốt về. Còn nếu mong muốn gửi lại chùa sẽ có các hình thức như sau: Chôn phần tro cốt và lập một nấm mộ nhỏ có di ảnh và bát hương; hoặc phần tro cốt đem thuỷ táng tại hồ của nhà chùa, chỉ để lại di ảnh. Chùa sẽ thực hiện các nghi lễ cúng cho chúng lúc đầy tuần, 49, 100 ngày, ngày rằm, mùng một. Ngoài ra đều đặn mỗi tuần, mỗi tháng chùa đều tổ chức lễ cầu siêu.
Mặc dù chi phí hỏa táng lên đến tiền triệu nhưng không ít người vẫn tìm đến để có thể an táng "người bạn" của mình một cách chỉn chu nhất.
Di ảnh của thú cưng cùng tro cốt được những người chủ gửi lại "Tề Đồng Vật Ngã" và thỉnh thoảng đến thăm. |
Bạn Mai Thị Lan Ngọc (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho biết bản thân vừa chạy hơn 50 km xuống gặp lại "bạn" mèo Mít mới được an táng tại "Tề Đồng Vật Ngã" 100 ngày trước: "Hôm nay là lễ cầu siêu 100 ngày của Mít vừa đúng ngày được nghỉ nên tôi đã lái xe chạy xuống đây. Trước đây tôi có lướt thấy dịch vụ an táng thú cưng trên TikTok thấy lạ nên tôi cũng vào xem. Khi bé mèo Mít mà tôi nuôi chạy ra đường và không may bị xe cán qua. Lúc đấy tôi buồn lắm và cũng muốn chôn cất bé cẩn thận một chút. Tôi đã lên mạng tìm địa chỉ dịch vụ an táng thú cưng này và đưa bé đến đây".
Sau an táng, Lan Ngọc đã gửi lại "người bạn bốn chân" của mình tại nghĩa trang thú cưng và khi có thời gian sẽ quay lại để 'thăm". Tại nghĩa trang thú cưng "Tề Đồng Vật Ngã", ông Sinh cho biết trung bình mỗi ngày có thể mai táng cho 2-3 thú cưng.