Trạm cứu hộ đặc biệt chữa lành cho những 'người bạn bốn chân'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trạm cứu hộ động vật đặc biệt của các bạn sinh viên Nông nghiệp từ lâu đã trở thành mái ấm của những "người bạn bốn chân". Các tình nguyện viên của trạm không chỉ cứu và chữa trị tổn thương cho nhiều chú chó, mèo bị bỏ rơi, tai nạn mà còn là hành trình tìm ngôi nhà mới cho những thú cưng này.

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội nằm sâu trong ngõ nhỏ gần đường Ngô Xuân Quảng (Gia Lâm, Hà Nội). Trạm là dãy nhà cấp 4 cũ được thuê, được thiết kế lại và chia thành các phòng chờ, phòng ngoại khoa, phòng nội khoa, phòng truyền nhiễm...

Tình yêu thương động vật và lòng kiên trì

Các phòng đều có thiết bị y tế cơ bản phục vụ việc chữa trị, chăm sóc chó, mèo – những người bạn bốn chân được các tình nguyện viên gọi yêu thương là “bé”, “bạn”.

Trạm cứu hộ đặc biệt chữa lành cho những 'người bạn bốn chân' ảnh 1

Trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Mai Hương

Nguyễn Quang Tuấn - Đội trưởng đội cứu hộ cho biết, trạm hoạt động từ năm 2013, do thầy Hoàng Minh (hiện là giảng viên bộ môn Giải phẫu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cùng một số sinh viên thực hiện, nhưng chính thức thành lập từ năm 2015. Tình nguyện viên của trạm phần lớn là sinh viên ngành thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Mỗi ngày, Tuấn và các tình nguyện viên bắt đầu công việc ở trạm bằng dọn dẹp vệ sinh và kiểm tra chăm sóc và chuẩn bị bữa ăn cho chó, mèo. Sau mỗi ca trực các tình nguyện viên đều ghi chú lại thông tin.

“Hơn 9 năm qua, các tình nguyện viên của trạm đã cứu hộ và nuôi dưỡng nhiều bạn chó, mèo khác nhau. Đến với trạm, mỗi chú chó, mèo đều có một “tiểu sử” đặc biệt, bé bị thương, bé bị bỏ rơi hay đơn giản chỉ là chủ không đủ điều kiện để nuôi dưỡng… ”, Tuấn chia sẻ và dẫn khách tham quan trạm.

Trạm cứu hộ đặc biệt chữa lành cho những 'người bạn bốn chân' ảnh 2

Nguyễn Quang Tuấn - Đội trưởng đội cứu hộ và bé mèo trắng đặc biệt được trạm cứu hộ lúc đêm khuya. Ảnh: Mai Hương

Trong phòng ngoại khoa có hai bé mèo bị nấm được tách riêng để điều trị. Tuấn chỉ một chú mèo và nói: “Đây là giống mèo Anh lông dài, bạn này xinh lắm nhưng bị nấm nên phải cạo hết lông để điều trị. Bạn này cũng đặc biệt quấn người, rất thích được vuốt ve”. Bé mèo còn lại, Tuấn cho biết là mèo ta lai Anh lông ngắn, cũng đang bị nấm. "Bạn" này thích được ôm.

Tuấn đưa tay chỉ bé mèo trắng đang sưởi nắng ở cửa phòng ngoại khoa, rồi kể: "Bé này, lúc đến, máu từ mũi, mồm chảy ra rất nhiều, toàn thân co giật, nghi vấn bị tác động vật lý. Máu chảy nhiều đến nỗi đội còn không nhận ra hình dáng một chú mèo. Lúc đấy hơi thở đã dần yếu ớt nhưng bé mèo này vẫn cố gắng gượng dậy, ngay lập tức đội mình đã sơ cứu và điều trị tại trạm. Sau một tháng tích cực điều trị, hiện bé mèo này sức khỏe đã ổn định, nhưng có di chứng của chấn thương".

Trạm cứu hộ đặc biệt chữa lành cho những 'người bạn bốn chân' ảnh 3

Một bé mèo bị nấm, được điều trị riêng tại phòng ngoại khoa. Ảnh: Mai Hương

Theo Tuấn, việc cứu trợ động vật có nhiều khó khăn. Để đưa được một bạn về trạm là cả quá trình phải nhẹ nhàng, âu yếm cho các bé thấy được tình cảm và sự tin tưởng. Đặc biệt, quá trình điều trị tổn thương tâm lý cho động vật sau chấn thương, đòi hỏi tình nguyện viên ngoài sự tỉ mỉ, trình độ chuyên môn còn phải có tình yêu thương động vật và lòng kiên trì.

“Có nhiều bạn ám ảnh tâm lý, khi về trạm được gần tháng nhưng vẫn thu mình một góc, không chịu ăn hoặc ăn ít. Có những trường hợp nặng hơn còn cắn đuôi cắn chân khi cảm thấy lo sợ. Những trường hợp này trạm phải mất nhiều thời gian mới xoa dịu được các bạn", Tuấn nói.

Tìm ngôi nhà mới cho chó, mèo bị bỏ rơi

Công việc của một tình nguyện viên của trạm không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận, cứu hộ, điều trị tổn thương mà còn là hành trình tìm ngôi nhà mới cho những chú chó, mèo.

Để làm việc này, trạm nhiều năm qua đã xây dựng một fanpage trên mạng xã hội và giới thiệu hình ảnh, thông tin của các trường hợp chó, mèo. Khi có chủ mới, các bé cũng có giấy nhận chủ. Ngoài ra, fanpage của trạm cũng thường xuyên đăng bài hỗ trợ tìm chó mèo lạc giúp mọi người.

Để duy trì công việc tình nguyện này, Tuấn và các thành viên còn đối diện với nhiều thách thức về kinh phí hoạt động, thiếu nhân lực, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.

“Trước khi chưa có dịch, trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp cũng được nhiều người quan tâm, nên trạm cũng có nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Sau dịch, các nguồn hỗ trợ cũng hạn chế nên mỗi thành viên trong trạm hàng tháng sẽ đóng quỹ định kỳ làm vốn duy trì”, Tuấn bộc bạch.

Trạm cứu hộ đặc biệt chữa lành cho những 'người bạn bốn chân' ảnh 4

Các thành viên trong trạm cứu hộ luôn cố gắng thu xếp thời gian, đảm bảo 24/24 có người túc trực tại trạm chăm sóc chó, mèo. Ảnh: Mai Hương

Đối mặt với nhiều khó khăn vất vả nhưng các tình nguyện viên của trạm không có ý định ngừng hoạt động.

Nguyễn Thanh Tú (sinh viên năm cuối ngành Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - thành viên của trạm cứu hộ chia sẻ: “Được sự giới thiệu của thầy cô, tôi đã đăng ký tham gia trạm cứu hộ, đến nay đã gắn bó hơn một năm. Trạm cứu hộ là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu thương động vật, đồng thời là nơi để tôi và đồng đội áp dụng kiến thức được học vào thực tế, có thêm nhiều bài học, kinh nghiệm từ các anh chị đi trước truyền lại".

Đội trưởng trạm cứu hộ động vật Nông nghiệp Hà Nội chia sẻ, khi chưa có dịch, thành viên trạm có từ 20-25 bạn, mọi người thay phiên nhau trực trạm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch vừa qua, nhiều bạn sinh viên đã về quê và hoạt động online.

Hiện ở trạm có tất cả 11 thành viên, nhân lực thiếu, công việc lại nhiều nên mỗi bạn sẽ trực 4 ca/tuần, mỗi ca trực chỉ có 2-3 bạn, đôi khi chỉ có một bạn trực, vì vậy nhiều lúc không thể quán xuyến hết được công việc.

Dù thiếu nhân lực nhưng trạm vẫn cố gắng phân bổ để có người trực 24/24, bất cứ lúc nào cũng có người ở trạm cứu hộ.

MỚI - NÓNG