Xuyên đêm lên núi
Giữa tiếng rít gào, cuồng nộ của bão số 9, người dân cả nước bàng hoàng nhận tin dữ về vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) khiến 11 ngôi nhà bị vùi lấp, 55 người chết và mất tích vào chiều 28/10. May mắn, sau đó, 33 người được cứu sống. Trong đêm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra công điện yêu cầu các bộ, ban, ngành, lực lượng quân đội, công an khẩn trương tìm kiếm cứu nạn. Tại Bắc Trà My, Sở chỉ huy tiền phương được thiết lập, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo trực tiếp. Mưa xối xả, gió ào ào, bẻ gãy từng cành cây, hất tung nhiều tổ ấm, cuốn phăng mọi vật cản... Hàng trăm cán bộ chiến sỹ vẫn trực chỉ hướng Trà Leng.
Sự tàn phá dữ dội của cơn bão số 9, dải đất miền Trung oằn mình chống chọi. Sức người nhỏ bé, mong manh trong cơn thịnh nộ của “mẹ thiên nhiên”. Cấp tốc vào Trà Leng, mệnh lệnh được đưa ra. “1 giờ ngày 29/10, lực lượng công binh đã cơ động lên hiện trường”, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết.
Sáng 29/10, bám theo xe đặc chủng của Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, chúng tôi lên huyện Bắc Trà My. Con đường gập ghềnh, cheo leo, đi được một đoạn, đoàn phải dừng, từ trên thùng xe, tổ chiến sỹ cầm cưa lốc nhảy xuống cắt cây, dọn cành bị bão cuốn đổ chắn lối. Không biết bao nhiêu lần, tiếng rú ga của cưa lốc chấn động thung lũng, “nốt nhạc buồn” cuộn liên hồi giữa đất trời Trà My. Khoảng 9 giờ cùng ngày, chúng tôi có mặt ở Sở chỉ huy tiền phương (đóng tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My).
Rẽ rừng hành quân...
Khoảng sân nhỏ tại Ban chỉ huy Quân sự huyện Bắc Trà My rất đông bộ đội tập hợp, balo đựng quần áo, mì tôm, lương khô, xoong nồi, dầu chảo, củi đốt... xếp thành hàng dài, sẵn sàng đợi lệnh. “Nghiêm! Xuất phát”, tiếng phát lệnh của chỉ huy vang lên, hàng chục chiến sỹ lên xe di chuyển chặng đường tiếp theo vào Nam Trà My. Khuôn mặt mỗi chiến sỹ có bình tĩnh, có lo lắng, căng thẳng, họ biết, nhiệm vụ lần này sẽ rất quan trọng, nặng nề chứ không phải huấn luyện trên thao trường. Họ đi tìm những đồng bào thân thương bị mất tích trong núi rừng Trà Leng.
Hai bên quốc lộ 40B, người dân dõi theo đoàn quân, ánh mắt trầm buồn, không gian tĩnh lặng, trái hẳn với sự nhộn nhịp của phố núi những ngày trước bão. Mưa vẫn rơi, đèo trơn trượt, dòng sông Tranh chảy xiết. Sạt lở đất liên tục xảy ra, đoàn xe tắc nghẽn, máy xúc, máy ủi của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam được huy động thông tuyến. Đất từ núi đổ xuống, thấm mưa nhão nhoẹt, bết dính vào người, vào xe. Trên núi cao dựng đứng, dưới sông sâu gào thét, đoàn người như trong miệng “quái thú” khổng lồ, đe dọa nuốt chửng bất cứ lúc nào.
Khoảng 13 giờ (ngày 29/10), khi đoàn quân đến địa phận thôn 3, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My và buộc dừng lại để tìm lối đi thì lực lượng quân đội tại hiện trường báo tin, 4 người dân được cứu sống đang chuyển ra, đề nghị hỗ trợ. “Tổ quân y đi trước, rẽ rừng mà đi, không chờ nữa”, Thượng tá Hà Ra Diêu, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự Nam Trà My lệnh. Ngay lập tức, một tốp 5 chiến sỹ mang ba lô thuốc, các đồ dùng y tế, men theo bìa rừng đi vào. Cây bụi giăng lối, nước mưa đọng trên lá, bùn đất chặn dưới chân, các chiến sỹ tiếp tục hành quân...
Ngã ba xã Trà Dơn, chiếc xe tải phanh gấp, mười chiến sỹ nhanh chóng nhảy lên thùng xe đưa 4 nạn nhân được cứu sống xuống. Theo một quân y cho biết: “Bốn nạn nhân đều bị đa chấn thương nặng, trong đó, 3 nạn nhân bị vỡ, gãy xương đùi, một nạn nhân bị vỡ xương hàm mặt”. Tiếng khóc thét đớn đau của bé Nguyễn Trần Sơ Ni (7 tuổi) khiến những người chứng kiến xót xa.
Khi chúng tôi, cách hiện trường nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng khoảng 8km thì bị chặn lại bởi sạt lở. “Điểm sạt lở thứ 21 rồi, đã hơn 14 giờ chiều”, một bạn đồng nghiệp nhẩm tính. “Tất cả xuống xe, tập hợp”, người chỉ huy cất lệnh... Bộ đội thông tin lắp đặt, kết nối điện thoại vệ tinh về Bộ tư lệnh báo cáo tình hình. Sau cuộc điện đàm, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 lên tiếng “Khắc phục không kịp đâu, để xe lại, đi bộ vào hiện trường”. Tướng Tiến đi trước, đoàn quân đi sau. Mưa rơi tầm tã, nước từ khe suối đổ ra kéo theo đất đá. Có đoạn, bùn ngập tới đầu gối, các chiến sỹ nâng máy móc, thiết bị lên cao rồi tìm cách vượt qua vũng lầy... Bao nhiêu con đèo, khe suối chẳng ai nhớ nổi, chỉ biết tiến về phía trước.
Máu đổ ở Trà Leng
Càng tới gần Trà Leng, không khí tang thương càng nặng trĩu. Con đường mòn vắt vẻo trên núi, dưới sông như dải băng trắng. Chạm đất nóc Ông Đề, (thôn 1) hàng chục chiến sỹ được phân chia tổ đội tỏa ra các khu vực trong hiện trường, phối hợp với lực lượng 4 tại chỗ tổ chức tìm kiếm. Phía bìa rừng, người dân thẫn thờ chờ đợi xen lẫn bi thương... “Nhẹ tay thôi, nhẹ tay nào”, người chỉ huy nhắc nhở khi bộ đội công binh tìm thấy một thi thể. Đặt cuốc xẻng sang bên, các chiến sỹ nín thở nhẹ nhàng lật từng phiến đá, thanh gỗ, họ sợ người dân bị tổn thương trên cơ thể vốn bầm dập bởi thiên tai. Không thể dùng thiết bị phụ giúp, tổ chiến sỹ dùng tay cào bùn đá, chạm vào vật sắc nhọn, máu chảy ra lẫn vào nước mưa... chầm chậm đưa thi thể ra ngoài.
Lực lượng quân y cấp cứu những nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở tại Trà Leng, Nam Trà My, Quảng Nam
Được điều động đến hiện trường từ khi xảy ra vụ việc, chiến sỹ Trần Minh Hiếu - Quân khu 5, cùng đồng đội ăn ngủ giữa núi rừng, ngày đêm tìm kiếm người dân mất tích. “Mỗi lần tìm thấy một thi thể, bọn em đau đớn lắm. Tổ chúng em tìm thấy 2 thi thể giữa trời mưa, phải dùng tay cào đất, kéo gỗ mới đưa được thi thể ra”, chiến sỹ Hiếu chia sẻ. Vừa dùng cáng đưa một thi thể lên khỏi hiện trường, Đại úy Nguyễn Quốc Tú, Trung đoàn Bộ binh 885 - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện trường rất rộng, bùn lầy, máy móc không thể áp dụng vì sẽ ảnh hưởng đến thân thể nạn nhân. Anh em chủ yếu dùng tay, thay phiên nhau cố tìm hết những người mất tích, hoàn thành nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm với nhân dân”.
Trận sạt lở kinh hoàng vùi lấp nóc Ông Đề thành bình địa. Mưa rơi, gió rừng thổi se lạnh. Đêm xuống Trà Leng, ánh đèn từ máy nổ mập mờ le lói, hàng trăm người vẫn miệt mài dùng tay cào bùn đá... những chiến sỹ của nhân dân đang tìm đồng bào bị nạn.