Chiều thượng tuần tháng 11, từ thị trấn huyện lỵ Krông Klang, đoàn chúng tôi gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Chi nhánh BIDV Quảng Trị phối hợp với Báo Tiền Phong cùng ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Trị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư, lên chiến khu xưa Ba Lòng để trao quà tặng bà con vùng lũ lụt… Triệu trái tim-một tấm lòng “Vì đồng bào miền Trung thân yêu”.
Quãng đường hơn 17 cây số giữa màu xanh của ngút ngàn ruộng bắp, đậu và những cánh rừng trồng để đến với xã Ba Lòng mà năm trước tôi đi giờ nhầy nhụa bùn đất, đường sá sạt lở, phù sa đọng lại hai bên có nơi dày hơn cả mét. Sông Ba Lòng trong xanh ngăn ngắt bữa nào lúc này đất đá lấp gần kín dòng chảy. Ngồi trên xe, ông Nguyễn Sĩ Hồng, Giám đốc Chi nhánh BIDV Quảng Trị cứ tặc lưỡi liên tục lúc chứng kiến cảnh tàn phá của lũ lụt dội xuống chiến khu Ba Lòng.
Ông Hồng bảo, từ ngày xảy ra lũ lụt tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, BIDV và các chi nhánh trong hệ thống đã ủng hộ tổng số tiền 3.324.000.000 đồng. Trong đó, BIDV ủng hộ 2,5 tỷ đồng; Công đoàn, người lao động trong hệ thống 614 triệu đồng; Công đoàn trong hệ thống hỗ trợ gia đình liệt sĩ 210 triệu đồng. “Trong thời gian tới, Chi nhánh BIDV Quảng Trị tiếp tục kêu gọi và làm đầu mối để tiếp nhận các khoản hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân trong hệ thống BIDV đối với đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt trên địa bàn tỉnh này nhằm góp phần hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả thiên tai, sớm tái thiết ổn định cuộc sống”, ông Hồng nói.
Chủ tịch xã Ba Lòng Hồ Xuân Hoàng thông tin, xã có 898 hộ với 6.625 nhân khẩu. Xã có 5 thôn là Mai Sơn, Hà Lương, Đá Nổi, Tân Xá, Tà Lang và thôn 5. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 6/10 đến 17/10 và bão số 9 từ ngày 28-30/10 trên địa bàn có xảy ra mưa lớn, nước từ thượng nguồn các sông suối chảy về mạnh gây ngập lũ lớn trên địa bàn xã, đặc biệt là mức ngập lũ cao nhất là ngày 17/10. UBND xã chỉ đạo lực lượng quân sự và công an xã thực hiện phương án ngăn chặn, nghiêm cấm mọi người dân không được chèo xuồng vớt củi, đánh bắt cá trên sông và các khe suối, nghiêm cấm các ghe thuyền vận chuyển người qua các đoạn đường bị ngập.
Tiến hành di dời tài sản, giống của nhân dân 5 đợt, mỗi đợt di dời 375 hộ/1526 khẩu nằm ở vùng thấp lũ đến nơi an toàn theo phương án đề ra. Tuyên truyền hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa phòng tránh bão, kết quả chằng chống 463 nhà, 1815 khẩu. Rất may không có người chết, chỉ 1 người bị gãy tay trong lúc lau chùi nhà cửa. Số nhà bị ngập nước 364 nhà, gồm 1.530 khẩu. Thôn Hà Lương là khu vực ngập sâu nhất, trên 5 mét; 8 nhà bị xiêu vẹo, tốc mái, hư hỏng nặng từ 50-70%; 400 ha đất màu bị bồi lấp, trong đó chiếm nửa diện tích bồi lấp nặng... Của cải vật chất và nhà cửa, cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, đến ngày 6/11, theo lời Chủ tịch Hoàng, chưa ước tính được mức thiệt hại. Tất cả các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng nặng, không có khả năng sử dụng.
Đến thôn Hà Lương, vào nhà 2 hộ dân Đỗ Cao Niệm và Lương Thị Hảo để trao 10 triệu đồng tiền mặt mới tận thấy sự tàn phá khủng khiếp của lũ lụt. Nhà anh Niệm nước ngập lút mái. Tan hoang. Chị Nguyễn Thị Trang, vợ anh Niệm mếu máo, may mà vợ chồng và 3 đứa con, đứa đầu học lớp 10, đứa út mới 4 tuổi, nhanh chân thoát lên cái gò cao trước mặt nhà. Lúa, đậu, mè, trâu bò heo gà vịt trôi sạch.
Chủ tịch Hồ Xuân Hoàng bảo, hiện UBND xã đã tiếp nhận 104 đoàn đến thăm và tặng quà bao gồm 3.317.350.000 đồng tiền mặt; 55.505 kg gạo, 7.469 thùng mì tôm; 10 bồn nước; 20 máy lọc nước và các nhu yếu phẩm khác như chăn, áo quần, dầu, nước mắm, bột ngọt...
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến xã Triệu Nguyên. Anh Trương Văn Hoài, nguyên Bí thư Huyện Đoàn Đkrông, luân chuyển về làm Chủ tịch xã được 3 năm nay cho biết: Xã có 2 thôn Xuân Lâm và Na Nẫm với 380 hộ, 1.500 nhân khẩu. Xã đã tập trung chỉ đạo triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rút kinh nghiệm từ tổ chức chỉ đạo điều hành và ứng phó với những cơn bão đi qua trên địa bàn xã, nên khi nhận được thông tin bão số 5 đến bão số 8 và 9 đổ bộ vào bờ thuộc khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ. UBND xã chủ động tổ chức thực hiện với phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo di dời 217 hộ với 740 nhân khẩu nơi khu vực thấp trũng thường xuyên gây ngập úng chia cắt. Đợt ngập mưa lũ thời gian từ ngày 7 đến 25/10. Theo Chủ tịch Hoài, công trình thủy lợi đập Khe Đùng, Khe Rọ; Khe Nha Triều khối lượng cát đá, sỏi bồi lấp đập dâng đầu nguồn khoảng 600m3 và 1.200m kênh mương cũng bị bồi lấp không có khả năng khắc phục. Đường tỉnh lộ 588a đi qua địa bàn đoạn Km 7+500; Km 9+200 khối lượng đất đá bị sạt lở bồi lấp 450m3. Đường liên thôn Xuân Lâm, Na Nẫm khối lượng đất đá sạt lở bồi lấp 250m3. Đường nội thôn Xuân Lâm, Na Nẫm khối lượng sỏi đá sạt lở vùi lấp 300m3. Đường nội đồng Xuân Lâm, Na Nẫm khối lượng cát, phù sa bồi lấp 2,5km không thấy mặt đường, có đoạn bồi lấp lên đến 0,7- 1m. 2 ha trồng cây dược liệu sâm Bố Chính đã đầu tư thực hiện năm ngoái bị cuốn trôi…
Phó Chủ tịch Lê Thế Kỷ bổ sung, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, đội xung kích và đoàn thanh niên huy động lực lượng bốc xếp lại lương thực, đồ dùng vật dụng cho những hộ dân di dời, giúp nhân dân sớm trở lại cuộc sống. Tính đến chiều 6/11 tình hình đời sống nhân dân chiến khu Ba Lòng xưa đã cơ bản ổn định.
Ông Nguyễn Sĩ Hồng-Giám đốc Chi nhánh BIDV Quảng Trị, ông Lê Minh Toản-Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đã trực tiếp trao tặng bà con bị ảnh hưởng lũ lụt các phần quà ở chiến khu Ba Lòng xưa gồm xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên 300 triệu đồng, 10 tấn vôi bột để khử khuẩn ruộng đồng; 100 triệu cho xã Ba Lòng để hỗ trợ 20 gia đình cựu thanh niên xung phong, thanh niên nghèo bị sập nhà cửa khắc phục thiệt hại; 100 triệu hỗ trợ xã Triệu Nguyên xây bờ kè, mương dẫn nước ở Trường tiểu học Triệu Nguyên.