Người cứu trợ đặc biệt
Hướng về miền Trung! Đó là mệnh lệnh từ trái tim lúc này. Ban Biên tập báo Tiền Phong đã tiếp nhận gần 10 tỷ đồng tiền và hàng từ các mạnh thường quân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Ngoài ra, Tiền Phong còn đồng hành với tập đoàn TNG trao 2 chiếc cano trị giá 1,8 tỷ đồng cho lực lượng công an TT Huế và Hà Tĩnh để cứu hộ dân.
Lần xuất hành này có nhà báo Lê Minh Toản, Phó tổng biên tập báo Tiền Phong cùng với Phó chủ tịch HĐQT TNG Bùi Thanh Hà. Hẹn nhau tại Hà Nội lúc 3h sáng 21/10, để cùng nhau lên đường. Thế nhưng cả đêm hôm đó, mọi thành viên trong đoàn đều cảm thấy sốt ruột. Chia sẻ khi hội quân, ai cũng bày tỏ rằng, đêm đó không thành viên nào ngủ được.
Chính vì thế, kế hoạch xuất phát liên tục thay đổi và đẩy thời gian lên sớm hơn, từ 3h sáng rồi 2h30 và chốt lại lúc 2h sáng. Đúng giờ xuất phát, chúng tôi hẹn nhau ăn sáng tại một quán dọc Quốc lộ 1A thuộc địa bàn TP Thanh Hóa. Ngồi chờ chủ quán chế đồ ăn, ông Bùi Thanh Hà lôi trong túi xách ra một vốc đủ loại thuốc. Tôi vui miệng, bác uống hết gần này thuốc chắc khỏi ăn sáng nhỉ?
Ông Hà mỉm cười đáp: Giờ tớ sống tính theo ngày, qua được ngày nào hay ngày đó.
Trong cuộc trò chuyện chớp nhoáng, tôi hiểu, doanh nhân Bùi Thanh Hà đang mang trong mình trọng bệnh.
Ông Hà chia sẻ, căn bệnh quái ác đã đeo bám ông nhiều năm và ông đã từng điều trị ở Singapore tới 18 tháng. Ông Hà hỏi chúng tôi rằng, đã từng xem chương trình "Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của bạn, bạn sẽ làm gì?". Và ông trả lời: Yêu thương.
Ông thương người dân miền Trung trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực thực phẩm, thiếu nước, thiếu chất đốt… bị chia cắt bởi các dòng nước lũ. Chính điều này đã hối thúc ông và các thành viên trong đoàn tiếp cận được bà con sớm giờ nào, tốt giờ đó.
Trên đường đi chúng tôi luôn liên lạc với các thành viên trong đoàn và đặc biệt là đối với tài xế xe tải, người chở chiếc cano từ Quảng Ninh vào Hà Tĩnh với cung đường gần 490km. Vì cung đường quá dài, công việc quá gấp gáp khiến chiếc xe tải xịt lốp 2 lần nên kế hoạch trao cano phải lui lại.
Bầm dập vì COVID nhưng vẫn hết lòng vì dân vùng lũ
Dừng chân tại TP Vinh, chúng tôi tạt vào quán cà phê ven đường uống nước. Tại đây chúng tôi gặp doanh nhân Nguyễn Đàm Văn, chủ nhà xe Văn Minh. Chia sẻ với chúng tôi, ông Văn cho biết, bão COVID - 19 càn quét toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Sức tàn phá của dịch COVID - 19 thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực vận tải, khách sạn, du lịch…
Có lẽ ông Văn không nói ra, nhưng nhìn vào khuôn mặt dù tuổi đời khá trẻ nhưng hằn nhiều nếp nhăn, chúng tôi cũng phần nào thấu hiểu sự khó khăn oằn mình của doanh nghiệp. Những lần trước, khi gặp, trước mắt tôi là ông Văn vận đồ chỉn chu, đi xe sang, có tài xế riêng, nay ông khiêm tốn tự điều khiển chiếc Camry 2.0.
Trò chuyện với ông Văn, chúng tôi mới biết, tính đến tháng 4/2020, đại dịch COVID - 19 đã khiến 130.000 doanh nghiệp lao đao và doanh nghiệp của ông cũng nằm trong nhóm này.
Khó khăn là vậy, nhưng ông Văn chia sẻ: Kể từ khi cơn bão càn quét các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, doanh nghiệp đã tiếp nhận vận chuyển miễn phí hàng trăm tấn hàng cứu trợ của người dân gửi tới bà con vùng lũ. Ngoài ra, ông Văn cũng vận động đồng nghiệp đóng góp vật chất, tiền bạc cho các tổ chức, cá nhân vào vùng lũ cứu trợ.
Kế hoạch 9h sẽ tổ chức trao nhưng chúng tôi phải chờ đến 15h chiếc xe tải chở cano mới đến vị trí bàn giao tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Dù phải chờ đợi nhiều giờ nhưng tất cả lãnh đạo, từ Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; Đại tá Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đến cán bộ, chiến sỹ công an… đều tỏ ra hồ hởi khi chiếc xe tải chở cano xuất hiện.
Trò chuyện với Tiền Phong, ông Bùi Thanh Hà cho biết, rằng, lãnh đạo Tập đoàn TNG mong muốn chung tay, góp sức cùng lực lượng công an trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ. Hai chiếc cano Favourite 25-01 và Favourite 25-02 đã được đăng kiểm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, kèm mỗi cano còn có 15 chiếc áo phao, 5 phao cứu sinh và 100 chiếc đèn pin phục vụ cho công tác cứu hộ.
Tất cả vì dân
Bàn giao xong chiếc cano cho Công an Hà Tĩnh, khoảng 16h chiều, đoàn chúng tôi tức tốc lên đường vào Quảng Bình. San sát 2 bên Quốc lộ 1A là những bãi tập kết hàng cứu trợ, chỗ gói bánh chưng, chỗ tập kết mì tôm, sữa, nước suối...Có chỗ tập kết cả cano, xuồng máy, đò, thuyền đánh cá, xe cẩu... để cẩu những phương tiện lên những chiếc xe tải chuyển vào vùng lũ.
Hình ảnh những chiếc xe con, xe tải, xe container, treo cờ, băng rôn với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Trung thân yêu"; "Tất cả vì miền Trung ruột thịt”; “Hướng về miền Trung”... nối đuôi nhau không dứt trên Quốc lộ 1A đang hối hả về với người dân đang vật lộn trong biển nước.
Dù nước đã rút, mưa đã ngớt song nhiều cung đường vẫn bị chia cắt bởi nước lũ. Có đoạn ngập nước chúng tôi và đoàn xe cứu trợ phải điều khiển xe theo cột mốc hai bên đường. Phát huy tinh thần tương thân tương ái không ai bảo ai, chỗ nào nước ngập, phụ xe tự nguyện xuống dò đường và làm cột mốc di động giúp các phương tiện qua lại an toàn.
Có lẽ tình đồng bào đã khiến người ta không còn sợ hãi trước nguy hiểm từ các cung đường chìm trong nước lũ với rủi ro bộn bề. Có lẽ tình đồng bào người ta không còn sợ đói khát, không còn sợ đối mặt với bùn đất, ngập, lầy..
Trên đường vào rốn lũ, điện thoại chúng tôi nóng ran khi liên tục nhận những cuộc gọi, tin nhắn của người thân, bạn bè, đồng nghiệp quan tâm đến bà con vùng lũ. Ân tình ấy là động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình...
(Còn nữa)