Ðộc lạ
Đó là năm 1995. Một hôm, chị Thùy Hương, một nhà báo thân quen với một số đoàn làm phim ngoại, nhắn nhe: “Tao sẽ khiêng một con bé hay lắm đến làm quà cho chúng mày”. Lê Thị Hiệp xuất hiện, chúng tôi trố mắt. Không có vẻ gì là diễn viên chính một bộ phim Hollywood đình đám cả.
Cô trông không cao quá 1m50, giày bệt, mặc chiếc áo sơ-mi đơn giản với quần sooc, không chút trang điểm. Da hơi ngăm, mắt sáng. Vẫn cặp môi dầy luôn hé mở, thậm chí có vẻ hơi khó mím, y như trên phim. Hồn nhiên giản dị, thông minh sinh động.
Bọn tôi có ba người - tôi, chị Thùy Hương và Cẩm Vinh con dâu danh họa Bùi Xuân Phái, gia đình ruột thịt cũng mấy người theo nghiệp phim ảnh. Cẩm Vinh làm ở Fafilm Việt Nam (Phát hành phim Trung ương), bố đẻ từng làm Phó giám đốc Faflim Việt Nam còn chị gái Phan Bích Hà về sau làm Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh.
Hồi đó bọn tôi có cái thú lên mạn hồ Tây đoạn gần chòi ngắm sóng của nhà thơ Phùng Quán để ăn ốc và các món dân dã khác. Đoạn hồ này rất đẹp lại gần trung tâm. Nhiều nhà hàng hay. Nên bọn tôi bốc “ngôi sao Hollywood” lên đó. Về sau, người giới thiệu Lê Thị Hiệp có ý trách: “Các cô này ẩu thật, ốc với ếch, lỡ cô ấy đau bụng thì sao”.
Vị này sống trong thành phố Hồ Chí Minh, làm thuê cho một hãng phim nước ngoài có trụ sở trong đó nên hay được nhiều đoàn làm phim nước ngoài thuê làm dịch vụ. Quen dắt dây thế nào đó mà Lê Thị Hiệp dạo ấy gần như chọn ông làm đại diện ở Việt Nam. Hồi chúng tôi gặp Hiệp là cô về Việt Nam chơi chứ không phải giới thiệu phim. Vị này bận không thể cùng cô ra Hà Nội nên nhờ chị Thùy Hương đưa cô đi chơi cho biết thủ đô, do đó bọn tôi được hân hạnh tiếp và đãi cô món ốc hồ Tây.
Thời điểm đó chúng tôi xem Trời và Đất thấy thích, cũng đã kịp ngưỡng mộ đại danh Oliver Stone qua mấy phim trước nên câu chuyện ban đầu xoay quanh việc làm phim Trời và Đất của Hiệp, sau đến gia cảnh, cuộc sống của cô bên Mỹ...
Gia đình Lệ Lý Hayslip trong "Trời và Ðất" với diễn xuất cùng Tommy Lee Jones và Lê Thị Hiệp.
Một trong những điều tôi quan tâm hỏi Hiệp: “Tommy Lee Jones bên ngoài thế nào, tính tình có hay không?”. Năm đóng Trời và Đất, 1993, Tommy Lee Jones 47 tuổi, có hơn 20 năm sự nghiệp. Đoạt Oscar Nam phụ, Quả cầu vàng Nam phụ nhờ phim Kẻ đào tẩu (The Fugitive) cũng trong năm 1993, năm quay Trời và Đất.
Tommy cao 1m83, không phải là cao lắm so với người Mỹ và so với tư cách ngôi sao điện ảnh nhưng tất nhiên đóng cặp với Hiệp thì cột đèn máy nước. Và Hiệp kể, chàng rất điềm đạm chân tình, đối xử cực kỳ tử tế với cô, chỉ bảo từng tí để nâng cô bạn diễn bé nhỏ lên, vì cô có tí kinh nghiệm diễn xuất nào đâu. (Nói theo ngôn ngữ bây giờ là bạn diễn “có tâm”).
Lê Thị Hiệp sinh 1971 ở Đà Nẵng trong gia đình có bảy anh chị em, là những thuyền nhân đến Mỹ sau thời gian ngắn ở Hong Kong. Tốt nghiệp trung học, cô theo ngành tâm lý ở đại học U.C Davis. Gia đình cô lúc đầu ở Oakland, California, thập kỷ 90 dọn về thành phố nhỏ San Pablo gần Oakland. Thời gian mới sang, cô học tiếng Việt ở trường Việt ngữ Hướng Việt, đó là lý do cô nói sõi tiếng Việt. Sau khi Trời và Đất công chiếu, hội đồng thành phố San Pablo có buổi tuyên dương Lê Thị Hiệp với tư cách diễn viên điện ảnh, cư dân của thành phố.
Hiệp kể chuyện bằng thứ tiếng Việt rất sõi, ngôn ngữ cơ thể sinh động, nụ cười tươi. Giờ nhớ lại thì không thể chính xác từng chi tiết nhưng đại khái bọn tôi cứ cười bò từ đầu đến cuối, kể cả chuyện từ bé tên cô thường không được bạn bè Mỹ gọi một cách tử tế mà cứ “Hiếp! Hiếp!”
Về giai thoại Lê Thị Hiệp vượt qua hàng vạn ứng viên người Việt để vào vai chính trong Trời và Đất, nhiều báo viết rằng cô đi thi tuyển cùng người bạn. Nhưng trong trí nhớ của tôi qua lời kể của Hiệp và người giới thiệu Hiệp, thì hôm đó cô đi cùng chị gái mình. Họ đang đi siêu thị thì biết về việc đoàn phim tuyển diễn viên gốc Việt, công bố rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ và Canada.
Đóng phim của Oliver Stone là cơ hội đổi đời, trước hết cát-sê rất cao. Đạo diễn hứa ai được chọn sẽ có dịp về Việt Nam trải nghiệm một thời gian, giúp cho việc nhập vai được thuận lợi. Về quê trong tư thế đóng phim đinh của đạo diễn đinh, bà con háo hức là phải.
Hôm nay vị đại diện cho Hiệp ôn lại với tôi: Người tuyển chọn ra đề bài là tình huống hai chị em xung đột. Người Mỹ mà cãi nhau thì sát ván lắm, lý luận các kiểu, quyết giành phần thắng bằng được mới thôi. Thấy chị có phần lập bập nên Hiệp bực mình “ra tay”. Cô xổ một tràng lóe xóe đúng phong độ “hàng tôm hàng cá” (gia đình cô hành nghề bán cá trước khi sang Mỹ) và còn giang tay tát thẳng vào má cô chị khiến đạo diễn cười lớn, thú vị và rồi chọn cô. Ngoài ra, có lẽ còn vì vẻ mộc của cô nữa- cả ngoại hình, tính cách.
Hồi đó, xem phim và gặp Hiệp ngoài đời, chúng tôi nhất trí gọi đó là vẻ đẹp “rất Đà Nẵng”. Tuy nhiên, phong cách của cô thực ra lại không Việt Nam lắm, quá hồn nhiên. Cô kể đã đi khắp các sân bay của Mỹ với trang phục luôn giản dị như thế, với giày bệt khiến đứng đến nách người ta, và chẳng biết tự ti là gì. “Khi chúng tôi gọi cô ấy là ngôi sao điện ảnh thì cô nói, em dân bán cá thôi, sao gì đâu” - người đại diện của Hiệp ở Việt Nam năm 1995 kể.
“Giấc mơ Mỹ” chưa trọn vẹn
Vai Lệ Lý Hayslip của Lê Thị Hiệp trải dài từ lúc là cô bé cho đến khi trở thành một phụ nữ gần 40. Với tôi, phim chỉ thực sự sinh sắc khi Tommy Lee Jones xuất hiện. Chứ vai của Trần Xung chẳng hạn, như kịch (đóng mẹ của Lệ Lý). Tommy bị chê là có “làn da không may mắn” nghĩa là nhàu nhò kể cả khi chưa quá già nhưng từ khi biết chàng qua Trời và Đất, hễ thấy phim của chàng là tôi không thể bỏ qua.
Bẵng đi bao năm không đọc được gì về Hiệp, mãi cuối năm dương lịch vừa rồi, tin cô qua đời khiến chúng tôi sững sờ. 46 tuổi, quá sớm. Và hóa ra bạn của bạn tôi bên Mỹ chơi rất thân với Hiệp. Ráp nối lại, chúng tôi được biết Hiệp lấy chồng là một nhà làm phim người Singapore, có hai con. Cô đóng một số phim sau Trời và Đất nhưng những phim này không nổi lắm. Ở Mỹ không ai đói cả nhưng cuộc sống của Hiệp không sung túc cho lắm, sau này cô làm nhà hàng, sống ở Los Angeles. Chồng cô có thời gian phải ngồi xe lăn nên Hiệp càng vất vả.
Bạn tôi sống ở Mỹ kể, người bạn gái kia cực kỳ yêu quí Hiệp. Hiệp không có cái vẻ quan tâm xoắn xuýt kiểu bạn bè Việt Nam nhưng luôn lẳng lặng lắng nghe xem mình có thể giúp gì cho ai. Ai từng gặp Hiệp đều nhận xét cô nói chuyện rất tếu, tính hồn nhiên giản dị chân tình. “Diễn viên quốc tế gì mà từ Sài Gòn đi ra Hà Nội bằng tàu hỏa, chẳng ngại ngần chẳng đòi hỏi”- người đàn ông giới thiệu Hiệp cho chúng tôi nhớ lại.
Trời và Đất trục trặc ngay từ đầu, dẫn đến quyết định đáng tiếc là bộ phim phải quay hoàn toàn ở Thái Lan. Phim cũng không gây tiếng vang bằng hai phim đề tài Việt Nam trước đó của Oliver Stone nhưng nhiều người Việt Nam (nhà văn Hồ Anh Thái chẳng hạn) vẫn rất thích phim này và có ấn tượng đặc biệt về Lê Thị Hiệp. Giờ ngồi xem lại thấy phim có nhiều ý hay xuất phát từ kịch bản dựa theo hồi ký của Lệ Lý Hayslip nhưng cũng có một số điểm trừ khiến bớt chân thực, ví dụ bối cảnh Việt Nam nhưng các nhân vật đều nói tiếng Anh thậm chí tiếng Anh bồi, nghe không vào.
Một gương mặt trong Trời và Đất cũng ra đi sớm: Haing Ngor người Campuchia, đóng vai cha của Lệ Lý. Haing Ngor đoạt Oscar Nam phụ năm 1985 với bộ phim Cánh đồng chết (The Killing Fields). Năm 1996 ông bị cướp bắn chết ở Los Angeles khi mới 56 tuổi. Còn Lê Thị Hiệp phát hiện ung thư dạ dày nhưng cô từng tưởng bệnh tình sẽ đỡ, ai ngờ nhanh chóng ra đi.
Điện ảnh lạ lắm. Bập vào nó một lần sẽ khiến bạn khó trở lại đời thường. Một cô gái vô danh, xuất thân bình dân như Lê Thị Hiệp có cơ hội vào phim của một đạo diễn nổi tiếng thế giới như Oliver Stone, quả là đẹp như một giấc mơ. Lê Thị Hiệp cũng có một cuốn hồi ký chưa được xuất bản, tít là Người con gái của biển: Hành trình của tôi tới tự do và trưởng thành. Nói một “giấc mơ Mỹ” không trọn vẹn là thế.
Những gì được nghe kể về Hiệp qua bạn bè và người quen thân, qua báo chí của Việt kiều khiến chúng tôi thấy mình đã cảm nhận đúng về cô trong lần gặp ngắn ngủi duy nhất. Một phụ nữ đáng mến và độc đáo thực sự. Mới hai tháng trước chúng tôi còn buôn chuyện trên Facebook, rằng người như Lê Thị Hiệp khiến thay đổi quan niệm về sắc đẹp. Còn tôi coi cuộc gặp với cô là kỷ niệm đẹp trong đời làm báo của mình, dự liệu khi nào có thời gian sẽ xem những phim Hiệp đóng: Bugis Street (1995), Cruel Intentions (1999), Green Dragon (2001), National Security (2003),The Princess of Nebraska (2007),Julia (2008),Lakeview Terrace (2008),Sympathy for Delicious (2010).
Hồi đó tan cuộc ốc hồ Tây, tôi về viết được hai bài một cho báo nhà một cho Thể thao Văn hóa, còn Cẩm Vinh viết cho Tuổi trẻ và Sài Gòn giải phóng. Người đàn ông giới thiệu Hiệp cho chúng tôi bảo: “Nhân vật độc đáo thế, tưởng các cô phải khai thác viết được tiểu thuyết chứ mấy bài báo ăn thua gì”.