Hồi ức xúc động về nữ diễn viên Hollywood Lê Thị Hiệp – Người con Đà Nẵng!

Chiều 20/12, tôi bàng hoàng nhận hung tin: Nữ diễn viên Hollywood Lê Thị Hiệp, thủ vai chính trong phim "Heaven & Earth - Trời và Đất" của đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone vừa qua đời ở tuổi 46 tại Los Angeles, vì căn bệnh ung thư dạ dày!

Tôi gặp Lê Thị Hiệp lần đầu tiên vào năm 1994. Hồi đó, cô tham gia đoàn cứu trợ của Tổ chức Đông Tây Hội ngộ sang Việt Nam, rồi về thăm quê ở “quận 3” Đà Nẵng. Còn tôi khi đó mới vào công tác tại báo Thanh Niên, được giao bám theo cô nữ diễn viên Việt kiều đang rất nổi sau vai chính trong bộ phim Heaven & Earth - Trời và Đất của đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone với kinh phí đầu tư sản xuất lên tới gần 50 triệu USD – con số lớn nhất trong lịch sử các phim về chiến tranh Việt Nam. 

Hồi ức xúc động về nữ diễn viên Hollywood Lê Thị Hiệp – Người con Đà Nẵng! ảnh 1 Lê Thị Hiệp trong phim Heaven & Earth - Trời và Đất. (Ảnh trên IMDB).

Nhiệm vụ cơ quan giao thì phải thực hiện, nhưng thú thật là tôi không mấy hứng thú với việc tiếp cận các ca sĩ, diễn viên… vì không hợp với “tạng” người của mình. Thế nhưng ngay khi gặp Lê Thị Hiệp thì những định kiến của tôi lập tức biến mất. Nổi tiếng đâu không thấy, Việt kiều đâu không thấy, chỉ thấy trước mắt tôi không phải một nữ diễn viên lòe loẹt son phấn, kiểu cách này nọ mà là một cô gái nhỏ nhắn, gầy gò nhưng tràn đầy tự tin.

Về Đà Nẵng lần ấy, Lê Thị Hiệp ở tại nhà của một bác sĩ trên đường Hải Phòng. Tôi đến phỏng vấn về việc cô đóng vai chính trong phim Heaven & Earth - Trời và Đất. Nhưng cuộc phỏng vấn nhanh chóng kết thúc vì Lê Thị Hiệp nhờ tôi chở lên Làng Hy vọng trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê. Bất kể tiếng la oai oái của mấy người trong nhà, Lê Thị Hiệp tót lên chiếc xe Honda 67 của tôi rồi hối chở đi gấp.

Đi được một đoạn, tôi hỏi Lê Thị Hiệp vì sao phải hối đi gấp như vậy. Cô cười toáng lên rồi kể mấy hôm trước ở Sài Gòn, cô cũng ngồi xe máy của một người quen chở đi và bị ngã bong gân tay. Vì vậy thấy cô lại lên xe máy thì mọi người trong nhà cản lại. Nhưng cô đã có hẹn trước với mấy em ở Làng Hy vọng nên không thể để các em chờ. Nếu không có tôi tới thì cô cũng sẽ bắt xe ôm để đi!

Đến nơi, Lê Thị Hiệp sà ngay vào vui đùa, ca hát, xuống bếp phụ nấu cơm cho các em, la đứa này, khen đứa kia… cứ như người chị đi lâu ngày mới về. Không son phấn, cũng chẳng chút gì kiểu cách, Lê Thị Hiệp cứ chân chất, mộc mạc như một cô thôn nữ mà hòa vào với những đứa trẻ mồ côi, không hề có khoảng cách. Nếu không phải người trong cuộc sẽ rất dễ tưởng nhầm đó là một cô gái quê làm việc ở Làng Hy vọng này chứ không phải là một nữ diễn viên vừa đóng xong bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hollywood!

Những ngày sau đó, tôi còn chở Lê Thị Hiệp đi loanh quanh nhiều nơi ở Đà Nẵng. Mạnh mẽ, quyết đoán và ngây ngô một cách tự nhiên… là những gì tôi nhận thấy ở cô khi ấy. Tuy nhiên tôi hơi "ác cảm" với việc Lê Thị Hiệp nói tiếng Việt mà cứ hay chen vào mấy câu, mấy chữ tiếng Mỹ nghe rất khó chịu!

Hồi ức xúc động về nữ diễn viên Hollywood Lê Thị Hiệp – Người con Đà Nẵng! ảnh 2 Lê Thị Hiệp mộc mạc đến với các trẻ em mồ côi ở Làng Hy vọng Đà Nẵng hồi năm 1994. Ảnh: HC.

Cô kể, cha mẹ đưa cô qua Hong Kong khi mới 8 - 9 tuổi, nhưng cô luôn tự hào mình là một cô gái Việt Nam. Cô vẫn nhớ quê mình nằm bên sông Hàn (thuộc phường An Hải Đông hoặc Nại Hiên Đông), rất nhiều cây cối, và cô rất buồn khi thấy những làng quê ấy bị cày ủi để mở đường Bạch Đằng Đông (nay là đường Trần Hưng Đạo)!   

Lần ấy, và tất cả những lần sau nữa, khi nói chuyện với tôi, giải thích cho tôi một điều gì đó mình làm bên Mỹ thì câu cửa miệng của Lê Thị Hiệp vẫn luôn "mình là con gái Việt Nam mà". Nhưng, tôi phát hiện ra và… chọc quê Lê Thị Hiệp "tự xưng mình là con gái Việt Nam mà chỉ nói được tiếng Việt lơ lớ và nhất là không đọc được chữ Việt". Quả nhiên Lê Thị Hiệp có vẻ… quê thiệt!

Sau đó thì cô qua lại Mỹ. Còn vài tiếng đồng hồ trước khi bay vào Sài Gòn, Lê Thị Hiệp rủ tôi vào Bệnh viện Đà Nẵng, tìm đến một bé trai bị ngã gãy xương thòi cả ra ngoài, chở từ trong quê ra nhưng nhà quá nghèo nên chưa có tiền mổ. Nghe ông bác sĩ chủ nhà cô đang ở cho biết nên Lê Thị Hiệp tìm đến, lấy hết số tiền còn trong túi đưa cho mẹ cháu bé để thêm vào chi phí ca mổ cho con.

Bẵng đi 2 – 3 năm, Lê Thị Hiệp trở lại Đà Nẵng. Cô gọi điện hẹn gặp tôi cùng anh Lê Viết Thành (lúc đó là cán bộ Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng, nay là Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Văn Ơn) và cô bạn tên Chi đang làm cho Tổ chức Đông Tây Hội ngộ tại Đà Nẵng. Đến nơi, chúng tôi rất bất ngờ vì điểm hẹn là một quán karaoke, dù chỉ mới 9 – 10 giờ sáng. Đến khi vào karaoke, tôi mới biết Lê Thị Hiệp muốn cho thấy cô đã… đọc được chữ Việt. Và không chỉ nói tiếng Việt sõi hơn mà cô còn hát hay cả nhạc Việt. Vì cô luôn là một người con gái Việt Nam!

Lê Thị Hiệp kể mấy năm qua cũng có mấy chỗ mời cô đi đóng phim, nhưng sau khi đọc kịch bản thì cô từ chối vì trong phim có nhiều cảnh… sexy, không hợp với một cô gái Việt Nam. Lần đó, Lê Thị Hiệp về Đà Nẵng là để đón tàu Peace Boat – con tàu Hòa Bình đi vòng quanh thế giới hàng năm do Chính phủ Nhật chủ trương, mà Lê Thị Hiệp là khách mời danh dự trong các sự kiện mà Peace Boat tổ chức tại Đà Nẵng trong chuyến cập cảng năm đó.

Nhìn Lê Thị Hiệp mặc áo dài trắng, tay cầm nón lá, ra cảng Tiên Sa đón các bạn Nhật Bản trên tàu Paece Boat, tôi hiểu vì sao cô từ chối những bộ phim có nhiều cảnh… sexy. “Thế trong thời gian không đóng phim thì em làm gì?” – Tôi hỏi. Lê Thị Hiệp cho biết, cô vẫn tích cực liên hệ với các nhà làm phim để tìm vai diễn mới phù hợp.

Hồi ức xúc động về nữ diễn viên Hollywood Lê Thị Hiệp – Người con Đà Nẵng! ảnh 3 Lê Thị Hiệp với áo dài trắng, nón lá ra cảng Tiên Sa đón các bạn trên tàu Hòa Bình của Nhật Bản cập cảng Đà Nẵng hồi năm 1996 - 1997. Ảnh: HC.

Tuy nhiên với những dấu ấn ghi được từ bộ phim Heaven & Earth - Trời và Đất, cô dành nhiều thời gian viết thư gửi cho khán giả hâm mộ, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân… kêu gọi đóng góp kinh phí cho Đông Tây Hội ngộ - một tổ chức phi Chính phủ do bà Phùng Thị Lệ Lý chủ trương nhằm giúp đỡ xây dựng Việt Nam sau chiến tranh; cụ thể là đóng góp hỗ trợ cho Làng Hy vọng Đà Nẵng. Rồi lại viết thư cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã đóng góp giúp đỡ những đứa trẻ mô côi được nuôi dạy trong Làng…

Rồi đột nhiên tôi và Lê Thị Hiệp mất liên lạc suốt mười mấy năm. Cách đây hai năm, cô lại bất ngờ xuất hiện ở Đà Nẵng, và không biết bằng cách nào đó cô tìm ra số điện thoại di động của tôi. Gặp lại nhau, Lê Thị Hiệp cho hay cô đã có chồng và hai con nhỏ, đã tham gia đóng thêm vài bộ phim. Đặc biệt là đã trở thành bếp trưởng và chủ nhân của Le Cellier, một nhà hàng Pháp - Việt ở Marina Del Rey. Tuy nhiên tranh thủ lúc rỗi rảnh, cô vẫn tham gia các hoạt động từ thiện hướng về Việt Nam.

Chuyến về quê cách đây 2 năm cũng là một chuyến đi từ thiện như thế… Nhưng rồi ngày hôm qua 19/12, không còn là những chuyến đi về hai bờ Đông - Tây, mà Lê Thị Hiệp đã làm cả một cuộc hành trình để về tới cõi vĩnh hằng. Dẫu ra đi khi hãy còn quá trẻ, nhưng tôi tin những gì cô đã làm được trong 46 năm xuất hiện trên cõi đời này xứng đáng để nhiều người nghiêng mình trân trọng.

Xin vĩnh biệt Lê Thị Hiệp - Một người con gái Đà Nẵng!

Kịch bản phim Heaven & Earth - Trời và Đất  dựa trên 2 quyển sách When Heaven and Earth Changed Places (Đảo ngược đất trời) và hồi ức Child of War, Woman of Peace (Đứa trẻ thời chiến, Phụ nữ thời bình) của tác giả Le Ly Hayslip, thuật lại những trải nghiệm của chính bà, trong và sau chiến tranh Việt Nam.

Le Ly Hayslip là tên tiếng Anh của bà Phùng Thị Lệ Lý (sinh 1949, quê ở thôn Kỳ La, xã Hòa Quý, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Bà là một Việt kiều thành đạt ở Mỹ, được thế giới đánh giá cao ở các hoạt động từ thiện và nhân đạo ở Việt Nam và các nước châu Á. 

Phim Heaven & Earth - Trời và Đất công chiếu lần đầu năm 1993 và đã giành một giải Quả Cầu Vàng cho nhạc phim. Vượt qua hàng nghìn ứng viên qua các cuộc tuyển chọn ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, Lê Thị Hiệp đã giành được vai Lê Lý – nhân vật nữ trung tâm trong phim Heaven & Earth - Trời và Đất; vai diễn Việt Nam lớn nhất trong lịch sử của “kỷ nguyên phim chiến tranh Việt Nam”. Đó được xem là vai diễn để đời của Lê Thị Hiệp, cô gái khi ấy mới 20 tuổi nhưng có thể đóng từ trẻ đến cho tuổi trung niên trong suốt bộ phim.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.