Độc đáo đua bò Bảy Núi

Lễ hội Đua bò Bảy Núi vô cùng náo nhiệt và hấp dẫn ở An Giang (Ảnh: An ninh thủ đô)
Lễ hội Đua bò Bảy Núi vô cùng náo nhiệt và hấp dẫn ở An Giang (Ảnh: An ninh thủ đô)
Trước ngày thi đấu, bò được ăn cháo đậu xanh, mật ong trộn trứng gà, uống bia, nước ngọt…để bồi bổ sức khỏe.

Vào dịp lễ hội Sen Dolta, khi đồng bào Khmer Nam bộ sửa soạn lấy nếp mới làm bánh cúng tổ tiên, khi nam nữ thanh niên các phum sóc háo hức trong điệu múa Lăm-vông, nô nức xem sân khấu truyền thống Dì-kê, Rô-băm... cũng là lúc người dân Khmer của vùng Bảy Núi, An Giang bước vào lễ hội đua bò.

Cuộc đua gay cấn

Lễ hội đua bò Bảy Núi càng trở nên cuốn hút tôi khi tôi tìm gặp các chủ bò người Khmer ở An Giang trong lần họ đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) để tái hiện Lễ hội đua bò Bảy Núi.

Anh Mos Rithy, một nài bò ở phum sóc Chi Kaêng, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn hồ hởi kể: Lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra vào dịp lễ Sen Dolta (từ ngày 29/8 - 1/9 âm lịch) của đồng bào Khmer tại An Giang. Hàng năm, lễ hội được tổ chức luân phiên tại chùa Thom Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên và chùa Tà Miệt, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn.

Lễ hội này bắt nguồn từ một tập tục địa phương: Vào ngày lễ Dolta, người Khmer thường mang thức ăn đến chùa dâng lên các nhà sư để cầu nguyện cho những người đã khuất sớm được siêu thoát. Trong những ngày lễ này, thanh niên tại các phum sóc mang những đôi bò đến cày ruộng giúp nhà chùa. Cày xong, các chủ bò chọn những đôi bò bắt cặp với nhau để tranh tài kéo bừa trên chính những thửa ruộng xâm xấp nước vừa được cày xong. Cho đến nay, tục lệ này trở thành môn thể thao truyền thống, tôn vinh những người sử dụng bò cày giỏi nhất, những chú bò khỏe nhất, những người nuôi bò mát tay.

Thấy tôi mê mải tìm hiểu về lễ hội đua bò, anh Chau Hăng ở xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, từng đoạt giải Nhất trong cuộc đua bò tại Hội chợ Điện Biên do Việt Nam và Campuchia phối hợp tổ chức hào hứng tham gia câu chuyện: Phải đến trường đua bò, tận mắt chứng kiến những vòng đua gay cấn và hấp dẫn, mới cảm nhận hết sức “nóng” của môn thể thao này.

Trước khi cuộc đua chính thức bắt đầu, đã có hàng ngàn bà con từ khắp nơi đổ về trường đua. Lúc này, những Chàm-ni-cô (người đứng bừa, còn gọi là xế bò, nài bò) dẫn các đôi bò diễu hành qua sân đấu trong tiếng vỗ tay cổ vũ của hàng ngàn khán giả. Lễ hội đua bò được tổ chức thành ba vòng: vòng xã, vòng huyện và vòng tỉnh. Cặp bò nào thắng cuộc vòng ngoài mới được vào thi đấu vòng trong.

Trước khi vào cuộc đua, ban tổ chức chọn từng cặp bò để thi đấu loại trực tiếp với nhau và bốc thăm thỏa thuận một số quy định cần thiết như đôi nào đi trước, đôi nào đi sau. Theo anh Chau Hăng, thường đôi đi sau chiếm ưu thế hơn bởi có đôi đi trước dẫn đường. Vào cuộc đua, từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, giàn răng bừa ngắn. Người điều khiển đôi bò, tay cầm một khúc gỗ có gắn một đinh nhọn gọi là cây xà-lul, phải đứng thật vững trên giàn bừa ấy, nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.

Anh Chau Hăng cho biết, ở vòng hô, nhịp đấu khá thong thả, chủ yếu để đôi bò làm quen với sân đấu và thử tài khéo léo của người điều khiển. Với những nài bò có kinh nghiệm, trong vòng hô, họ có thể điều khiển bò của mình uy hiếp bò của đối thủ khiến chúng hoảng sợ chạy ra khỏi đường đua, giành phần thắng lợi mà không cần tốn sức.

Khi đến vòng thả, tức chặng đua nước rút, những nài bò lúc này như dũng sĩ, một chân đứng trên giàn bừa, chân kia đứng trên thanh gỗ nối gông cổ bò với giàn bừa, tay cầm chắc cương điều khiển tốc độ, tay vung cây xà-lul liên tục chích vào mông bò, thúc giục đôi bò tăng tốc, lao thẳng về đích trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Không khí sân đấu sôi động, nóng bừng.

Ông Chau Khonl ở huyện Tịnh Biên, một nài bò có nhiều năm kinh nghiệm cho hay, ở vòng thả, nếu đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước thì đôi bò sau sẽ thắng cuộc mặc dù chưa tới đích. Việc để cho đôi bò của mình giẫm vào giàn bừa phía trước cũng là một quyết định táo bạo của người điều khiển vì sẽ rất dễ xảy ra tai nạn nếu chân của chúng bị kẹt vào giàn bừa. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên chiến thắng trong các cuộc đua bò là cả nài bò và bò phải có sức khỏe tốt. Người nài bò phải bình tĩnh, khôn khéo điều khiển đôi bò vượt qua những vòng đua đầy cam go, thử thách.

Đường đến chiến thắng

Ông Chau Huôl, người xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên là một trong những nài bò đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô để tham dự tái hiện Lễ hội đua bò Bảy Núi. Tôi gặp ông khi ông đang dắt đôi bò đua đi ăn cỏ. Hỏi ông về bí quyết để chọn được những đôi bò tốt, có khả năng đoạt giải cao trong cuộc đua, ông vui vẻ nói: Việc tuyển chọn những đôi bò thi đấu rất công phu. Thường những đôi bò thuần chủng, mình cao thân dài, bụng thon, ức nở, nhanh nhẹn, chân cứng, móng nhỏ đều và khít, gân to, bắp thịt săn chắc, sừng nhọn cân đối sẽ là những con bò khỏe, có tiềm năng. Một cặp bò hay phải là một cặp bò cân sức, có những cú nước rút xuất thần và nghe theo sự điều khiển của nài bò.

Ông Chau Huôl cho biết thêm: “Chọn được những con bò đua như ý khó khăn là thế, nhưng thường ngày chúng vẫn phải tham gia các công việc của nhà nông và chở hàng đi chợ. Trước ngày thi đấu chừng hai tháng, chúng mới được nghỉ ngơi và được chăm sóc đặc biệt, gọi là giai đoạn om bò. Buổi sáng, bò được tắm nắng khoảng 2 tiếng đồng hồ. Ngoài việc phải cung cấp đầy đủ cỏ non và nước sạch để tăng chất dinh dưỡng cho bò, buổi sáng, người ta cho bò ăn cháo đậu xanh, đến chiều thì tẩm bổ cho chúng bằng mật ong trộn với trứng gà ta, cho uống bia hoặc nước ngọt. Muốn bò có bắp thịt săn chắc, phải xoa bóp cho bò bằng những bài thuốc gia truyền.

Chị Neang Hoanh Ni, vợ anh Chau Hăng cũng góp chuyện: “Mỗi sáng, tôi lấy quả chanh vắt vào miệng bò để cung cấp vitamin C, tăng sức đề kháng cho bò và làm sạch đờm, giúp bò thông họng, dễ thở. Mỗi ngày, xế bò sẽ cho bò tập chạy khoảng 4 - 5 tiếng. Sau những buổi luyện chạy ngoài đồng, bò cũng phải được tắm rửa sạch sẽ. Việc huấn luyện tâm lý cho bò cũng là một yếu tố quan trọng để bò dạn dĩ khi nghe tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng reo hò vỗ tay của hàng chục ngàn người cổ vũ mà không hoảng loạn, bỏ chạy khỏi trường đua. “Nếu làm tốt từ việc chọn mua bò đua cho đến việc chăm sóc, huấn luyện bò thì khả năng đoạt giải mới cao”, chị Ni quả quyết.

Sau những cuộc đua làm mãn nhãn người xem, những người nông dân dù được giải hay không vẫn vui vẻ trở về công việc thường ngày của mình với sự phấn chấn, khí thế để chuẩn bị bước vào một vụ mùa mới ấm no.

Theo Vũ Ngọc

Theo VOV
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.