Doanh nhân loại nhau, kẻ vướng vòng lao lý, người lê lết

Doanh nhân loại nhau, kẻ vướng vòng lao lý, người lê lết
TP - Có câu chuyện tiếu lâm truyền khẩu: Nếu một người Việt chạy đua với một người nước ngoài, người Việt sẽ thắng. Nhưng, 3 người Việt đua với 3 người nước ngoài, người Việt thua. Sao thế? Vì, 3 người Việt sẽ cản nhau, tranh nhau tiến lên. Chuyện 3 doanh nhân Việt Nam đầu tư làm ăn ở Lào dưới đây là một ví dụ.

Năm 2007, ba doanh nghiệp Việt Nam là Cty TNHH Thái Dương Nghệ An do ông Thái Lương Trí làm giám đốc; Cty TNHH Thiên Phú Nghệ An do bà Chu Thị Thành làm giám đốc; Cty Cổ phần Dịch vụ Dạy nghề Thái Dương (nay là Tập đoàn Thái Dương) do ông Đoàn Văn Huấn làm giám đốc liên doanh với Cty Khai thác Khoáng sản Thảo Oong Khăm (Lào) do ông Oong Khăm Sivilay làm giám đốc. Chính phủ Lào cấp phép liên doanh cho 4 Cty này (Cty Lào - Việt) và lợi nhuận thu từ khai thác mỏ Huổi Chừn (Hủa Phăn, Lào) được chia theo tỷ lệ: Việt Nam 65%, Lào 35%.

Ba Cty Việt Nam đáng ra đã có cuộc góp vốn làm ăn theo tinh thần tương thân tương ái. Thế nhưng, sau khi được ông Huấn, bà Thành cho mượn cổ phần, ưu tiên nhiều điều kiện khác để được làm chủ tịch HĐQT Cty Lào - Việt, ông Trí lập mưu chiếm đoạt vốn, chiếm đoạt cổ phần vay, đẩy ông Huấn, bà Thành khỏi Cty.

Bà Thành đã góp hơn 12 tỷ đồng, ông Huấn góp 11 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi phí khác cho sự ra đời của Cty Lào - Việt. Ông Trí làm giả văn bản chiếm đoạt số tiền kể trên của 2 cổ đông.

Kiện tụng xảy ra, cơ quan chức năng Lào và Việt Nam vào cuộc. Ông Trí bị bắt, liên doanh dang dở, việc thăm dò, khai thác mỏ đình trệ, các Cty theo kiện gần kiệt quệ sức lực và tài chính. (Ở góc độ pháp lý của vụ án, Tiền Phong số ra ngày 27-6-2011 đã phản ánh chi tiết).

Ông Huấn nói: “Nếu 3 doanh nghiệp làm ăn thuận buồm xuôi gió, lợi nhuận thu được không nhỏ. Nhưng chỉ vì tham bát bỏ mâm mà kẻ vào tù, người theo kiện, công nhân, cán bộ mệt mỏi vì lương thưởng trồi sụt. Bốn năm theo kiện này, tôi sút cân, tiền tiêu hao, buồn phiền không kể hết. Thậm chí, tôi đã bị người ta hăm dọa, đuổi chém. Và, nếu không tỉnh táo thì tôi đã bị bắt giam ở Lào, do kẻ xấu đặt bẫy, hãm hại”.

Bà Thành cho biết: “Từ khi ông Trí bị bắt, tôi và ông Huấn thay nhau duy trì hoạt động của mỏ bên Lào, vì dừng hoạt động người ta sẽ thu hồi. Bị thu hồi mỏ thì bao nhiêu công sức của chúng tôi đổ sông đổ bể. Mỗi năm duy trì hoạt động của mỏ, tôi và ông Huấn phải chi 1 triệu USD.

Đó là các khoản tiền thuế đất, lương công nhân, và các khoản khác. Chưa kể đường vào mỏ khoảng 50km, cứ sau mùa mưa lại phải sửa. Hơn 100 công nhân bám trụ bên ấy cũng cực nhọc, chịu nhiều thiệt thòi. Chỉ khi nào tòa xử xong, trắng đen rõ ràng, chúng tôi mới có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh. Chậm ngày nào, thiệt hại tăng lên ngày đó...”.

Bà Thành, ông Huấn cho biết, để được Chính phủ Lào chấp nhận vào khai thác mỏ, và phía VN có được 65% lợi nhuận là chặng đường gian nan vô kể. Nay, vì một con sâu mà đổ cả bát canh, mất mỏ, rút lui thì thiệt hại quả là xót xa. Hiện nay, Cty Thảo Oong Khăm đối xử rất tốt với bà Thành, ông Huấn, nhưng để tiếp tục bắt tay làm ăn họ vẫn phải đợi tòa xử xong.

Mỏ Huổi Chừn nằm sát biên giới Việt - Lào
Mỏ Huổi Chừn nằm sát biên giới Việt - Lào.

“Cuộc chiến” giữ mỏ Huổi Chừn (gần biên giới Việt - Lào) không chỉ là việc riêng của ông Huấn, bà Thành mà ý nghĩa còn lớn hơn việc kinh doanh, khi xảy ra lừa đảo, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc thì mỏ có thể đã rơi vào tay nhà đầu tư của nước thứ ba. “Nếu chuyện mất mỏ vào nhà đầu tư nước thứ ba thì thiệt hại không chỉ dừng ở lợi ích kinh tế của doanh nghiệp”, bà Thành nói.

Ông Huấn, bà Thành đau đớn khi nói về sự tan rã của 3 Cty do lòng tham của ông Trí. “Tôi uất ức khi nghĩ về cách ông Trí đối với chúng tôi. Để ông ấy thuận lợi, tôi và ông Huấn đứng sau đầu tư vốn không chút băn khoăn. Để ông ấy có uy tín điều hành Cty, gặp quan chức Lào và Việt, tôi đều nói tốt. Tôi xấu hổ khi đặt niềm tin sai chỗ. Tôi buồn cho cách hợp tác làm ăn của Cty Việt Nam. Đây cũng là bài học cho Cty khác trong liên doanh, liên kết...”, bà Thành nói.

Ngoài 2 nhà đầu tư chính là bà Thành và ông Huấn, ông Trí còn kêu gọi một số cá nhân, đơn vị đầu tư vào mỏ này. Khi bị bắt, vốn không thu hồi được, có một doanh nhân đã chết trong nợ nần chồng chất, nay ủy quyền cho người khác tiếp tục hành trình đòi công lý.

Ông Huấn, bà Thành, cũng như các nhà đầu tư nhỏ mong muốn tòa mở sớm. Họ muốn kết thúc vụ việc sau 4 năm theo đuổi, thấy ánh sáng công lý để tập trung trí lực cho kinh doanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG