Doanh nhân có quyền yêu cầu và chắc chắn không là trọc phú

TP - Doanh nhân Việt có thành tướng tài trên mặt trận kinh tế; vai trò kiến tạo, phục vụ của chính quyền bao giờ thành hiện thực? Câu chuyện doanh nhân làm giàu đúng cách và với mục đích phụng sự xã hội… Ðó là những chia sẻ của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc với Tiền Phong, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Hậu phương vững chắc của doanh nhân

Ông có thể điểm qua những cột mốc lịch sử doanh nhân được xã hội ghi nhận, cũng như sự ra đời của Ngày Doanh nhân Việt Nam?

Doanh nhân ngày nay được xem như người lính thời bình, rất cần được cổ vũ, ghi nhận, biểu dương, xây dựng đội ngũ. Cụm từ “doanh nhân” đã đi vào lịch sử dân tộc từ năm 2004, khi Thủ tướng có quyết định về “Ngày Doanh nhân”. Ðến năm 2011, Bộ Chính  trị có Nghị quyết 09 về doanh nhân, và “doanh nhân” cũng được ghi vào Hiến pháp năm 2013.

Ngày truyền thống Doanh nhân 13/10 chính là ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công - Thương, khi “Công - Thương cứu quốc đoàn” (một tổ chức có chức năng tương tự như VCCI ngày nay) ra đời và gia nhập vào mặt trận Việt Minh (13/10/1945). Bức thư này của Bác, có thể coi như tuyên ngôn, nghị quyết đầu tiên của Ðảng, Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của doanh nhân và quan hệ của doanh nhân với chính quyền.

Sau Cách mạng Tháng Tám, từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, Bác đã ở trong nhà của một doanh nhân và sau ngày Quốc khánh, những vị khách đầu tiên Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng là các doanh nhân. Bức thư cuối cùng của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi đi xa cũng gửi cho doanh nhân. Bác Hồ gọi doanh nhân là “các ngài”. Bác khẳng định giới Công- Thương chính là những người có trách nhiệm “xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng” cho đất nước. Còn Ðại tướng gọi doanh nhân là “đồng chí”, là những “nhạc trưởng” trong công cuộc phát triển đất nước.

Như vậy, từ khi giành được độc lập, Bác Hồ đã khẳng định việc xây dựng kinh tế đất nước là việc của doanh nhân; Nhà nước phải tận tâm hỗ trợ giới doanh nhân phát triển kinh tế.

Doanh nhân có quyền yêu cầu và chắc chắn không là trọc phú ảnh 1 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nhân nên chăm chỉ học hành, bớt nhậu và giảm đi chùa.

Những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã dám “chấm điểm” và tạo động lực cải cách cho các địa phương. Rõ ràng, tiếng nói của khu vực doanh nghiệp tư nhân đã được thay đổi, thưa ông?

PCI là tiếng nói của doanh nhân. PCI là thước đo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp với bộ máy công quyền cấp tỉnh. PCI đã trở thành chương trình hành động của 63 tỉnh, thành; là “tấm gương” để các địa phương soi mình “tại sao tỉnh ta lại tụt hậu”. Từ đó, thúc đẩy địa phương đua tranh, học tập lẫn nhau cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Quả thật, những năm đầu “chạy” PCI, VCCI đã gặp không ít phản ứng. Có lãnh đạo địa phương thắc mắc: “Tại sao VCCI lại có quyền xếp hạng chúng tôi”. Thậm chí có nơi gửi thư lên Thủ tướng, đề nghị không cho công bố PCI, hoặc không đưa tỉnh họ vào diện xếp hạng PCI…

PCI cũng trở thành công cụ, giúp các lãnh đạo địa phương cải cách, buộc bộ máy dưới quyền họ phải hành động. Nếu các vị bí thư hay chủ tịch thực sự muốn cải cách, thì PCI cung cấp cho họ một công cụ để tạo áp lực và phương pháp để cải cách.

Chúng tôi rất vui sau 10 năm VCCI triển khai PCI, năm 2014, Chính phủ đã có Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết đã yêu cầu các địa phương nỗ lực nâng cao chỉ số PCI để cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Và, PCI được khẳng định là hàn thử biểu, thước đo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trước việc cải cách thủ tục hành chính và chất lượng hoạt động của cơ quan công quyền.

Ông thấy tâm thế của doanh nhân ngày nay thế nào?

Doanh nhân Việt rất vất vả. Họ phải thường xử lý những mối quan hệ còn phức tạp hơn trên thị trường. Chính vì thế, khi cải cách thể chế, điều quan trọng nhất là tạo ra môi trường minh bạch, công bằng. Tinh thần doanh nhân trong thời hội nhập là chuẩn bị tâm thế cho một cuộc chơi sòng phẳng”. 

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Quá trình đổi mới đã đi được một chặng đường dài, nhưng việc quan trọng vẫn là tiếp tục thay đổi tư duy, định vị rõ vai trò của nhà nước và doanh nghiệp, doanh nhân và công chức trong nền kinh tế thị trường. Trước pháp luật, công chức nhà nước và doanh nhân đều bình đẳng. Gần đây, tôi dự một hội nghị ở một địa phương có lãnh đạo tỉnh và trung ương dự. Tại hội nghị, nhiều doanh nhân vẫn e dè “đề nghị”, “xin phép” bộ máy chính quyền; nhưng, có một doanh nhân dùng từ “yêu cầu” các cơ quan, chính quyền địa phương làm việc đúng theo pháp luật. Tôi rất tâm đắc tâm thế này.

Có câu chuyện kể rằng, vì sao Napoleon chỉ thua trận Waterloo, trong khi tất cả các trận trước đó đều thắng lớn? Bởi vì, lúc nào ông cũng có vị cố vấn tài năng bên cạnh. Nhưng đến trận Waterloo thì Napoleon đã bại vì vắng mặt vị quân sư này. Tướng xung trận là các doanh nhân và sự hội nhập chính là trận tuyến của họ. Còn nhà nước là nhà tư vấn, giữ vai trò kiến tạo, xây dựng luật chơi và làm trọng tài đảm bảo cuộc chơi công bằng. Nhà nước như một hậu phương vững chắc giúp doanh nghiệp định hướng và phát triển. Doanh nhân có quyền “yêu cầu” chứ không phải “xin phép” chính quyền.

Doanh nhân có quyền yêu cầu và chắc chắn không là trọc phú ảnh 2

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Ai doanh nhân, ai trọc phú

Vậy, những doanh nhân trọc phú, sính siêu xe khoe mẽ, thích cầu xin lộc thánh, làm giàu bất chính và lấy giàu có về của cải làm giá trị sống thì sao, thưa ông?

Tôi rất thích câu chuyện của một doanh nhân. Anh ấy may sẵn một bộ quần áo không túi treo trong tủ. Bộ quần áo đó không dùng để mặc. Anh dặn mọi người sẽ mặc bộ quần áo đó cho anh khi về với tổ tiên. Hằng ngày, anh doanh nhân mở tủ và nhìn ngắm chiếc áo và tự nhắn nhủ mình: Chết đi thì doanh nhân không mang gì theo mình và tất cả sẽ thuộc về xã hội. Vì vậy phải làm doanh nhân đúng cách. Làm giàu bằng cách phụng sự xã hội. Ðừng là trọc phú.

Ở Việt Nam, bên cạnh những doanh nhân chân chính, còn có những trọc phú. Kinh doanh thiếu văn hóa, thiếu trách nhiệm xã hội. Bệnh phô trương, hoành tráng cũng ăn sâu vào phong cách của một số doanh nhân. Tôi thường chia sẻ với anh em doanh nhân, nên chăm chỉ học để nâng cao trình độ quản trị, nâng cao tính chuyên nghiệp; thời gian đi cúng, lễ ít thôi; giảm ăn nhậu. Trong thời hội nhập, hãy cố gắng tiết kiệm, làm gì cũng phải thiết thực, chuyên nghiệp, dựa trên khoa học công nghệ, sáng tạo và phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Môi trường kinh doanh ở ta, đâu đó vẫn dựa vào quan hệ, nhưng điều đó rồi cũng sẽ qua đi. Doanh nghiệp sẽ không phải “ngày làm kinh doanh, tối đi quan hệ…” Năng lực cạnh tranh về quản trị, công nghệ sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Có lần, ông nói thích những ông chủ sáng thức dậy đăm chiêu nghĩ kế kinh doanh, lo việc làm cho công nhân hơn là nghĩ sắm nhà đẹp, xe sang để khoe mẽ?

Với doanh nhân, điều quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm cho xã hội. Dân có công ăn việc làm hay không là gốc rễ của mọi nền kinh tế. Lạm phát để giữ ổn định, việc làm để lo cuộc sống cho mọi người là hai chỉ tiêu mà mọi chính phủ trên thế giới đều theo đuổi. Trước cửa Phòng Thương mại Mỹ ở Washington, khẩu hiệu chỉ có mấy từ  “Jobs-Jobs-Jobs” (Việc làm-Việc làm-Việc làm).

Một số lãnh đạo ở cấp địa phương ở nước ta chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, mà chỉ chăm lo các dự án đầu tư lớn để thu nhiều ngân sách; Ít quan tâm đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo công ăn, việc làm cho người dân. Muốn tạo ra việc thì phải quan tâm, chăm sóc doanh nghiệp. Chính quyền phải có trách nhiệm tạo môi trường, phục vụ doanh nhân. Ðây cũng là thách thức của Chính phủ, làm sao để truyền sức nóng, quyết tâm từ trung ương xuống tận bộ máy chính quyền các cấp. Mong sao quyết tâm của Thủ tướng, các vị bộ trưởng hay các bí thư, chủ tịch tỉnh phải hóa thân vào hành vi  của các công chức ở cơ sở.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG