Những lão nông triệu phú “già mà… ham“

Những lão nông triệu phú “già mà… ham“
Lão nông U80 đam mê giống gà quý bạc triệu, U70 sở hữu vườn cây độc lạ giá bạc triệu ngay giữa Hà thành, lão nông miền Tây kiếm tiền tỷ nhờ nuôi cá nước ngọt ở cửa biển, U70 đam mê tạo hình nông sản "độc"... là những gương nông dân triệu phú tuy tuổi cao mà vẫn ham làm nông nghiệp.

U80 đam mê giống gà quý bạc triệu

Với hy vọng bảo tồn nguồn gen quý, ông Lê Văn Vết (77 tuổi, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vẫn say sưa nuôi gà Đông Tảo. Một con gà con làm giống có giá 500.000 đồng, gà thịt thuần chủng, nặng 3,5 - 4 kg giá đến 20 triệu đồng và lên 30 - 40 triệu/con vào mỗi dịp Tết nguyên đán.

Gìn giữ giống Đông Tảo thuần chủng là tâm huyết suốt đời của ông Vết. Sau khi đi bộ đội, ông Vết bắt tay vào nuôi giống gà có giá trị cao. Tuy gà kén khách chơi nhưng ông chọn lựa để gắn bó. Nuôi loại gà này tốn nhiều công, phải thực sự có đam mê mới thành công.

Ông kể những đêm mưa gió phải thao thức mãi, dậy kiểm tra xem gà có bị ướt không, rồi tìm cách vun vén, che cho chúng. Vốn yêu thích chăn nuôi, ông Vết trở thành "bác sỹ thú y" từ khi nào không hay. Vì thế, mấy chục năm nuôi gà, ông chưa bị thiệt hại do dịch bao giờ. Mỗi năm thu nhập của gia đình ông từ việc nuôi gà Đông Tảo trên 100 triệu đồng.

U70 “chắc ăn” với nghề nuôi bò sinh sản

Sau 2 năm nuôi bò sinh sản, ông Nguyễn Đình Trọng (67 tuổi, xã Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ) đã sở hữu đàn bò 22 con. Năm 2012, ông Trọng chi 200 triệu đồng mua 9 con bò cái, còn lại 80 triệu đồng, ông xây dựng chuồng trại, khu dự trữ thức ăn và hầm biogas. “Thời gian đầu nuôi bò, do chưa có kinh nghiệm nên tôi gặp nhiều khó khăn. Con bò tuy dễ nuôi nhưng hay mắc bệnh tiêu chảy, tụ huyết trùng, trong khi muốn chăn nuôi quy mô lớn thành công cần đặc biệt chú ý khâu phòng bệnh” - ông Trọng tâm sự.

Những lão nông triệu phú “già mà… ham“ ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Trọng với đàn bò sinh sản của mình. (Ảnh:Ngọc Quỳnh/Dân Việt)

Nhờ học hỏi từ sách báo và được cán bộ thú y tư vấn, ông tiêm phòng đầy đủ cho đàn bò và giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ nên hạn chế được dịch bệnh. Trong tổng số đàn bò 22 con của ông, có 18 bò cái, mỗi năm ông có nguồn thu 130-150 triệu đồng từ bán bê. Dù thu nhập mới ở mức “lấy công làm lãi” nhưng ông Trọng nhận định nghề này có khả năng phát triển, cho thu nhập cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Trọng còn rất nhiệt tình giúp đỡ các hộ khó khăn trong khu và sẵn sàng cho mượn bò cái mang về nuôi, đến khi bò cái sinh bê con mới phải trả.

Ông nông dân U70 sở hữu vườn cây "độc", lạ giá bạc triệu giữa thủ đô

Ông nông dân Lê Đức Giáp (63 tuổi, Xóm Bãi, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) được coi là bậc thầy trong việc khai sinh ra loại cây có "ngũ- thất- cửu quả", được cho là sẽ mang lại may mắn và sự thịnh vượng cho gia chủ. Đặc biệt, với giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền của người chơi mọi tầng lớp, lão nông này tuy không sử dụng bất kỳ một "chiêu trò" quảng cáo nào nhưng vẫn dành được sự tín nhiệm của dân chơi cây cảnh "độc", lạ trên khắp cả nước.

Những lão nông triệu phú “già mà… ham“ ảnh 2

Ông Lê Đức Giáp bên cạnh vườn cảnh bạc tỷ của mình. (Ảnh: Hồng Liên/ Dân Việt).

Với tổng diện tích hơn 7.000m2, vườn cây cảnh độc đáo trên 200 gốc mỗi năm cho gia đình ông tổng thu nhập trị giá bạc tỷ. Tiết lộ về bí quyết lai ghép ra cây nhiều loại quả "có một không hai" của mình, ông Giáp bộc bạch: Không cần tuyệt kỹ gì cao siêu, chỉ cần biết cách chọn cành và quả ghép sao cho chuẩn. Quan trọng là người làm cần phải có tâm và tình yêu đối với cây. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, ông Giáp cho biết "Mỗi năm, tôi sẽ lại sáng tạo ra một thứ mới để lôi cuốn, thu hút người mua hơn".

Lão nông miền Tây kiếm tiền tỷ nhờ nuôi cá nước ngọt ở cửa biển

Hơn 20 năm trước, ông Phạm Ngọc Ánh (Hai Ánh, sinh năm 1947) dẫn vợ con về ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau mua lại miếng đất bị chê là khó làm ăn để phát triển mô hình kinh tế nước ngọt. Bằng đôi tay cần mẫn và nghị lực của mình, ông Hai Ánh đã biến vùng đất hoang, nhiễm phèn mặn ở ngã ba sông Hố Gùi thành những ao cá, vuông tôm trị giá bạc tỷ. Bị gọi là “khùng”, nhưng chỉ vài năm sau đó, bằng ý chí và nghị lực của mình, ông đã khiến cho dân xứ biển này phải thán phục.

Từ một ao cá nước ngọt ban đầu, ông Hai Ánh nhân rộng ra thành 5 ao với diện tích hơn 4.000 m2, một năm cho thu hoạch hai lần với hơn 2 tấn cá các loại. Hơn 20 năm qua, mô hình nuôi cá nước ngọt của Hai Ánh đã đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình ông. Tính đến nay, ông Hai Ánh đã có trong tay vài chục ha đất, trong đó có 18 ha đất rừng đước đang vào độ tuổi thu hoạch, 12 ha nuôi tôm, tổng nguồn thu khoảng một tỷ đồng mỗi năm.

U70 đam mê tạo hình nông sản "độc" lạ

Sở hữu khu vườn khoảng 1ha, trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau, năm 2000, lão nông Võ Hồng Quốc (68 tuổi, ngụ ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã tham gia vào câu lạc bộ (CLB) tạo hình trái cây ở xã Phú Tân. Nhờ sự hướng dẫn từ CLB này, ông đã liên tiếp tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ. “Vài năm sau khi tham gia vào CLB tạo hình trái cây, tôi cùng với vài thành viên trong CLB đã thử nghiệm làm bưởi hồ lô (thời gian này chưa ai tạo hình được bưởi hồ lô) và đã đạt được thành công bước đầu. Vì vậy, đến tết năm 2011, tôi đã tung ra thị trường 1.000 trái bưởi hồ lô đạt chuẩn trong tổng số 1.500 trái được tạo hình” – ông Quốc nói.

Những lão nông triệu phú “già mà… ham“ ảnh 3

Ông Quốc bên vườn trái cây tạo hình. ( Ảnh: Diệu Thanh/ Dân Việt)

Được thị trường ưa chuộng, không đủ sản phẩm để bán nên năm 2012, ông Quốc đã tiếp tục tạo hình, bán ra thị trường hàng nghìn trái bưởi bưởi hồ lô, đem thu nhập về cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Không dừng lại ở đó, năm 2013, ông Quốc tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm thành công bưởi hồ lô có khắc thêm chữ nổi: Phúc Lộc Thọ, Tài Lộc và bưởi hồ lô có chữ nổi kèm theo thỏi vàng.

Năm 2014, ông Quốc còn quyết định thử nghiệm tạo hình trên 1.500 trái đào tiên, kết quả, đã có khoảng 400 trái đào tiên hồ lô được tạo hình thành công được bán với giá từ 300.000 - 800.000 đồng/trái (tùy loại hình dáng được tạo và chất lượng sản phẩm làm ra) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.