Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: Làm gì để vươn lên tầm quốc tế?

Người dân mua sắm quần áo tại Trung tâm mua sắm Vincom (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Người dân mua sắm quần áo tại Trung tâm mua sắm Vincom (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
TP - Phát biểu tại Lễ phát động thi đua “Chương trình doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng: Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.

Trăn trở

Sáng 25/1, Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã tổ chức lễ phát động thi đua “Chương trình doanh nhân đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững của đất nước”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự. Theo báo cáo của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, những năm qua, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, ngày càng đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các đại biểu, hiện nay vẫn còn một số những bất cập khiến cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) còn hạn chế. Theo ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện nay trong dân đang nắm giữ khoảng 7 nghìn tỷ USD. Đây là nguồn tài chính khổng lồ. “Đáng tiếc là khi CPH DNNN chúng ta chưa có nhiều chính sách để kêu gọi doanh nhân tư nhân trong nước tham gia nên rơi hết vào tay các tập đoàn nước ngoài. Chúng tôi lo ngại rằng đến lúc nào đó nền kinh tế Việt Nam sẽ bị điều hành bởi các tập đoàn nước ngoài”, ông Tuất lo ngại.

Theo ông Tuất, nếu có chính sách đúng đắn thì một phần các DNNN CPH sẽ về tay doanh nhân tư nhân Việt Nam và họ có cơ hội để thể hiện sức mạnh của mình bằng nội lực. “Thực hiện được điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích như, giữ được các thương hiệu lớn của quốc gia và đảm bảo được thị trường lao động. Còn không khi các hiệp định thương mại tự do ASEAN ra đời thì nguy cơ lao động Việt Nam mất việc làm ngay tại quê hương sẽ rất lớn, nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội”, ông Tuất cảnh báo.

Từ đó, ông Tuất đề nghị cần nghiên cứu phân loại để người Việt có cơ hội làm chủ các DNNN. “Các doanh nhân tư nhân đang rất sẵn lòng tham gia vào quản trị các DNNN nếu có cơ hội. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẵn sàng như là đội bóng U23 để vượt qua các doanh nhân tư nhân khu vực”, ông Tuất nói. Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan nhà nước cần có chính sách, huy động các nguồn tiền của tư nhân để tham gia vào quá trình CPH.

Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò kinh tế tư nhân đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo Chủ tịch nước để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu quả, thực sự là “người lính trên mặt trận kinh tế”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu khoa học- công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, năng lực quản trị và kinh doanh. Doanh nghiệp tư nhân cần chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phấn đấu có nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ Việt Nam mang tầm quốc tế, góp phần chấn hưng đất nước và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động, đổi mới, sáng tạo và hiện đại đến với bạn bè quốc tế.

Chủ tịch nước mong muốn Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong đội ngũ doanh nhân cả nước, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước.

“Trong hồ sơ Panama có tên người Việt Nam rất nhiều. Nhiều người Việt đã và đang mang tiền đi nước ngoài gửi… Nguồn tiền sạch trong nước, trong dân cũng rất lớn, có thể lên đến 7 nghìn tỷ USD. Vậy mà các doanh nghiệp trong nước khi cổ phần hóa cứ bán cho nước ngoài là điều rất đáng suy ngẫm”, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói tại lễ phát động thi đua của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

MỚI - NÓNG