Doanh nghiệp sử dụng lao động dân tộc thiểu số: Được hỗ trợ 5 năm tiền đóng BHXH

Doanh nghiệp sử dụng lao động người dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH.
Doanh nghiệp sử dụng lao động người dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH.
TP - Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 58/2017/TT-BTC về việc hướng dẫn một số chính sách hỗ trợ tài chính cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiều đối tượng được áp dụng

Cụ thể, Thông tư 58 hướng dẫn chính sách hỗ trợ tài chính về chi trả BHXH, BHYT, BHTN, đào tạo nghề ngắn hạn, tiền thuê đất cho các tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg.  Trong đó, Thông tư 58 hướng dẫn chi tiết về việc ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH cho các đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số với mức hỗ trợ tối đa 5 năm/một người lao động.

Đối tượng áp dụng của Thông tư 58 là các Công ty TNHH MTV nông, lâm, thủy sản do Nhà nước làm chủ sở hữu; Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Hợp tác xã; Các doanh nghiệp ngoài nhà nước (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI); Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan việc thực hiện hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, đối tượng áp dụng còn là các đơn vị sử dụng lao động sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo danh sách quy định tại Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg.

Được hỗ trợ 5 năm/NLĐ

Về chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 5 năm đối với một người lao động. Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Về nguồn kinh phí hỗ trợ, Thông tư số 58 nêu rõ ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, đóng BHXH, BHYT, BHTN cho lao động là người dân tộc thiểu số. Các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với ngân sách Trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả chính sách đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Nguồn lồng ghép kinh phí đào tạo thường xuyên, các chương trình (trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới), dự án khác trên địa bàn để tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động là người dân tộc thiểu số.

Đối với đơn vị sử dụng lao động hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp công lập có thu, nếu phương án tự chủ của đơn vị đã bao gồm dự toán chi BHYT, BHXH, BHTN cho lao động là người dân tộc thiểu số thì đơn vị không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Về việc cấp phát kinh phí hỗ trợ bảo hiểm, Thông tư số 58 hướng dẫn, Sở Tài chính địa phương thực hiện cấp cho đơn vị có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, đồng thời thay đơn vị sử dụng lao động chuyển số kinh phí trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 3, Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg và thông báo cho từng đơn vị sau khi đã chuyển số kinh phí hỗ trợ cho cơ quan bảo hiểm.

Trường hợp đơn vị sử dụng lao động đã nộp các khoản kinh phí bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm thì Sở Tài chính chuyển kinh phí hỗ trợ cho đơn vị sử dụng lao động tương ứng với số kinh phí mà đơn vị đã nộp. Quyết toán hỗ trợ kinh phí bảo hiểm: Danh sách người lao động được hỗ trợ đóng bảo hiểm; mức đóng BHXH, BHYT, BHTN của từng lao động; tổng số kinh phí bảo hiểm đề nghị ngân sách hỗ trợ có xác nhận của cơ quan bảo hiểm theo Phụ lục số 4 đính kèm Thông tư 58. Hồ sơ quyết toán cần ghi rõ tổng số thời gian mà mỗi người lao động đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm (bao gồm thời gian được hỗ trợ của các năm trước năm báo cáo, thời gian được hỗ trợ trong năm báo cáo).

Kết thúc năm ngân sách, UBND cấp tỉnh tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ kinh phí bảo hiểm gửi Bộ Tài chính để bổ sung cho địa phương trong trường hợp thiếu nguồn kinh phí hoặc yêu cầu hoàn trả ngân sách Trung ương số kinh phí không sử dụng hết.

“Về chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, ngân sách Nhà nước hỗ trợ nộp thay cho các đơn vị sử dụng lao động tối đa 5 năm đối với một người lao động. Việc hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện đối với lao động là người dân tộc thiểu số được đơn vị sử dụng lao động ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng”.

(Trích nội dung Thông tư 58 của Bộ Tài chính)

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.