Doanh nghiệp phá sản hàng loạt cũng là cơ hội

Doanh nghiệp phá sản hàng loạt cũng là cơ hội
TP - Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong- Trưởng phòng nghiên cứu Kinh tế- Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Hà Nội khẳng định doanh nghiệp phá sản hàng loạt cũng là cơ hội.

>Độc chiêu 'thoát hiểm' thời khó khăn của doanh nghiệp BĐS

Ông Phong nói như vậy trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong xung quanh hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp trong nước đang phá sản.

 Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong.

“Từ đầu năm 2011 đến nay đã có 50.000 doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản. Trong 2 tháng đầu năm nay, 500 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM đăng ký giải thể. Đó là sự cảnh báo, điểm đen. Lần đầu tiên kể từ năm 1986, chúng ta đang đứng trước một sự kiện đen tối như vậy...” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Theo tôi có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp phá sản này. Về bên ngoài, kinh tế thế giới khủng hoảng, ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư, thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ở trong nước, lãi suất ngân hàng quá cao. Vì lợi ích riêng, các ngân hàng áp trần lãi suất huy động, bỏ trần lãi suất cho vay trong khi đáng ra phải áp trần lãi suất cho vay. Khi bỏ trần lãi suất cho vay sẽ dẫn tới hậu quả: Các ngân hàng được cho vay theo thỏa thuận sẽ tìm những đối tác sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao nhất, đó thường là các đại gia về bất động sản.

Điều này khiến mặt bằng lãi suất cao lên, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị cuốn vào dòng xoáy ấy khiến họ phải vay vốn với lãi suất cao dẫn tới nợ khó đòi và phá sản.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, phải chăng sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam cho thấy những mô hình cũ, cách làm ăn cũ không còn phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay?

Sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp cho thấy những mô hình cũ, những lợi thế cũ, những khả năng cạnh tranh cũ đã đến giới hạn rồi, nếu không thay đổi sẽ chết.

Các doanh nghiệp Việt Nam trông cậy quá lớn vào nguồn vốn, đặc biệt là vốn ngân hàng. Nhưng cũng phải thấy rằng trong nhiều doanh nghiệp phá sản, có những doanh nghiệp “chết giả”. Những doanh nghiệp ấy lập ra chỉ để tranh thủ những lợi thế ngắn hạn, hay dựa vào lợi ích nhóm, khi cái đó mất đi thì đóng cửa.

Quá trình tái cấu trúc cũng tạo ra sự đóng cũ mở mới của các doanh nghiệp. Sự đóng mở là bình thường, nhưng hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp phá sản trong thời gian ngắn đã gây ra những hậu quả lớn như giảm thu ngân sách; nhiều người bị thất nghiệp, gánh nặng an sinh xã hội, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực, chỉ số niềm tin bị kém đi...

Nhìn ở một góc độ khác, ông có nhận thấy phá sản cũng là một cơ hội để doanh nghiệp lột xác, tái cấu trúc để tồn tại và phát triển?

Phá sản là chuyện bình thường của cơ chế thị trường, hàng loạt doanh nghiệp phá sản nhưng tổng các yếu tố không đổi, tổng con người, tổng tài sản trong quốc gia không đổi. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt cũng là một cơ hội để thay đổi hình thức quản lý, hình thức sở hữu.

Theo tôi, trong thời gian tới, quá trình phá sản, sáp nhập sẽ tiếp tục. Quá trình đó gắn với xu hướng tái cấu trúc của doanh nghiệp. Đó là xu thế không thể đảo ngược bởi vì sức đề kháng của doanh nghiệp Việt Nam đang yếu, mức độ cạnh tranh thấp. Các doanh nghiệp có máy móc, công nghệ hiện đại chỉ chiếm 1/3, vì thế rất dễ thua ngay trên sân nhà.

Doanh nghiệp phá sản hàng loạt cũng là một cơ hội để thay đổi hình thức quản lý, hình thức sở hữu. Theo tôi, trong thời gian tới, quá trình phá sản, sáp nhập sẽ tiếp tục.

Nhưng nếu đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, sẽ gia tăng thất nghiệp, nhiều lao động tay nghề thấp, không thể đào tạo bị đẩy ra rìa.

Khi tái cấu trúc cũng phải đặt ra vấn đề: Nguồn lực ở đâu? Vốn ở đâu? Tái cấu trúc là một hình thức điều chỉnh liên tục, một quá trình mở nhằm chuyển dần về chất. Tôi rất tâm đắc với phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây: “Quá trình tái cấu trúc không để lợi ích nhóm chi phối”.

Trong số 5 vạn doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ lớn. Theo ông, cái chết của những doanh nghệp tư nhân ấy nói lên điều gì?

Điều đó cho thấy doanh nghiệp tư nhân vẫn rơi vào thế yếu và thiệt thòi trong giai đoạn này. Ngân hàng vẫn thích cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn hơn. Doanh nghiệp nhà nước nhận được nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, các nguồn lực khác.

Tôi có cảm giác, doanh nghiệp tư nhân phải chịu nhiều sự nhũng nhiễu khiến cho chi phí trung gian tăng lên, dẫn tới khả năng cạnh tranh kém và nguy cơ phá sản cao.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã và đang trên bờ vực phá sản. Có một số đề nghị Nhà nước nên tung tiền ra để giải cứu các doanh nghiệp, quan điểm của ông về vấn đề này?

Các doanh nghiệp bất động sản đã hưởng lợi rất nhiều từ những cơn sốt nhà đất gần đây, bây giờ họ không thể “đổ” khó khăn, nợ nần cho Nhà nước. Đây cũng là một đợt thanh lọc, những doanh nghiệp bất động sản yếu kém, làm ăn chụp giật, mánh mung cần phải loại ra khỏi thị trường.

Những doanh nghiệp nào chết cứ để cho chết để xác lập lại thị trường, đồng thời cũng là một lời cảnh tỉnh. Thông tin Nhà nước bỏ tiền ra giải cứu các doanh nghiệp bất động sản có thể là một kiểu vận động hành lang về chính sách. Chúng ta không nên để kiểu vận động ấy chi phối chính sách của nhà nước.

Doanh nghiệp đang cố bơi vượt qua thời kỳ cam go Ảnh: Xuân Phú
Doanh nghiệp đang cố bơi vượt qua thời kỳ cam go Ảnh: Xuân Phú.

Theo ông, trước cái chết hàng hoạt của các doanh nghiệp trong nước, những việc cần làm ngay bây giờ là gì?

Tôi cho rằng có một số việc phải làm ngay. Trước hết, phải đột phá vào thể chế, loại bỏ các thể chế hành chính, các can thiệp mang tính phi thị trường. Phải áp dụng trần lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay quá cao không những không chống được lạm phát mà còn làm lạm phát cao hơn.

Nhà nước cần giảm thuế để tăng tích tụ cho doanh nghiệp, phát triển những thể chế cho vay ngoài ngân hàng, trong đó có chứng khoán, nhưng phải là một thị trường chứng khoán lành mạnh không bị méo mó.

Nguồn vốn do cắt giảm đầu tư công phải được bổ sung cho khu vực doanh nghiệp tư nhân để “hà hơi, tiếp sức” cho họ trong cơn khốn khó này. Điều này đã được đề cập đến, nhưng cần phải thể chế hóa.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hoạt động và phát triển theo xu hướng nào?

Quá trình tới đây sẽ tiếp tục thanh lọc và hình thành những tập đoàn đa sở hữu. Mô hình cổ phần đa sở hữu sẽ tiếp tục phát triển mạnh, những công ty mà nhà nước sở hữu 100% vốn sẽ giảm dần. Tính quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên.

Các doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm hơn đến những quy chuẩn về chất lượng hàng hóa. Nhưng hiện tượng doanh nghiệp phá sản vẫn tiếp tục diễn ra vì chu kỳ của một sản phẩm hàng hóa sẽ ngắn hơn. Khi một chu kỳ đó kết thúc có thể đóng lại một doanh nghiệp và mở ra doanh nghiệp mới.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG