Doanh nghiệp nhà nước là “trùm” nợ đọng xây dựng cơ bản

TP - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến hết năm 2016, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) vốn ngân sách trung ương là 9.557,6 tỷ đồng. Nợ đọng nhiều năm khiến các doanh nghiệp xây dựng “than” rơi vào cảnh bế tắc.

Hội thảo chuyên đề “Nợ đọng xây dựng cơ bản- Biện pháp tháo gỡ và hướng giải quyết” tổ chức sáng 28/6, tại Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị nợ đọng tiền XDCB vốn ngân sách Nhà nước đến 2.000 tỷ đồng, trong khi vốn công ty khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nợ đọng này tập trung vào khối doanh nghiệp nhà nước. Dẫn đến tình trạng “Nhà nước nợ nhà nước”, rất khó giải quyết.

Lý giải về nguyên nhân việc nợ đọng XDCB lớn, ông Hoàng Chí Cường, Tổng Giám đốc Vinaincon cho biết, chủ yếu do chủ đầu tư mất cân đối, không đủ vốn để giải ngân khi thanh, quyết toán cho các hợp đồng.

Ông Trần Nhật Thành, Chủ tịch Tập đoàn DELTA thì than: Ai cũng biết nếu không giải quyết được bằng biện pháp thông thường có thể nên đưa ra tòa án hay trọng tài kinh tế để giải quyết. “Nhưng thực tế đây là phương án bất đắc dĩ và không ai muốn vì các bên đều thiệt; chưa kể mất một thời gian dài mà chưa chắc đã đòi được tiền” - vị chủ tịch này phân tích.

Nợ đọng vốn ngân sách nhà nước đang là vấn đề nan giải, mà người chịu thiệt là các nhà thầu. Bên cạnh đó, các dự án từ nguồn vốn ODA không được thanh toán theo Hợp đồng Fidic (Luật Hiệp hội các nhà thầu quốc tế). Các nhà thầu đều cho rằng, chủ đầu tư luôn “cầm dao đằng chuôi” còn nhà thầu ở thế cầm
đằng lưỡi.

Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị, Luật Xây dựng cần được sửa đổi, thực tế Luật Đấu thầu “bắt chẹt” các nhà thầu.

“Từ  năm 2013 đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản, đặc biệt là Chỉ thị số 23/CT-TTg Luật Đầu tư công  quy định rất chặt chẽ là chấm dứt nợ đọng XDCB ngân sách nhà nước từ 31/12/2014 và không giải quyết nợ đọng từ 1/1/2015 nữa nhưng nợ đọng vẫn hiện hữu. Chỉ thị chưa đi vào cuộc sống, nhà thầu sống lay lắt chưa phá sản do chiếm dụng vốn của nhau” - ông Cận ngán ngẩm.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc (Ngân hàng Nhà nước), nợ đọng XDCB cũng là một tác nhân khiến nợ xấu ngân hàng tăng lên. Ông Bắc khuyến nghị, nên áp dụng bắt buộc chủ đầu tư cung cấp chứng thư bảo lãnh dự án từ ngân hàng. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là quá trình đàm phán giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.