Doanh nghiệp ngoại thuê rừng giá bèo

Rừng Quốc gia Yok Đôn bị tàn phá. Ảnh: Vạn Tiếp
Rừng Quốc gia Yok Đôn bị tàn phá. Ảnh: Vạn Tiếp
TP - Sáng 11-10, thảo luận báo cáo của Chính phủ về Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong 13 năm qua, nhiều ý kiến tại UBTVQH nói, rừng vẫn bị tàn phá mạnh, trong khi doanh nghiệp ngoại thuê rừng giá bèo.

> 'Vàng trắng khoắng rừng Tây Nguyên': Người trong cuộc nói gì?

Rừng Quốc gia Yok Đôn bị tàn phá. Ảnh: Vạn Tiếp
Rừng Quốc gia Yok Đôn bị tàn phá. Ảnh: Vạn Tiếp.
 

Thu hẹp rừng vì thủy điện

Theo Báo cáo của Chính phủ, độ che phủ rừng tăng dần qua các năm từ 32% (năm 1998) lên 39,5% (năm 2010). Tính đến 2010, cả nước trồng 2,45 triệu ha (81% kế hoạch). Tuy nhiên, dự án còn nhiều hạn chế: Tỷ lệ che phủ rừng chưa đồng đều, có nơi như Tây Ninh chỉ đạt 11%, tình trạng chặt phá rừng xảy ra ở nhiều nơi, có lúc hết sức gay gắt, đặc biệt là tình hình chống người thi hành công vụ; tình trạng đốt phá rừng để làm nương rẫy, nhiều khu rừng trồng xong, hết tiền đầu tư bảo vệ có nguy cơ bị phá hoặc bị cháy rất cao.

Chủ nhiệm UBTC-NS Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần nâng chi phí bảo vệ rừng lên 200 nghìn/ha/năm thay vì mức 50 nghìn đồng hiện nay. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết, chất lượng rừng bao gồm cả 4 yếu tố đất, nước, động, thực vật đang bị giảm sút, ví như rừng cao su chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, chứ không đúng nghĩa là rừng, vì không có loại chim chóc nào làm tổ ở đây.

Nêu thực trạng rừng đang càng ngày càng bị thu hẹp, Chủ nhiệm UB QP-AN Nguyễn Kim Khoa cho biết có những tỉnh miền núi đi hàng trăm cây số mà không có rừng, hoặc có rừng nhưng đã bị rút lõi. Một trong các nguyên nhân thu hẹp rừng là thủy lợi, thủy điện. Mặc dù có quy định dự án thủy điện thu hẹp rừng phải trồng lại, nhưng không DN nào thực hiện.

Thuê rừng giá bèo

Ủy ban KHCN&MT chỉ rõ: Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Theo Ủy ban này, diện tích đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê để trực tiếp trồng rừng là 288.974,3 ha. Tuy nhiên, giá thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức nước ngoài quá thấp (bình quân khoảng 180 nghìn đồng/ha) trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng.

“Một số địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả những diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý”- Chủ nhiệm UB KHCN&MT Phan Xuân Dũng nêu rõ.

Báo cáo thẩm tra yêu cầu Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành dự án, đặc biệt là công tác quy hoạch, giao đất giao rừng, phương thức huy động nguồn vốn thực hiện dự án cũng như việc tiếp thu giải quyết kiến nghị giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và cử tri cả nước.

Ngoài ra cần bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ổn định quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, cần có giải pháp hợp lý đối với những diện tích rừng đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trồng rừng sản xuất để đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương.

Thế nào được gọi là “bẩn”

Chiều 11-10, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. Về qui định cơ quan phòng, chống rửa tiền (PCRT) – dự luật quy định: Cơ quan PCRT là đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước VN. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này do Thống đốc NHNN quy định. Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cân nhắc thành lập một cơ quan chuyên về PCRT mà có thể giao cho NHNN làm thường trực.

Về mức giao dịch phải báo cáo, Dự thảo luật không quy định cụ thể mà giao cho NHNN quy định. UB Kinh tế đề nghị cần quy định trong luật về mức giá trị giao dịch phải báo cáo hoặc giao Chính phủ quy định.

Theo quy định hiện hành, giao dịch từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng vàng, ngoại tệ có giá trị tương đương thì phải báo cáo. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ khái niệm về tiền “bẩn”: “Tiền nào là tiền bẩn? Tiền lớn chưa chắc đã bẩn, rửa tiền bẩn mới là tội. Tiền dùng vào mục đích tốt, mục đích nhân đạo, nhưng nguồn từ tiền bẩn thì xử lý thế nào?”.

Ngoài ra, cần có quy định về các hình thức xử lý vi phạm hành chính, hình sự; các biện pháp PCRT, tài trợ khủng bố, trách nhiệm cơ quan trong PCRT.

* Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi. Trên cơ sở đề xuất của ban soạn thảo, UB Kinh tế đề nghị chọn mô hình bảo hiểm tiền gửi Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, giao NHNN VN thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG