Doanh nghiệp muốn “quyền tự quyết” về lương

Doanh nghiệp muốn “quyền tự quyết” về lương
TPO – Phát biểu tại Hội thảo Chính sách tiền lương, ông Trần Chí Dũng, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, VCCI đề nghị, nên để doanh nghiệp tự xây dựng thang, bảng lương cho riêng mình.

 > Tiền lương: Bất bình đẳng, không đủ sống

Công nhân sẽ tự thương lượng tiền lương với chủ doanh nghiệp?
Công nhân sẽ tự thương lượng tiền lương với chủ doanh nghiệp?.

Ông Dũng cho biết, quyết định tăng lương của Chính phủ ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp. Theo đó, mỗi khi lương tăng, sẽ tác động đến giá cả, dịch vụ đầu vào đều tăng lên, chi phí sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, lợi nhuận, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

“Hiện nay có những doanh nghiệp trả mức lương khủng hàng chục nghìn, trăm nghìn đô hay nhiều hơn nữa nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu, đếm trên đầu ngón tay thôi. Hiện gần 500 nghìn doanh nghiệp và hơn 3 triệu hộ kinh doanh cá thể đang vật vã với tình trạng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để trả lương cho công nhân hoặc nợ lương công nhân. Chúng ta phải nhìn nhận là điều chỉnh mức lương có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, gián tiếp ảnh hưởng đến an sinh xã hội và nền kinh tế”. – Ông Dũng nói.

Nói về chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp, ông Dũng cho rằng, những người sử dụng lao động kiến nghị nên để mức lương cho thị trường quy định trên căn cứ các tiêu chuẩn năng suất lao động, hiệu quả làm ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp và căn cứ trên những mục tiêu chuẩn nghề, chức danh nghề và mức độ hoàn thành các tiêu chuẩn đó để định ra mức lương.

“Trong điều kiện kinh tế khó khăn như thế này, cần có sự chia sẻ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Ở các nước phát triển, trong khủng hoảng, thậm chí mức điều chỉnh lương hàng năm còn có cả số âm. Như vậy không nhất thiết kinh tế, đời sống người lao động khó khăn thì chúng ta phải tăng lương, mà chúng ta phải nhìn vào tổng thể nền kinh tế, có lợi cho sự phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế”.

Từ phân tích trên, ông Dũng cho rằng, cách tính mức lương tối thiểu cần phải tính đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp của ngành cũng như của nền kinh tế sẽ công bằng hơn. Nên hạn chế tối đa sự kiểm soát của nhà nước, coi việc tự tính thang, bảng lương là một bí quyết, chiến lược kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp, không chia sẻ với bất cứ cơ quan nào khác.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn để xã hội cho rằng, nếu doanh nghiệp tự xây dựng mức lương, bảng lương thì vai trò quản lý của nhà nước ở đâu. “Nếu thế thì chúng ta đang thả nổi hoàn toàn. Liên kết lao động Việt Nam rất yếu, chưa đủ trình độ để thương lượng với chủ doanh nghiệp”. – Ông Lợi nói.

Phản hồi lại, ông Dũng cho rằng, lương là mức chi trả tiền công cho lao động, cũng là một loại hàng hóa, hoàn toàn xác định do thị trường và nên để thị trường quyết định điều tiết vấn đề này. Ông Dũng vẫn cho rằng, vấn đề chính sách lương, thang bảng lương trong doanh nghiệp cần được giữ bí mật như một bí quyết kinh doanh.

Ông Đặng Như Lợi nêu lên một thực tế, trong các doanh nghiệp, tiền công đều rất cao, mức lương chia bình quân đầu người rất cao, nhưng thực tế lao động được nhận mức rất thấp. Vậy, nếu không có nhà nước ở đây thì ai kiểm soát.

“Họ làm như thế để làm gì, để lợi nhuận chịu thuế không còn, họ thu hồi vốn ngay ở chi phí đầu vào. Đó là tình trạng của các doanh nghiệp tư nhân và dianh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Lãi thì rất cao mà lúc nào cũng kêu lỗ”. – Ông Lợi nói.

Đồng ý với ý kiến của ông Lợi, bà Hoàng Thị Hoa – Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, nếu nhà nước không can thiệp, không thể quản lý được mức lương. “Ví dụ ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ vận dụng mức lương tối thiểu của ta bây giờ, nhưng có công nhân 8 năm trời vẫn nhận mức lương 2 triệu đồng, dù doanh nghiệp đó lãi rất nhiều”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Dương Thu Hương - Nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội tán thành cả hai ý kiến, tuy nhiên theo bà, trong nền kinh tế thị trường, với doanh nghiệp thì nên để họ tuân theo quan hệ cung cầu, tạo điều kiện thu hút lao động và tự quyết định mức lương.

“Nhà nước quản lý việc chấp hành các cơ chế chính sách của nhà nước chứ không can thiệp đến việc doanh nghiệp đó trả lương cho công nhân là bao nhiêu. Nếu nhà nước quản lý việc trả tiền lương thì không hút được người lao động tài giỏi vào làm việc. Cách quản lý của nhà nước để làm sao không có tình trạng công nhân làm việc trong 8 năm vẫn nhận 2 triệu đồng. Đồng thời, cũng quản lý việc doanh nghiệp hạch toán tiền lương, xem người lao động có nhận đủ, đúng không. Còn việc xây dựng mức lương thì hãy cho các doanh nghiệp tự xây dựng mức lương”. – Bà Hương nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.