> Cấp hạn ngạch nhập khẩu đường cho 24 doanh nghiệp
Nông dân lãi 460 đồng/kg mía, còn doanh nghiệp lãi 1.800 đồng/kg đường tại nhà máy. Ảnh: Gia Thọ. |
Tồn kho hơn 400 ngàn tấn
Ông Hà Hữu Phái, chuyên gia mía đường của Hiệp hội cho biết, hiện mức tồn kho tại các nhà máy là 400 nghìn tấn. Nếu ép hết số mía còn lại ra khoảng 230 nghìn tấn, nâng tổng số 630 nghìn tấn đường. “Với mức tiêu dùng bình quân 110 nghìn tấn/tháng, số lượng trên vẫn đủ cho cả nước tiêu dùng đến tháng 8, trước khi vào vụ ép mới” .
Ông Nguyễn Thành Long, TGĐ Cty Mía đường Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội Mía-Đường nhận định: lượng đường tồn kho lớn như vậy, trong khi Bộ Công Thương cho nhập thêm, sẽ khiến giá đường, mía tụt xuống. Điều này khiến các nhà máy sản xuất đường và nông dân trồng mía lao đao.
Hiện một số nhà máy đường phải liên tục hạ giá bán đường, nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn. Một số nhà máy đã tiếp cận ngưỡng thua lỗ, giảm giá mua mía trong tháng 3-2011, và tiếp tục giảm trong tháng 4 này.
Ông Long giải thích, giá đường chiều hướng tuột thì các nhà buôn không mua vì rơi vào tình trạng mua cao bán thấp, sẽ lỗ. Giá đường ổn định hoặc tăng thì nhà buôn mới mua, và còn mua nhiều để dự trữ. Giá đường hạ nên giá mía nguyên liệu (10 chữ đường) tại ruộng từ 1.200 đồng/kg đã giảm còn 1.100 đồng/kg.
Theo niên vụ sản xuất bình thường, các nhà máy đường ở ĐBSCL sẽ kết thúc vào tháng 4, các nhà máy đường ở miền Trung vào tháng 5, một số nhà máy khác vào tháng 6. “Qua cân đối cung cầu, Bộ Công Thương có thể đưa ra kế hoạch nhập khẩu từ đầu năm để các doanh nghiệp chủ động; tuy nhiên thông quan nên từ tháng 7 trở về sau để không gây sức ép lên sản xuất trong nước”, ông Long đề nghị.
Kêu mà vẫn... lãi
Theo tính toán của Hiệp hội Mía - Đường, để nông dân có lãi 460 đồng/kg mía, giá mía (loại 10 CCS) bán tại ruộng phải từ 1.080 đồng/kg (chưa kể giá vận chuyển). Trên cơ sở đó, đối với doanh nghiệp, giá đường chưa thuế tại kho nhà máy là khoảng 18.000 đồng/kg; với giá này, doanh lãi khoảng 10 % (1.800 đồng/kg đường) từ giá bán buôn.
Còn bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Cty CP đường Biên Hòa cho rằng: “Tồn kho ở các nhà máy cũng chỉ mức vừa phải, chứ không nhiều, vì nhiều nhà máy vào vụ sớm, đương nhiên họ tiêu thụ hết sớm. Các doanh nghiệp cần bình tĩnh, giá đường giữ được như hiện nay là mình giữ giá mía được cho người nông dân. Nếu kêu theo kiểu giá đường lao dốc, doanh nghiệp lao đao, là không đúng”.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Chế biến Nông Lâm sản và Thủy sản cho hay, việc Bộ Công Thương cấp quota hoàn toàn phù hợp với cung cầu trong nước. “Giá cả là do thị trường điều tiết. Với giá khoảng 18.000 đồng/kg đường như hiện nay, doanh nghiệp vẫn có lãi”- Ông Hòa nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất sữa lớn ở TPHCM và Hà Nội cho biết giá đường bán buôn trong nước đang có xu hướng hạ trong thời gian gần đây nhưng vẫn ở mức rất cao. Hiện giá bán buôn đường cho các doanh nghiệp giảm từ 20.500 đồng/kg xuống còn 20.200 đồng/kg. So với giá đường Thái Lan và một số nước khác, giá đường bán buôn trong nước của Việt Nam vẫn cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg.
Hiệp hội Mía-Đường Việt Nam cho biết, đến hết tháng 2-2011, Bộ Công Thương đã cấp quota nhập khẩu đường cho các doanh nghiệp năm 2011 là 248.000 tấn. So với mức cam kết với WTO (67.000 tấn), mức trên đã vượt hơn 180.000 tấn. Theo Hiệp hội, niên vụ 2010/2011, dự kiến sản lượng đường cả nước đạt 1,1 triệu tấn, vượt 150-180 nghìn tấn so với dự kiến ban đầu; và vượt 100 nghìn tấn so với dự kiến trước đó (1 triệu tấn) làm căn cứ để Bộ Công Thương cấp quota. Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, sẽ phối hợp với các Bộ, Hiệp hội Mía-Đường và các doanh nghiệp sản xuất, các hộ tiêu thụ lớn xem xét có sự điều chỉnh tiến độ nhập khẩu đường theo các hạn ngạch đã ký. |