TPO - Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho rằng, có một số nơi bán thịt giá rẻ là khi dịch tả heo lan rộng, có nhiều thương lái mua được heo giá hời. Vị này ccho rằng nếu bất ngờ mình hạ giá thịt heo giữa 'tâm bão' thì người dân sẽ nghi ngờ “thịt có vấn đề nên mới bán rẻ”…
Rạng sáng 9/6, Đoàn liên ngành kiểm tra dịch tả heo châu Phi do Ban quản lý ATTP TP dẫn đầu, đã kiểm tra quy trình từ giết mổ heo đến khâu đưa ra thị trường. Trong ảnh: Heo sau khi được giết mổ, cạo lông sẽ được phân ra làm 2 mảnh, gọi là heo mảnh
Mỗi mảnh heo đều được đeo vòng truy xuất nguồn gốc ở 2 chân. Nhân viên kiểm tra từng mã vạch có thông tin mới cho đi tiếp. Thịt heo có "chứng minh thư" đắt hàng trong những ngày dịch tả heo châu Phi hoành hành
Tại công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, mỗi ngày đơn vị này đưa ra thị trường khoảng 1.200 con heo. Dù Vissan có 2 trại chăn nuôi heo nhưng cũng chỉ cung cấp được 20 con/ngày (chiếm 10% tổng số heo giết mổ). Số còn lại, Vissan lấy từ các trại chăn nuôi khác theo quy trình khép kín, có uy tín và đảm bảo không lấy nguồn thịt heo từ những vùng đã có dịch tả heo châu Phi.
“Giá thu mua heo đang nhích lên từng ngày, cách đây 2 ngày đã tăng thêm 3.000 đồng, cụ thể giá thu mua heo hơi là 38.500 đồng/kg. Heo muốn đưa vào đây phải đảm bảo nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, chúng tôi đang mua cao hơn so với thị trường 1.000 đồng/kg đối với heo hơi loại 1” – ông Phú cho hay. Trong ảnh: Chân trước và chân sau được phân biệt theo loại vòng vàng và xanh
Còn theo đại diện hệ thống Sài Gòn Co.op, khi dịch tả heo châu Phi lan trên diện rộng ở các tỉnh phía Nam, từ sức mua thịt heo tại các siêu thị tăng đáng kể (tăng 20% so với cùng kỳ). Lý do là người dân chọn nơi tin tưởng, có uy tín để mua thịt. Hiện, Sài Gòn Co.op tiêu thụ trung bình khoảng 30 tấn thịt heo/ngày.
Khi bàn về vấn đề cấp đông thịt heo, Vissan thừa nhận không mặn mà vì chi phí đội thêm 7.000-8.000 đồng/kg thịt, chưa kể tâm lý người dân thích dùng thịt nóng, giờ đưa thịt mát ra nhưng khách hàng không chấp nhận thì ôm lỗ là cái chắc.. Trong ảnh: Dùng máy để kiểm tra lượng mỡ. Từ lượng mỡ này sẽ xác định là heo mảnh loại 1 hay 2, từ đó quy ra giá tiền trả cho đơn vị cung cấp. Sau đó, heo mảnh được đưa vào làm mát rồi mới pha lóc
“Virus dịch tả heo châu Phi có thế tồn tại cả ngàn ngày trong môi trường khắc nghiệt nhất. Nhiều địa phương cho biết đã tính đến chuyện cấp đông thịt heo sạch để dự trữ, khi dịch qua, nguồn cung hiếm sẽ đưa ra thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trong số heo cấp đông đó có đảm bảo 100% không có virus dịch tả heo châu Phi? Bởi nếu virus này hoạt động lại sau thời gian “ngủ đông” thì thiệt hại rất khó lường” – bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM lo lắng. Bà Lan đề nghị nhà cung cấp có giá ưu đãi hơn trong mùa dịch để người tiêu dùng tăng mua.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho rằng, có một số nơi bán thịt giá rẻ là khi dịch tả heo lan rộng, có nhiều thương lái mua được heo với giá hời là do hộ chăn nuôi lo lắng nên bán heo để chạy dịch. Tuy nhiên tình trạng thịt có giá rẻ này không kéo dài lâu và số lượng cũng không nhiều. Dẫu vậy, vị này cũng cho rằng nếu bất ngờ mình hạ giá thịt heo giữa tâm bão thì người dân sẽ đặt nghi ngờ “thịt có vấn đề nên mới bán rẻ”… Trong ảnh: Thịt heo được đưa đến siêu thị, chuẩn bị cung cấp cho thị trường
Liên tiếp trong 2 đêm ngày 8-9/6, Đoàn liên ngành kiểm tra dịch tả heo châu Phi tại TPHCM căng mình giám sát những điểm chốt chặn, chợ đầu mối, cơ sở giết mổ và điểm phân phối thịt heo ra thị trường, nhằm mục đích phòng ngừa, không để dịch tả heo châu Phi vào TPHCM.
Thời gian heo về siêu thị khoảng 3h30 sáng. Từng khay thịt đều có vòng truy xuất
Cán bộ an toàn thực phẩm đang kiểm tra thông tin trên vòng. Khi trùng khớp với sản phẩm mới cho nhập kệ
Tại siêu thị, nhân viên sẽ pha lóc nhỏ thịt để bán cho khách hàng
Thịt heo được phân ra từng loại để khách hàng dễ chọn lựa. Đây là quy trình khép kín từ khâu giết mổ, pha lóc đến tiêu thụ tại các đơn vị có uy tín ở TPHCM
“Đối với nguồn heo ở chợ đầu mối, sau khi pha lóc và đưa về các quầy sạp ở chợ truyền thống thì phần nhiều mất vòng, không có tem truy xuất nguồn gốc… Không loại trừ có tình trạng tiểu thương trộn hàng với heo từ các nơi khác để bán rất nguy hiểm. Tôi không nói thịt đó không an toàn nhưng rõ ràng cần hướng tới sản xuất có kiểm tra, kiểm soát” – bà Phong Lan, Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM nhấn mạnh.