Doanh nghiệp kêu trời vì Hà Nội thay đổi giấy đi đường mới

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người dân tại Hà Nội
Cảnh sát kiểm tra giấy đi đường của người dân tại Hà Nội
TPO - Kể từ khi thực hiện giãn cách xã hội, thành phố Hà Nội đã 4 lần đổi mẫu giấy đi đường. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể cách thức cấp đổi khiến các doanh nghiệp chưa được cấp giấy, thậm chí có doanh nghiệp không biết nộp hồ sơ cho đơn vị nào.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Cty CP thực phẩm an toàn Tâm Thành – đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống (rau, củ quả, thịt) các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, sau khi biết thông tin, ngay ngày 4/9, công ty bà đã gửi hồ sơ giấy tờ đăng ký cấp giấy đi đường nhưng đến nay chưa nhận được thông tin phản hồi.

Doanh nghiệp kêu trời vì Hà Nội thay đổi giấy đi đường mới ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp chưa được hướng dẫn gửi hồ sơ xin cấp giấy đi đường ở đâu.

Bà Vân Anh cho hay, công ty cung cấp thực phẩm sạch cho các nhà máy đang thực hiện làm việc 3 tại chỗ. “Chúng tôi kinh doanh thực phẩm thiết yếu nhưng không phải dịch vụ công ích, lại không có trong 6 nhóm mà thành phố quy định nên chưa biết thực hiện đăng ký theo cách nào, không biết qua sở chuyên ngành hay công an? Chúng tôi hỏi công an thì họ nói gửi sang phường nhưng rất phức tạp. Các sở chuyên ngành như công thương, NN&PTNT mới có thông báo chung chung chưa hướng dẫn cụ thể”, bà Vân Anh bày tỏ lo lắng.

Theo bà Vân Anh, hàng hóa được công ty nhập từ nhiều vùng khác nhau; rau ở Sơn Tây (vùng xanh), thịt nhập ở vùng cam (Thường Tín), sau đó lại di chuyển lên giao cho khách ở nhà máy thuộc vùng khác. Nếu chỉ cấp giấy đi đường trong vùng hoặc từ nhà đến cơ quan thì doanh nghiệp không biết phải xoay sở thế nào. “Ngay ngày 4/9, công ty phải ký cam kết với các doanh nghiệp không để đứt gãy chuối cung ứng. Nhưng đến giờ, sau khi gửi hồ sơ đăng ký cho khoảng 20 nhân viên, công ty cũng chưa nhận được thông tin phản hồi. Với tình hình này, công ty phải chấp nhận cho nhân viên sử dụng giấy cũ và chuẩn bị thêm các giấy tờ cho những người đi ra đường như giấy xét nghiệm, tiêm chủng”, bà Vân Anh nói.

Anh T. B. đại diện chuỗi nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng yêu cầu nhà thuốc ở địa bàn nào thì xin giấy đi đường ở địa bàn đó. “Muốn đăng ký cấp giấy đi đường nhân viên phải cung cấp đăng ký kinh doanh, hợp đồng lao động của nhân viên nhưng oái oăm là quy định mới ban hành trong mấy ngày nghỉ lễ, công ty chưa thể công chứng ngay được. Có nơi nhân viên nộp được hồ sơ, có nơi vẫn chưa liên lạc được. Đến giờ chúng tôi chưa biết làm thế nào”, anh B. lo lắng.

Còn chị N. T. nhân viên công ty BĐS trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm cho hay, tại trụ sở chính, nhân viên công ty đã được yêu cầu làm việc ở nhà. Tuy nhiên, tại công ty vẫn phải bố trí người trực các công việc liên quan đến hồ sơ, giấy tờ vì các dự án ở tỉnh vẫn đang triển khai. “Ngay khi có thông tin, chúng tôi liên lạc với công an khu vực để gửi thông tin nhưng cũng chỉ được hướng dẫn gửi thông tin chung chung, không có hướng dẫn hồ sơ, đến nay cũng chưa được hồi âm”, chị T cho biết.

Một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp với quy mô hàng nghìn lao động có trụ sở chính đóng tại quận Đống Đa mấy ngày nay liên tục trao đổi với cảnh sát khu vực nhưng chưa thể thống nhất. Cảnh sát khu vực yêu cầu nộp bản in giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có danh mục ngành nghề. Trong khi, từ khi có luật Doanh nghiệp năm 2014 đến nay, giấy đăng ký doanh nghiệp không còn ghi danh mục ngành nghề. Nếu muốn biết ngành nghề đăng ký, cảnh sát khu vực có thể tra ngay trên mạng tại cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp (dangkykinhdoanh.gov.vn).

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.