Doanh nghiệp 'kêu' phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong các vướng mắc, khó khăn, bất cập được các doanh nghiệp thủy sản phản ánh thời gian gần đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, có nội dung quan ngại việc có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản và các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thủy sản.

Trong các vướng mắc, khó khăn, bất cập được các doanh nghiệp (DN) thủy sản phản ánh thời gian gần đây là việc quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm.

Theo VASEP, dưới góc độ quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra là hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo kỷ cương và pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích từ việc thanh tra, kiểm tra đem lại, một vấn đề nổi lên không kém phần nan giải.

Theo VASEP, có tình trạng hiện nay nhiều DN phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng chú ý, cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau, đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Doanh nghiệp 'kêu' phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra ảnh 1

Xuất khẩu thủy sản 11 tháng năm nay giảm hơn 19% so với cùng kỳ, trong đó cá tra vẫn là mặt hàng giảm sâu nhất. Ảnh: CK.

Theo VASEP, hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho DN, phần nào làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn như: Đơn hàng và giá cả sụt giảm, thiếu hụt lao động sản xuất, chi phí đầu vào tăng liên tục…

VASEP cho rằng điều này đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017: “Khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN...”

VASEP kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; cắt giảm hoạt động thanh tra, kiểm tra không cần thiết đối với DN, thực hiện đúng theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Chính phủ.

Bên cạnh đó, VASEP cũng báo cáo các vướng mắc, bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định hành chính, chính sách thuế, như: Bất cập trong hướng dẫn về mức thuế giá trị gia tăng đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản; bất cập trong việc xuất hóa đơn hàng bán bị trả lại (hay trả lại hàng mua) của DN; khó khăn trong kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với hóa đơn của cơ sở kinh doanh bỏ trốn, ngừng hoạt động, bị đóng mã số thuế, cưỡng chế hóa đơn…

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng năm nay đạt gần 8,27 tỷ USD, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm mạnh nhất là mặt hàng cá tra khi đạt gần 1,7 tỷ USD (giảm hơn 26%); tiếp đến là tôm đạt hơn 3,1 tỷ USD (giảm hơn 22%); cá ngừ đạt gần 774 triệu USD (giảm hơn 18%); mực, bạch tuộc đạt hơn 606 triệu USD (giảm hơn 13%)…

Dự báo XK thủy sản cả năm ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD (giảm 21%); cá tra ước 1,8 tỷ USD (giảm 25%); cá ngừ đạt 850 triệu USD (giảm 15%); mực, bạch tuộc khoảng 660 triệu USD (giảm 14%)...

MỚI - NÓNG