Hoạt động phân phối thuốc ở chợ dược đang gặp khó. Ảnh: L.N. |
Phản ánh của nhiều công ty dược ở Trung tâm thương mại dược phẩm trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM, nhiều ngày qua việc buôn bán bị xáo trộn do Quyết định số 681/QĐ-SYT của Giám đốc Sở Y tế TPHCM ký ngày 3-7.
Theo quyết định này, các cơ sở bán buôn thuốc tại các trung tâm bán buôn thuốc có giấy chứng nhận GDP hết hạn trước ngày 31-12-2011 được gia hạn thêm một năm; hết hạn sau ngày 31-12-2011 được gia hạn đến 31-12-2012.
Điều này có nghĩa, sau thời điểm trên, có hơn 100 cơ sở bán buôn thuốc tại các Trung tâm bán buôn thuốc ở TPHCM sẽ không đủ tiêu chuẩn phân phối thuốc.
Trong khi đó, Thông tư 48/2011/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 5-2-2012, nêu rõ: “Giấy chứng nhận GDP có thời hạn hiệu lực 3 năm kể từ ngày ký. Các giấy chứng nhận được cấp trước đây có thời hạn hiệu lực là 2 năm được tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động thêm 1 năm kể từ ngày hết hạn”.
Theo những gì mà Thông tư đưa ra, các công ty dược được cấp chứng nhận GDP dù có hết hạn trong năm 2012 hay được cấp trong năm 2012 có thời hạn đến 2014 hoặc 2015.
Ông D. Giám đốc công ty dược phẩm T.Đ, ở khu chợ dược, cho biết công ty vừa được cấp giấy chứng nhận GDP vào ngày 27-7-2011 và có giá trị 2 năm.
Tuy nhiên, theo quyết định của Sở Y tế TPHCM thì giấy chứng nhận GDP này chỉ có giá trị đến 31-12-2012.
“Để cấp được giấy GDP phải mất vài tháng. Nay có được giấy rồi, lại lo vì chỉ còn 5 tháng nữa là có giấy hết hạn”- ông D. than phiền.
Một đại diện cho công ty dược N.Y. ở Trung tâm Phân phối thuốc quận 10 cũng lo lắng khi giấy chứng nhận GDP của công ty có giá trị đến 25-2-2014 mới hết hiệu lực, nhưng “áp” thông báo của Sở Y tế TPHCM thì đến 31-12-2012 giấy chứng nhận GDP cũng hết tác dụng.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 27-8, ông Dương Văn Nhân- Giám đốc Trung tâm thương mại dược phẩm, nơi đang có hơn 140 công ty dược hoạt động, cho biết đã gửi đơn lên lãnh đạo Sở Y tế TPHCM để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh tại trung tâm.
“Việc hoàn thiện khâu phân phối dược theo chủ trương của Bộ Y tế do một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh là cần thiết. Tuy nhiên đây là mô hình mới nên cần có thời gian và lộ trình để chuyển đổi, tránh gây xáo trộn doanh nghiệp và thị trường thuốc” - ông Nhân cho biết.
Về vụ việc này, đại diện Sở Y tế TPHCM đã từ chối bình luận khi phóng viên đặt vấn đề. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, nguồn cơn của sự việc là trước đó, tháng 4-2011, Bộ Y tế đã có công văn 2057/BYT-QLD nêu rõ: Việc phát triển thêm các trung tâm bán buôn thuốc cần tính đến để phù hợp với quy hoạch hệ thống phân phối thuốc. Theo đó, Bộ chủ trương khuyến khích mô hình trung tâm phân phối thuốc do một doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh (chịu trách nhiệm hoàn toàn về nguồn gốc thuốc, bảo quản, đầu mối quản lý bán thuốc). Bộ Y tế không khuyến khích việc thành lập các trung tâm bán buôn thuốc dưới hình thức các doanh nghiệp chỉ thuê địa điểm và hoạt động độc lập. |