Sản phẩm điện tử nhập khẩu nguyên chiếc ngày càng tung hoành ở thị trường VN. Ảnh: Đại Dương. |
Hàng ngoại chiếm thị trường nội
Giám đốc hệ thống siêu thị điện máy Thiên Hòa, ông Bùi Tấn Cường cho biết, sản phẩm sản xuất nội địa đã từng chiếm đến 70-80% doanh số bán hàng của hệ thống siêu thị này, nay chỉ còn một nửa. Doanh thu tivi nhập khẩu đã tăng từ 30% lên đến 60%. Tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ và máy giặt nhập khẩu chiếm đến hơn 50% thị phần; đặc biệt là đồ gia dụng chiếm đến hơn 80% và thiết bị kỹ thuật số gần như 100%.
Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, “thủ phạm” chính khiến hàng điện tử nhập khẩu gia tăng mạnh là thuế nhập khẩu hàng điện tử cắt giảm mạnh theo lộ trình cắt giảm thuế của khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).
Không chỉ dừng ở mức 5% như hiện nay, mức thuế nhập khẩu hàng điện tử khu vực AFTA sẽ còn tiếp tục giảm vào những năm tới. Việt Nam dự định cắt thuế nhập khẩu từ 1 đến 6% đối với 1.000 mặt hàng điện tử. Do đó, thay vì đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp điện tử trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển sang nhập khẩu để cung cấp cho các nhà bán lẻ trong nước.
Nối gót Sony đóng cửa nhà máy sản xuất vào năm 2008, các doanh nghiệp FDI khác cũng lần lượt chuyển hướng sang nhập khẩu và phân phối. Một vị đại diện Toshiba Vietnam cho biết, Cty đã dừng lắp ráp màn hình LCD vào năm ngoái và bắt đầu nhập khẩu mặt hàng này. JVC Vietnam cũng đang tạm ngưng sản xuất…
Trong khi đó, tỷ giá đồng USD gần đây đã hạ nhiệt cùng với việc các mặt hàng điện tử trên thế giới ngày càng nhiều nên các DN tận dụng thời cơ nhập khẩu số lượng lớn. Điều này đã khiến các DN trong ngành điện tử Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Lãnh đạo một DN trong ngành này cho biết doanh số 6 tháng đầu năm nay của Công ty ước chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi sẽ không đạt được kế hoạch năm nay”- vị lãnh đạo DN nói.
Ngừng sản xuất, bán bớt tài sản
Do quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài tại các nước lớn hơn rất nhiều so với DN Việt Nam, nên giá thành sản phẩm thấp hơn sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam 5-7%. Tình thế này buộc DN trong nước phải thu hẹp sản xuất, đồng thời lựa chọn những sản phẩm có nhiều ưu thế, hoặc sản phẩm ít cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nhập khẩu.
Một phó giám đốc (đề nghị không nêu tên) Công ty CP điện tử Tân Bình (VTB) cho biết công ty lựa chọn phát triển hai dòng sản phẩm chính là đầu karaoke và lắp ráp tủ lạnh. VTB phát triển đầu karaoke nhờ vào phần mềm do chính công ty phát triển trên cơ sở đầu đĩa DVD. Và đây là sản phẩm mà VTB có thể đem lại lợi nhuận.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 5, tổng giá trị nhập khẩu hàng điện tử, tin học và điện máy đã xấp xỉ 2 tỷ USD. Riêng trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này đạt 1,76 tỷ USD. |
Riêng về tủ lạnh, do chi phí vận chuyển tủ lạnh nguyên chiếc cồng kềnh nên sản phẩm nhập khẩu về đến Việt Nam thường cao hơn 5-7% so với sản phẩm cùng loại lắp ráp trong nước. Bởi vậy, DN trong nước có thể cạnh tranh được.
Theo vị phó giám đốc VTB, vì khó cạnh tranh, các DN có kế hoạch ngắn hạn. Tạm ngưng sản xuất, bán bớt tài sản để gửi ngân hàng lấy tiền lãi. Hoặc sống nhờ... cho thuê mặt bằng làm kho bãi cho DN nước ngoài.
Thậm chí có doanh nghiệp phải sản xuất “hàng chợ” với giá rẻ để bán ở các kênh phân phối truyền thống tại thị trường nông thôn, những vùng sâu vùng xa. VTB thì đang đàm phán làm nhãn hàng riêng cho các siêu thị, tuy lợi nhuận rất thấp nhưng vẫn chấp nhận, nhằm duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, nguyên Giám đốc Công ty XNK Điện tử (Viettronimex, thuộc Tổng Cty điện tử Việt Nam) cho biết: Các DN trước đây chỉ lo lắp ráp thì giờ đây đã hụt hơi và ngày càng hụt hơi. Tại TPHCM và một số tỉnh lân cận, những DN có mặt bằng trong thành phố đang chuyển thành các dự án bất động sản và chuyển bộ phận sản xuất đến những nơi xa hơn.