Doanh nghiệp dệt may lâu đời bất ngờ 'bẻ lái' làm bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một trong những doanh nghiệp dệt may lâu đời tại TPHCM là Garmex Sài Gòn (mã GMC) vừa công bố thông tin, từ tháng 5/2023 đến nay đã tạm ngưng sản xuất hàng may mặc do chưa nhận được đơn hàng. Công ty liên tục thanh lý tài sản, chuyển hướng sang lĩnh vực mới như vận tải hàng hóa, bất động sản. 

Theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), Công ty CP Garmex Sài Gòn (mã GMC) vừa thực hiện cung cấp thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

GMC cho biết, năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, thiếu đơn hàng để hoạt động, đơn hàng nhỏ, năng suất thấp, giá gia công cạnh tranh dẫn đến doanh thu không bù đắp chi phí. Công ty đã phải tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Từ tháng 5/2023 đến nay, công ty tạm ngưng sản xuất (bao gồm may trang phục và tủ vải) do chưa nhận được đơn hàng. GMC chỉ giữ lại nhân sự kho của các nhà máy và một số nhân viên nghiệp vụ gián tiếp để bảo quản hàng lưu kho, rà soát các tài sản không còn dùng để chuẩn bị thanh lý nên vẫn phát sinh chi phí cho ngành hàng may (dù không có doanh thu).

Doanh nghiệp dệt may lâu đời bất ngờ 'bẻ lái' làm bất động sản ảnh 1
GMC đang tạm ngưng sản xuất do chưa nhận được đơn hàng.

Để giảm thiểu thiệt hại, công ty đang tiến hành khai thác tài sản hiện có để vượt qua khó khăn. Cụ thể, tháng 9-10/2023, công ty đã bán thanh lý 1 số máy móc thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Đến tháng 12, công ty tiếp tục đấu giá thêm xe ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp nhưng chỉ đấu giá thành công lô máy giặt, máy sấy công nghiệp.

Tuy nhiên, theo GMC, hội đồng quản trị công ty không có quyết định về tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh. Công ty cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề liên quan.

Trong bối cảnh trên, GMC cho biết đang thử sức với lĩnh vực mới. Sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM chấp thuận bổ sung ngành nghề kinh doanh mới, công ty đã tham gia hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và chỉ còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.

Bên cạnh đó, GMC đẩy mạnh tham gia mảng bất động sản khi góp thêm hơn 4,3 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Phú Mỹ - công ty liên kết của GMC, đồng thời là chủ đầu tư của dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ. Tổng số vốn mà công ty đã góp vào công ty liên kết này tính đến thời điểm hiện tại hơn 23,9 tỷ đồng.

Vừa qua, GMC thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản. GMC có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5 ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của công ty và chuyển nhượng thửa đất 2.6ha tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (công ty con do Garmex sở hữu 100% vốn).

GMC thua lỗ liên tiếp 2 năm (2022-2023), lần lượt 85 tỷ đồng và 52 tỷ đồng, đến nay lỗ lũy kế gần 74 tỷ đồng. Trong suốt quá trình niêm yết từ năm 2006 đến nay, đây là lần đầu tiên công ty rơi vào tình cảnh bết bát.

GMC tiền thân là Công ty Cổ phần sản xuất thương mại may Sài Gòn, được thành lập vào năm 1976 với khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, GMC được cổ phần hóa và niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM với mã chứng khoán GMC từ năm 2006. Năm 2019, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn như hiện nay.

MỚI - NÓNG