Sáng 19/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng chủ trì Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ hiện, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.
Số lượng ít ỏi như vậy cùng với năng lực sản xuất quá thấp nên công nghiệp hỗ trợ lâu nay vẫn là khâu yếu trong các chuỗi sản xuất. “Nếu các doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết với đất nước thì không thể tạo “bánh đà” cho nền công nghiệp và Việt Nam không thể có những sản phẩm mạnh tự thân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần coi công nghiệp hỗ trợ là ngành trọng yếu, là nền tảng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.
Chia sẻ từ câu chuyện mấy chục năm phát triển của Thaco, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương cho rằng, công nghiệp ô tô là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, thiết bị tự động hoá….
“Những ngành công nghiệp phụ trợ này phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước, tạo ra giá trị xản xuất công nghiệp, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Dương cho hay.
Thực tế hoạt động từ 2003 đến nay, ông Dương cho biết, để có thể đạt tỷ lệ nội địa hoá các dòng xe lắp ráp như 35-40% với xe tải, 55-60% với xe bus, 25% với xe con thì doanh nghiệp cũng đã “vật vã” qua các bước thử nghiệm, đi dần từ làm xe tải, tới xe bus, sau mới tới dòng xe cá nhân, đầu tiên là gia công xe của các hãng Hàn (Huyndai, Kia) rồi mới tới các dòng xe Nhật và xe châu Âu như BMW.
“Dù không dễ dàng gì, những bước phát triển ổn định cho ngành công nghiệp hỗ trợ đã hình thành. Cũng như việc xây nhà mà mọi loại vật liệu đều phải nhập, chỉ cát, đá, xi măng có thể tự cung cấp thì không hiệu quả, công nghiệp hỗ trợ chính là cơ hội mang lại những sản phẩm mang giá trị Việt”, ông Dương nói.