Doanh nghiệp đang bị bóc lột?

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng Ảnh: Phạm Anh
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng Ảnh: Phạm Anh
TP - Hôm qua, 28-6, tại hội thảo “Thách thức kinh tế vĩ mô, khó khăn thanh khoản của nền kinh tế và giải pháp cho DN” do Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức, cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, cho rằng các ngân hàng đang lợi dụng độ trễ của chính sách, neo lãi suất cho vay cao, bóc lột doanh nghiệp.

> Lỗ hổng logistics

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng Ảnh: Phạm Anh
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng.  Ảnh: Phạm Anh.

Vay ngân hàng làm ăn là lỗ

PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho biết: Lãi suất cho vay bình quân của Ngân hàng thương mại (NHTM) 6 tháng đầu năm nay từ 17,5-18,5%.

Mức này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ hiệu quả vốn đầu tư trước thuế của DN (chỉ 12-13%), nên DN làm ăn càng thua lỗ. Hiện DN đang bị thu hẹp sản xuất, tỷ lệ thua lỗ, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản ngày càng cao; chỉ số sản xuất và tiêu dùng của ngành công nghiệp, chỉ số tồn kho cao.

Theo số liệu phân tích hơn 700 DN đang niêm yết, tình trạng thanh khoản đang rất căng thẳng. Trong quý I-2012, số DN an toàn chiếm 16% số doanh nghiệp, gần 48% doanh nghiệp trong tình trạng xấu, và 35% số DN có khả năng phá sản.

Chuyên gia kinh tế - TS. Phạm Đỗ Chí cho biết, dù NHNN hạ trần lãi suất huy động từ 14% còn 9%, nhưng lãi suất cho vay hiện vẫn rất cao, cho thấy NHTM tâm lý lo ngại về tình trạng xấu của DN.

Trong khi NHNN không có chính sách hút tiền về qua tín phiếu, đã đẩy mức lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) xuống mức rất thấp.

70% DN đang làm ăn thua lỗ

Theo Tổng cục Thuế, thống kê tờ khai thuế của 256.000 DN, trong số 446.000 DN đang hoạt động trên cả nước, qua quý I-2012 cho thấy, có tới 70% số DN đang thua lỗ.

Dẫn theo tham luận của PGS-TS Đào Văn Hùng

Khi không đưa được vốn huy động ra thị trường luân chuyển, các NHTM đang đối mặt với nhiều nguy cơ không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận, hoạch định tài chính, thậm chí là thua lỗ.

TS Chí cũng cho rằng hệ thống ngân hàng đang bị nghẽn mạch, cần khơi thông. Trong 5 tháng đầu năm 2012, tiền gửi tăng hơn 5,4%, tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 4,4%, nhưng tín dụng âm (-0,8%).

Đáng chú ý là tín dụng âm lớn (-2%) trong tháng 5 trong khi đã được tăng gần 1,2% trong tháng tư. Theo TS Chí, đây là hiện tượng đảo nợ cho doanh nghiệp, dùng vốn mới của ngân hàng thay nợ cũ, không phải cho DN vay mới để sản xuất.

Mặt khác, NH còn tránh rủi ro bằng cách không cho DN nhỏ và vừa vay mới, lấy tiền mua trái phiếu Chính phủ hay tín phiếu NHNN. Theo chuyên gia kinh tế, điều đáng lo ngại nữa là nguồn vốn đang chảy vào đầu tư công, là khu vực kém hiệu quả nhất.

“Dân gửi tiền tăng, dù lãi suất xuống mạnh, ngân hàng thừa tiền nhưng không cho DN tư vay, tiền vào trái phiếu Chính phủ do ngân sách huy động để chi tiêu công. Như vậy, vấn đề bội chi ngân sách nhảy vọt và tăng nợ công sẽ xảy ra trong phần còn lại của năm 2012. Thật sự nó đang đi ngược lại Nghị quyết 13 của Chính phủ vừa ban hành”- TS Chí nói.

Độ trễ không thể 6 tháng được

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, mấu chốt là làm thế nào để chuyển khả năng thanh khoản sang các thành phần kinh tế.

Hiện DN không tiếp cận được vốn là do còn nợ xấu. Nếu không có cách nào để xử lý nợ xấu thì NHTM không cho DN vay, còn nếu vay được thì lãi suất cực cao, mà cao thì đương nhiên DN không vay được.

Thứ nữa, những DN không có nợ xấu, thì do cầu thấp, có vay cũng không làm gì cả, nên phải hướng đến chuyện hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, để anh nào có khả năng vay được sẽ vay, sản xuất, kinh doanh từ đó kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Tuyển băn khoăn: “Tôi thắc mắc với các nhà hoạch định chính sách và một số chuyên gia, họ nói lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay không giảm liền là do độ trễ của chính sách. Tôi nói, đó là lợi dụng độ trễ chính sách để bịp thiên hạ, bóc lột DN. Không thể có chuyện thế được. Độ trễ chính sách thì cùng lắm là 15 đến 20 ngày, một tháng là cùng, không thể có 3 tháng, có nơi đến 6 tháng được. Đến nay lãi suất huy động đã giảm 5%, nhưng lãi suất cho vay bình quân giảm chưa đến 1%. Rõ ràng, việc giảm lãi suất huy động có lợi cho ai, tôi thấy không ổn, không thông ở chỗ này”.

Theo ông Tuyển, nhà nước phải giải quyết tính thanh khoản, trong thời gian ngắn, ở khâu thiết yếu nhất, rồi sau đó để thị trường tự giải quyết, chứ nhà nước không thể giải quyết hết được. Sau đó, chuyển sang mục tiêu khác là giải quyết vấn đề lạm phát với tăng trưởng, theo phương châm, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG