Ngày 5/5, tại buổi tọa đàm “Giải pháp hạn chế tranh chấp lao động tập thể và cá nhân tại cơ sở” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức, ông Phạm Chí Tâm - Phó chủ tịch LĐLĐ TP cho biết, trong năm 2021 dù thành phố có 4 tháng giãn cách do dịch COVID-19 nhưng đã có 7 vụ ngừng việc tập thể và đình công, trong đó doanh nghiệp (DN) FDI có 4 vụ, DN ngoài nhà nước có 3 vụ.
Công nhân mua hàng tại phiên chợ nghĩa tình ngày 29/4 |
Những địa bàn có công nhân ngừng việc tập thể gồm huyện Củ Chi (2 vụ), TP Thủ Đức (1 vụ), quận Bình Tân (2 vụ), huyện Bình Chánh (1 vụ), quận Tân Bình (1 vụ).
Theo ông Tâm, nguyên nhân các cuộc đình công này đa số liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động (NLĐ) chưa được đảm bảo như: thưởng Tết; thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian qui định; không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương thưởng cuối năm...
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của công đoàn các đoàn thể, doanh nghiệp |
”Năm 2021 do dịch bệnh nên số lượng các cuộc ngừng việc tập thể có giảm; song vẫn còn nhiều diễn biến khó lường trong năm 2022. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, nhiều DN gặp khó sau dịch, bị cắt giảm đơn hàng phải thu hẹp sản xuất, chủ bỏ trốn hoặc công ty giải thể, phá sản... ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của NLĐ; tình hình vi phạm pháp luật lao động, nợ BHXH của các DN vẫn còn xảy ra với số lượng không nhỏ…” – ông Tâm nhìn nhận.
Ở góc độ chăm lo an sinh, chi trả quyền lợi cho NLĐ, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, nhìn nhận, ngoài nguyên nhân do tác động của ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, một số DN phải hoạt động cầm chừng, việc làm và thu nhập của NLĐ không ổn định dẫn đến không có khả năng đóng BHXH đúng hạn thì vẫn còn không ít DN có biểu hiện cố tình chây ỳ để chiếm dụng tiền đóng BHXH.
Ngoài lương, thưởng, công nhân mong muốn DN quan tâm hơn đến đời sống tinh thần |
Số liệu cơ quan BHXH TPHCM cho thấy, năm 2021, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 2.241 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,36% (sau khi trừ nợ dưới 1 tháng và nợ khó thu khoản 1.461 tỷ). Tính đến 31/3/2022, số nợ BHXH bắt buộc là 4.058,86 tỷ đồng, sau khi trừ nợ dưới 1 tháng là 171,18 tỷ đồng thì số tiền nợ còn lại là 3.887,68 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,84% so với kế hoạch thu BHXH bắt buộc.
“Những DN trốn đóng, nợ đọng bảo BHXH, BHYT không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ” – bà Dung nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, trong năm qua, đơn vị này đã nhận 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo của NLĐ đối với đơn vị sử dụng lao động. Bà Thục cho rằng, nhiều DN chưa nắm hết quy định của pháp luật đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ; NLĐ cũng chưa nắm, chưa hiểu hết các quy định về quyền lợi của mình nên bị xâm hại mà không biết; một số tổ chức công đoàn chưa thực sự được NLĐ tin tưởng, chưa trở thành cầu nối gắn kết giữa NLĐ và DN…