Doanh nghiệp chủ động xét nghiệm cho người giao hàng

0:00 / 0:00
0:00
Hãng xe công nghệ tự xét nghiệm tài xế và tự chịu trách nhiệm ảnh: U.P
Hãng xe công nghệ tự xét nghiệm tài xế và tự chịu trách nhiệm ảnh: U.P
TP - Từ hôm nay (24/9), một số hãng xe công nghệ tại TPHCM sẽ tự tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho shipper (người giao hàng) và tự chịu trách nhiệm. Được tập huấn, nhưng một số hãng xe vẫn lo ngại thiếu nhân lực làm xét nghiệm hoặc rủi ro khi tự lấy mẫu.

Quá tải

Những ngày qua, các trạm y tế lưu động xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho shipper đều quá tải do lực lượng này đăng ký rất đông. Nguyên nhân là khi được nới thêm thời gian hoạt động, thành phố nới giãn cách ở nhiều quận huyện “vùng xanh”, người giao hàng được hoạt động liên quận.

Anh Võ Toàn (ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12), tài xế giao hàng công nghệ cho biết: “Ba ngày nay, tôi không được mở app (ứng dụng) chạy hàng vì không thể chen chân xếp hàng xét nghiệm mỗi buổi sáng.

Từ 4 giờ sáng, tôi đến một trạm y tế lưu động để xét nghiệm nhưng đã thấy dòng người xếp dài cả trăm mét. Khi gần đến lượt mình thì cán bộ y tế thông báo hết kít test. Tôi vội chạy tìm nơi khác, đến nơi vừa hơn 6 giờ, trạm thông báo… hết giờ. Vậy là đành về vì không được xét nghiệm, không thể nhận đơn hàng”.

Theo Sở Công thương TPHCM, lượng người giao hàng xe công nghệ đăng ký hoạt động và xét nghiệm hiện tại tăng rất nhanh, lên trên 92.000 người. TPHCM đang bố trí khoảng 400 điểm y tế lưu động. Việc thực hiện xét nghiệm gộp 3 người và xét nghiệm 3 ngày/lần nên mỗi điểm bình quân chỉ phải xét nghiệm hơn 76 mẫu.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin Truyền thông hướng dẫn cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ cách lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời hướng dẫn cách thức cập nhật dữ liệu lên ứng dụng y tế. Sở nhận 63.000 kit test từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và sẽ chuyển giao để các doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho đội ngũ shipper.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương nhìn nhận, khi số người giao hàng đăng ký hoạt động tăng lên, dẫn tới một số địa điểm xét nghiệm bị quá tải. Sở Công Thương và các ban ngành tham mưu cho lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp giao hàng công nghệ cũng có đề xuất để họ tự liên hệ các bệnh viện tổ chức xét nghiệm riêng cho người giao hàng. “Để doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm là xu hướng bắt buộc phải thực hiện khi thành phố từng bước mở cửa lại kinh tế. Việc này vừa nhanh chóng, vừa thuận lợi và vừa đảm bảo an toàn. Nếu tổ chức thông qua các đơn vị y tế sẽ rất khó khăn và đặc biệt không đảm bảo an toàn”, ông Phương nói.

Chi phí hợp lý

Ông Nguyễn Việt Linh - đại diện BeGroup cho biết, hãng có phương án tự tổ chức xét nghiệm kể từ ngày 24/9. Đơn vị này đã liên hệ với bệnh viện, cơ sở y tế với chi phí xét nghiệm hợp lý nhất, khoảng 75.000 đồng/lần xét nghiệm (giấy xét nghiệm có hiệu lực trong 3 ngày.

“Chúng tôi phối hợp cùng chính quyền địa phương, đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng cho tài xế của mình. Tài xế được xét nghiệm linh hoạt trong ngày và có kết quả ngay sau 30 phút, nhận kết quả trực tuyến. Thông tin được cập nhật trên ứng dụng “Y TẾ HCM” của Sở Y tế để tiện tra cứu”, ông Linh nói.

Hãng Grab cũng hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho đối tác hai bánh GrabBike tại TPHCM có giá trị lên đến 300.000 đồng cho các tài xế có mức độ gắn kết cao trong tuần. Để đạt được hỗ trợ này, tài xế Grab phải chạy tối thiểu 10 khung giờ hoặc 10 ca mỗi tuần. Còn ứng dụng giao đồ ăn Baemin tài trợ 100% chi phí xét nghiệm cho đối tác của mình.

Ủng hộ phương án của thành phố nhưng Gojek còn lo ngại không đủ nguồn lực để thực hiện việc test nhanh COVID-19. “Chúng tôi có đến hàng chục nghìn đối tác tài xế. Tài xế sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn”, đại diện Gojek nói.

Đại diện một hãng xe công nghệ khác nói rằng, với số lượng người giao hàng của hãng lên đến cả ngàn người; do đó trong một vài ngày không thể tổ chức đủ lực lượng lấy mẫu. Không loại trừ khả năng doanh nghiệp tự cắt giảm số lượng người giao hàng dẫn đến thiếu tài xế, đẩy giá cả vận chuyển tăng cao.

Ngoài ra, các hãng xe cũng cho rằng tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 hoặc 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19, nên việc xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất 3 ngày/lần hiện nay không còn phù hợp.

MỚI - NÓNG