Doanh nghiệp bội thu ngày vía Thần tài

Người dân xếp hàng mua vàng tại nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Người dân xếp hàng mua vàng tại nhiều cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
TP - Vẫn như mọi năm trong ngày vía Thần tài (mùng 10/1 âm lịch), hàng ngàn người tại khắp các tỉnh, thành phố lại chen chân xếp hàng đến các cửa hàng mua vàng lấy may, bất chấp trời mưa rét, giá cả nhảy múa liên hồi. Doanh nghiệp kinh doanh vàng tiếp tục được một ngày “bội thu” vì tâm lý mê tín mua vàng lấy may.

Chênh lệch gần 1 triệu đồng/lượng vẫn xếp hàng mua

Phiên giao dịch ngày vía Thần tài (ngày 25/2), các cửa hàng kinh doanh vàng tại Hà Nội, TPHCM... mở cửa từ rất sớm. Từ 5 giờ sáng, dòng người xếp hàng đã len chặt tại các cửa hàng vàng để được mua những chỉ vàng đầu tiên của ngày vía Thần tài.

Tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lúc 9 giờ, lượng khách tới mua vàng ngày càng đông. Người mua xếp hàng xuống đường để chờ tới lượt. Nhiều cửa hàng vàng đã phải tăng cường lực lượng bảo vệ nhằm tránh tình trạng hỗn loạn, đội ngũ y tế cũng có mặt. Theo ước tính của các công ty vàng, số lượng khách mua vàng trong ngày Thần tài có thể tăng lên 30-50% so với năm ngoái.

Trên bảng điện tử, giá vàng SJC cũng “nhảy múa” theo chiều tăng lên. Cập nhật giá vàng SJC tại DOJI lúc 7h40, giá vàng giao dịch ở mức 36,8 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,6 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn. So với hôm trước, giá vàng SJC được các doanh nghiệp bán ra cho khách hàng tăng 200.000 đồng/lượng nhưng giá họ thu mua vào lại giảm 70.000 đồng/lượng.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC niêm yết ở mức 36,8 triệu đồng/lượng - 37,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa mua vào và bán ra khá cao. Đơn cử như tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC chênh nhau giữa hai chiều là 800.000 đồng. Tương tự, mức chênh lệch mua vào và bán ra tại Doji cũng là 800.000 đồng. Nếu mua xong và bán ra ngay, người mua sẽ chịu lỗ gần 1 triệu đồng khi vừa bước ra khỏi cửa hàng.

Theo đại diện cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, trong ngày này, cửa hàng chủ yếu bán ra, mua vào hầu như rất ít. Cửa hàng chỉ chấp nhận mua vào với các sản phẩm vàng có ký hiệu của cửa hàng. Từ chiều qua, cửa hàng đã từ chối mua vàng các thương hiệu của đơn vị khác và hẹn khách hàng có nhu cầu bán quay trở lại sau vài ngày.

Tại các cửa hàng giao dịch vàng ở Hà Đông, Xã Đàn, Phan Đình Phùng... lượng khách giao dịch cũng tăng mạnh. Trong đó, doanh nghiệp mua theo số lượng lớn rất nhiều. Loại vàng hình chó năm nay đang khá đắt khách, nhiều cửa hàng đã không còn sản phẩm này.

Tại TPHCM, nhiều người dân mua vàng trong ngày này nhưng không có tình trạng chen chúc, “vỡ trận” ở các tiệm vàng có tên tuổi. Tại tiệm vàng PNJ Bến Thành (Q.1) mặc dù nhộn nhịp khách mua sắm nhưng các khâu tư vấn, thanh toán đều diễn ra nhanh chóng. Ông Huỳnh Văn Tẩn - Giám đốc đối ngoại PNJ chia sẻ: “Để tránh tình trạng cháy hàng và chen lấn trong những ngày cao điểm này, PNJ đã có kế hoạch sản xuất sớm từ giữa năm 2017; đồng thời hệ thống cửa hàng sẽ đóng cửa muộn hơn so với mọi ngày để khách có thể đến mua và sở hữu các sản phẩm vàng ngày Thần tài theo ý muốn. Ngoài ra, lượng khách đặt trước chiếm khoảng 30% nên cũng không gây quá tải giao dịch, dù lượng hàng bán ra tăng 50%. Có thể ngày Thần tài năm nay rơi vào cuối tuần nên khách có nhiều thời gian để mua hơn do đó càng về cuối buổi sáng lượng khách càng tăng lên. Về giá thì hôm nay chúng tôi chỉ bán một giá nên khách có thể yên tâm mua sắm”.

Trong ngày 25/2, hầu hết các cửa hiệu kinh doanh vàng tại TPHCM cho biết, đều muốn giữ giá để tạo điều kiện cho người dân mua vàng. Hiện, giá vàng không biến động nhiều. Bảng giá vàng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,8 - 36,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 10.000 đồng/lượng so với chốt phiên của ngày hôm trước. Giá vàng của Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại TPHCM được niêm yết ở mức 36,9 - 37,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với chốt phiên giao dịch của ngày hôm trước.

 “Hốt bạc” dựa trên sự mê tín

Đến 5 giờ chiều ngày vía Thần tài, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trần Như My, Giám đốc Kinh doanh vàng Tập đoàn Doji cho biết, các cửa hàng ở nhiều tỉnh vẫn yêu cầu cung ứng vàng. “Năm nay, chúng tôi tăng 50% sản phẩm vàng các loại so với năm ngoái. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều ngày vía Thần tài, công ty vẫn đang cung ứng thêm số lượng vàng lớn. Ngày hôm nay chúng tôi sẽ phục vụ cho đến vị khách cuối cùng không kể giờ giấc nên số lượng bán ra sẽ tăng lên nữa”, bà My nói.

Còn Cty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu thì khẳng định ngày Thần tài, công ty đã chuẩn bị lượng hàng nhiều gấp 2-3 lần năm trước. Và đến cuối giờ chiều, con số bán ra vẫn không ngừng tăng nên chưa thể thống kê chính xác con số bán ra trong ngày.

 Ông Trần Quốc Quýnh, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hầu hết các cửa hàng vàng trong ngày Thần tài bán ra với số lượng vàng lớn, doanh số cao. Đặc biệt, lợi nhuận doanh nghiệp vàng cũng được nhìn nhận là khả quan, vì phần lớn đến từ khoản chênh lệch giá giữa việc mua vào bán ra (trong ngày Thần tài 2018 có nơi nới độ chênh mua bán lên 700.000 - 800.000 đồng/lượng).

Trước hiện tượng người dân đổ xô mua vàng ngày Thần tài bất chấp giá tăng, nhiều người dậy từ sáng sớm chen nhau xếp hàng, GS Lương Ngọc Huỳnh (Chủ tịch hệ thống Việt Y tại Việt Nam) cho rằng: “Quảng bá mua vàng ngày vía Thần tài là chiêu trò của người kinh doanh, người mua chẳng thấy phát tài đâu nhưng người bán thì phát ngay hôm mùng 10 khi thu được món lợi kha khá”.

Còn TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng, việc mua vàng không phải là luôn luôn cần thiết trong ngày thần tài để có sự may mắn và tài lộc. Việc mua vàng để đầu cơ thì càng không nên làm và sẽ gặp nhiều rủi ro, vì giá vàng luôn luôn biến động rất khó để dự báo trước, kể cả với những người kinh doanh vàng chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, chúng ta cũng đã từng chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn thất bại và nợ nần chồng chất do đầu cơ vàng khi vàng lên cao vào những năm
trước đây.

“Việc mua vàng trong ngày Thần tài chỉ nên dừng ở mức độ vừa phải và chỉ nên dùng tiền của mình để mua hơn là vay mượn của bạn bè hay người thân. Sản phẩm nên mua có thể là vàng nữ trang 24K, 18K hay là các miếng vàng thần tài của các thương hiệu vàng có uy tín. Tại vì, ngoài việc cầu sự may mắn, người dân vẫn có thể dùng làm vàng trang sức khi đi làm, tham dự hội nghị, đám cưới…”, TS Tín nói.

Theo TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ngày Thần tài là một tín ngưỡng thờ cúng thần của dân tộc Việt từ xa xưa, trong đó có phần chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh việc mua vàng ngày Thần tài sẽ đem lại may mắn và cả năm được sung túc. Đây chỉ là quan niệm dân gian và được truyền miệng cho nhau. Việc mua vàng theo tâm lý đám đông không cẩn thận có thể rước họa khi mua phải vàng rởm, mệt mỏi vì phải chen lấn, xô đẩy, gây mất thời gian lẫn tiền bạc.

 

Giá hoa đồng tiền tăng cao ngày vía Thần tài

Ngày 25/2 dương lịch năm nay trùng với ngày mồng 10 âm lịch (ngày vía Thần tài) nên từ sáng sớm nhiều người đã đổ xô đi mua vàng và một số thứ khác để bày mâm cúng nhằm cầu mong một năm làm ăn thuận lợi, tài lộc, thịnh vượng. Bà Nguyễn Thị Lý (phường 3, Đà Lạt) cho biết, theo tục lệ truyền thống, mâm cúng vía Thần tài bao gồm 1 bình hoa, 1 con cua, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 miếng thịt lợn quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chén rượu.

Về hoa, phải chọn hoa còn tươi, có nụ, tuyệt đối không dùng hoa giả để cúng. Và dĩ nhiên được ưa chuộng nhất là hoa đồng tiền bởi tên của loài hoa này hàm chứa ý nghĩa phát tài. Từ 3-4 ngày trước, các bà, các chị đã lùng mua hoa đồng tiền nên đến ngày vía Thần tài thì các chợ hoa, siêu thị, cửa hàng hoa đều khan hiếm loại hoa này. Nhiều người tìm đến tận vườn để “săn” hoa. Giá hoa đồng tiền vì thế tăng cao gấp 2-3 lần.

l Ghi nhận thị trường đồ cúng Thần tài ở các chợ TPHCM, người dân nhộn nhịp mua sắm từ sáng sớm. Tại chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), hàng trăm chuyến xe tải chở thủy hải sản xếp hàng vào chợ để chuẩn bị nguồn hàng cá lóc, tôm, cua… cho tiểu thương chợ lẻ. Anh Hồ Phước Đại - Phó ban quản lý nhà lồng D chuyên cung cấp hải sản cho biết: “Trong đêm 24, rạng 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), mặt hàng cá lóc từ Trà Vinh, La Ngà, Trị An (Đồng Nai)… được tiểu thương các chợ nhỏ đến mua rất nhiều, bình quân 1 đêm khoảng 10 tấn cá lóc đen, còn cá lóc bông khoảng 30 tấn, ngoài ra còn có tôm cua ở Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Đại (Bến Tre). Trong ngày vía Thần tài, giá cả các mặt hàng không tăng quá cao so với những ngày trước”. Tại chợ Hòa Bình (Q.5), những mặt hàng cúng giá vẫn ổn định như cá lóc 50.000-60.000 đồng/kg, tôm 300.000-500.000 đồng/kg; trái cây, hoa tươi không khan hàng, tăng giá...  

Kim Anh

MỚI - NÓNG