Đoàn nghệ sĩ Triều Tiên có thể sẽ đi bộ sang Hàn Quốc

Nhóm nhạc Moranbong của Triều Tiên đến Bắc Kinh (Trung Quốc) lưu diễn hồi năm 2015. Ảnh: Getty
Nhóm nhạc Moranbong của Triều Tiên đến Bắc Kinh (Trung Quốc) lưu diễn hồi năm 2015. Ảnh: Getty
TPO - Đoàn nghệ thuật dự Olympic PyeongChang của Triều Tiên có thể sẽ đi bộ qua biên giới liên Triều để đến Hàn Quốc trong một hành động mang tính biểu tượng.

Hãng tin Yonhap hôm nay, 16/1, cho hay phía Triều Tiên đã đề nghị để đoàn nghệ sĩ nước này di chuyển qua biên giới liên Triều trên bộ tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, trong hành trình đến Hàn Quốc tham dự các buổi hòa nhạc bên lề Thế vận hội Olympic Mùa đông PyeongChang.

Trước đó, trong cuộc đàm phán ngày 15/1, Bình Nhưỡng đã đồng ý cử đoàn nghệ thuật gồm 140 người, trong đó có 80 ca sĩ, vũ công và nhạc công, đến Hàn Quốc biểu diễn tại Seoul và thành phố Gangneung.

Làng Bàn Môn Điếm thuộc Khu phi quân sự (DMZ), dải đất rộng 2,5 dặm nằm giữa hai miền Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng việc đoàn nghệ sĩ Triều Tiên đi bộ qua làng đình chiến đến Hàn Quốc có thể coi là hành động tượng trưng cho sự hòa giải giữa hai miền.

“Triều Tiên muốn để thế giới thấy rằng chuyến đi qua làng Bàn Môn Điếm – nơi vốn được coi là biểu tượng của sự đối đầu – sẽ báo trước tương lai tươi mới và hòa hợp với Hàn Quốc”, nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang thuộc Viện Sejong nhận định.

Từ năm 2000, hai miền Triều Tiên đã sử dụng hai tuyến đường bộ ở phía Tây và phía Đông cho các hoạt động dân sự và vận chuyển hàng hóa.

Một trong số đó là tuyến đường dẫn đến khu công nghiệp liên Triều tại thành phố Kaesong của Triều Tiên.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2016, Seoul đã cho đóng cửa khu công nghiệp liên Triều để phản đối các cuộc thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Đáp lại, Bình Nhưỡng cho đóng băng tài sản tại khu vực này và gọi đây là khu quân sự.

Kim Yong-hyun, giáo sư tại Đại học Dongguk nói: “Triều Tiên dường như đang cố gắng chứng minh sự tôn trọng hòa bình của mình thông qua việc đưa đoàn nghệ thuật đi qua làng Bàn Môn Điếm.”

Giáo sư Kim cho rằng Bình Nhưỡng có thể không muốn sử dụng tuyến đường gắn với khu công nghiệp Kaesong – biểu tượng của sự hòa giải kinh tế giữa hai miền – bởi Seoul đã đóng cửa nhà máy này.

Trước khi các tuyến đường được mở, làng Bàn Môn Điếm được sử dụng như cửa ngõ chính giữa hai miền Triều Tiên.

Năm 1985, lần đầu tiên đoàn nghệ thuật Triều Tiên đến Hàn Quốc và đoàn nghệ thuật Hàn Quốc đến Triều Tiên thông qua làng Bàn Môn Điếm để tham dự các sự kiện tại Seoul và Bình Nhưỡng.

Năm 1998, ông Chung Ju-yung, người sáng lập kiêm Chủ tịch danh dự của Hyundai Group đã đến Triều Tiên qua làng Bàn Môn Điếm, mang theo 50 chiếc xe tải và 500 con gia súc.

Theo Theo Yonhap
MỚI - NÓNG