Đổ xô mua bánh trung thu hạ giá vỉa hè, chuyên gia cảnh báo 'đừng ham rẻ'

Trước tâm lý "chờ bánh trung thu hạ giá mới mua", chuyên gia cảnh báo người tiêu dùng đừng ham rẻ, nếu không muốn đối mặt nhiều nguy cơ.

Tràn lan bánh trung thu "đại hạ giá"

Có mặt tại điểm bán bánh trung thu trên vỉa hè phố Kim Ngưu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trưa 4/10, anh Trần Anh (29 tuổi) tỏ ra hào hứng khi thấy bảng thông báo "đại hạ giá" từ 15.000 đến 25.000 đồng.

Anh mua 6 bánh nướng nhân đậu xanh, hạt sen, cốm nếp dừa… với giá 15.000 đồng/cái.

"Hai ngày qua, tôi lùng sục khắp nơi để tìm mua loại bánh nướng yêu thích", anh nói, thừa nhận nghiện ăn bánh trung thu, song "nhịn" qua mùa cao điểm, chờ giá giảm nhiệt mới dám mua.

Đổ xô mua bánh trung thu hạ giá vỉa hè, chuyên gia cảnh báo 'đừng ham rẻ' ảnh 1

Trên nhiều vỉa hè Hà Nội, người dân bán bánh trung thu với giá từ 15.000 đến 25.000 đồng (Ảnh: Minh Nhân).

Với kinh nghiệm "săn" bánh trung thu giá rẻ, ngay từ đầu mùa, chị Hồng Loan (35 tuổi, quận Hai Bà Trưng) đã tham gia các hội nhóm mạng xã hội chờ khi các đại lý, tiểu thương hạ giá.

Hôm 3/10, sau khi thỏa thuận online với người bán, chốt giảm mức giá gốc 70.000 đồng xuống 30.000 đồng/cái, chị đến nơi phân phối ở quận Đống Đa để nhận hàng. Chị yêu cầu được kiểm tra kỹ hạn sử dụng, bao bì và nhãn mác, trước khi thanh toán.

"Năm nào bánh trung thu chẳng giảm sau ngày rằm. Dù biết các loại bánh này sắp hết hạn sử dụng, chất lượng không ngon, nhưng tôi chấp nhận sử dụng", người phụ nữ nhận định sau khi mua 5 chiếc bánh.

Sau Tết Trung thu, bà Quý (65 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) nhập bánh trung thu từ một số đại lý, mở sạp bán ở vỉa hè trước nhà trên phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng). Bánh cuối mùa được giới thiệu "giảm sâu, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng".

Cách đó khoảng 500m, liên tiếp hai quầy bánh trung thu vỉa hè khác, cũng tấp nập người ra/vào.

"Biết tâm lý của người dân thường đợi qua rằm, bánh hạ giá mới mua nên tôi nhập về bán trong vòng một tuần, trước khi bánh hết hạn", bà Quý nói.

Đổ xô mua bánh trung thu hạ giá vỉa hè, chuyên gia cảnh báo 'đừng ham rẻ' ảnh 2

Những sạp bánh trung thu vỉa hè ở Hà Nội (Ảnh: Minh Nhân).

Chuyên gia cảnh báo "đừng ham rẻ"

Theo khảo sát, sau rằm tháng 8, các ki-ốt bánh trung thu trên các trục đường chính của Hà Nội đều bị tháo dỡ để trả lại mặt bằng. Nhiều hãng bánh lớn có chính sách cho đại lý trả hàng nếu không bán hết. Số còn lại cố gắng bán xả hàng trước ngày hết hạn.

Các sạp bánh trung thu vỉa hè "mọc lên như nấm", đồng loạt treo biển "đại hạ giá", "giảm từ 30-50%", "mua một tặng bốn", dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng/cái. Hầu hết bánh còn hạn sử dụng trong tuần này, nhưng cũng có loại để được đến cuối tháng 11.

Nhiều đại lý cho biết do không còn mặt bằng, nên đã chuyển sang giao dịch trên "chợ" mạng. Sau khi khách chốt số lượng và loại bánh, họ sẽ giao hàng thông qua đơn vị vận chuyển hoặc khách đến lấy trực tiếp.

"Do bánh cuối vụ, sắp hết hạn, nên nhiều người đổ xô mua. Trong hôm nay tôi đã hết sạch hàng, nhiều khách mua bánh nướng nhân đậu xanh nhưng không còn", tiểu thương tên H. cho hay.

Đổ xô mua bánh trung thu hạ giá vỉa hè, chuyên gia cảnh báo 'đừng ham rẻ' ảnh 3

Hoạt động mua bán bánh trung thu sôi nổi trên "chợ" mạng (Ảnh: Minh Nhân).

PGS.TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhận định người dân thường có nhu cầu và tâm lý chờ bánh trung thu hạ giá để mua. Đây được xem là xu hướng mới trong một vài năm trở lại đây, so với trước thì "sau đêm Trung thu không thể tìm thấy chiếc bánh nào nữa".

Theo chuyên gia, giá bánh trung thu tăng dần theo từng năm, kinh tế bị ảnh hưởng, nên "kén" người mua. Hết vụ cao điểm, mức giá này trở về sát thực tế, người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ hơn.

"Dù hạ giá, tiểu thương hay đại lý vẫn sẽ thu được lợi nhuận hơn là trả hàng về nhà sản xuất. Nhiều người tiết lộ "làm một vụ, ăn cả năm" là vì thế", PGS.TS Đỗ Minh Cương nói.

Ông khuyến cáo người tiêu dùng không nên ham rẻ mà đổ xô mua bánh trung thu "hết date", không rõ nguồn gốc, không rõ thương hiệu.

"Người dân cần soi kỹ hạn sử dụng, tránh nguy cơ bị ngộ độc hoặc gặp các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cũng phụ thuộc vào đạo đức của người kinh doanh. Các tiểu thương, đại lý nên cảnh báo khách hàng về hạn sử dụng, không cố bán bất chấp", ông Cương cho hay.

Đổ xô mua bánh trung thu hạ giá vỉa hè, chuyên gia cảnh báo 'đừng ham rẻ' ảnh 4

Nhiều loại bánh trung thu có hạn trong tuần này, thậm chí đến cuối tháng 11 (Ảnh: Minh Nhân).

Trước đó, từ cuối tháng 8 đến trước Trung thu, các đội thuộc lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội liên tiếp phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh bánh trung thu có dấu hiệu hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người tiêu dùng mua bánh trung thu không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

"Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng, được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất", Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.


Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/do-xo-mua-banh-trung-thu-ha-gia-via-he-chuyen-gia-canh-bao-dung-ham-re-20231005022429883.htm

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.