Ðô thị ven đại lộ Thăng Long ngập nặng, vì đâu?

Khu nhà liền kề đoạn qua Thiên Đường Bảo Sơn ngập sâu trong nước.
Khu nhà liền kề đoạn qua Thiên Đường Bảo Sơn ngập sâu trong nước.
TP - Cơn mưa sáng 13/7 đã khiến nhiều khu vực phía Tây Nam Hà Nội, trong đó có đại lộ Thăng Long bị ngập nặng. Nước dâng cao cũng khiến hạ tầng nhiều khu nhà thấp tầng nằm ven đại lộ Thăng Long bị chìm trong nước.

Chỉ kéo dài hơn một giờ, nhưng cơn mưa sáng sớm 13/7 đã làm cho hệ thống đường gom và hầm chui, kéo theo đó là nhiều tuyến đường dẫn ra đại lộ Thăng Long bị ngập nặng. Ngập xuất hiện đầu tiên tại hai bên đường gom và hầm chui đại lộ Thăng Long đoạn qua khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, thời điểm khoảng 7 giờ sáng, mực nước ngập tại đây cao khoảng 50 cm, khiến nhiều phương tiện không thể lưu thông. Đến 7h30, ngập tiếp tục kéo dài theo đường gom đại lộ Thăng Long đoạn từ sông Phương (Hoài Đức) đến gần nút giao Phú Đô (Nam Từ Liêm), ngập sâu đã khiến nhiều phương tiện đi đến đoạn qua khu Thiên Đường Bảo Sơn phải đứng xếp hàng kéo dài hàng trăm mét. Nhiều người điều khiển xe máy đã cho xe leo lên dải phân cách trồng cỏ để tránh ngập. Cùng thời điểm này, các tuyến đường dẫn ra đại lộ Thăng Long như Lê Trọng Tấn, An Khánh, đường 70… cũng lần lượt ngập trong nước, khiến giao thông tê liệt.

Mưa lớn cũng làm cho nhiều khu dân cư, nhà liền kề tại các khu đô thị như Thiên Đường Bảo Sơn, Geleximco, An Khánh, Vinaconex 3… ngập sâu trong nước từ 40 đến 50cm. Riêng các khu biệt thự nằm ven đại lộ Thăng Long đoạn qua khu đô thị An Khánh, Thiên Đường Bảo Sơn… nước ngập bánh xe máy và tràn cả vào hầm để ô tô. Người dân ở xã An Khánh, Hoài Đức cho biết, các năm trước mưa chỉ ngập đường, nay nước dâng vào cả các khu nhà ở hai bên đại lộ Thăng Long là điều chưa từng xảy ra.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 13/7, ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, trận mưa sáng cùng ngày tại khu vực phía Tây Hà Nội có cường độ lên đến 80 ml. Lý giải về nguyên nhân ngập, ông Sương cho rằng, hiện hầu hết nước mưa tại các khu nhà vừa xây dựng đều chảy thẳng ra đại lộ Thăng Long chứ không thông qua hệ thống thu gom nào. Trong khi đó, hệ thống thoát nước cho tuyến đường này vẫn trong tình trạng chưa hoàn thiện. Cũng theo ông Sương, toàn bộ hệ thống thoát nước trên đại lộ Thăng Long và khu vực phía Tây Hà Nội đang phụ thuộc vào việc tự chảy. Theo đó, nếu nước sông Nhuệ ở mức thấp thì tiêu thoát nhanh, còn nước sông cao thì tiêu thoát gặp nhiều khó khăn.

Xây cao ốc dày đặc, quên thoát nước

Đánh giá về tình trạng ngập úng tại khu vực đại lộ Thăng Long và khu vực phía Tây trong ngày 13/7, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đây không phải là lần đầu xảy ra mà sẽ còn ngập lụt nhiều. Theo KTS Tùng, có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là các khu chung cư, khu đô thị mới càng xây về phía Tây; Tây Nam thì càng ngập nhiều, đặc biệt là phía Hà Đông, Hoài Đức. Bởi hầu hết các khu đô thị mới ở khu vực trên đều được xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa. “Trước đây, nông dân rất có kinh nghiệm, chỗ nào trũng thì mới trồng lúa, còn cao ráo thì trồng hoa màu, cây cối. Ở cạnh đó, thường có ao hồ nhưng chúng ta lấp đi để xây dựng khu đô thị mới nên không còn chỗ thoát nước. Chúng ta không hề có cốt nền chuẩn của từng khu vực. Chúng ta chỉ có cốt nền trên giấy thôi, khi thực hiện quy hoạch không ai làm”, KTS Tùng phân tích.

Thứ hai, theo KTS Tùng, nguyên tắc khu đô thị đều phải có khu xử lý nước thải trước khi đấu nối với hệ thống chung của thành phố. Chẳng hạn, nếu thấp thì phải có hệ thống bơm áp đẩy, chuyển nước lên. Nhưng ở đây các chủ đầu tư khi làm đô thị chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán. Thậm chí, ăn bớt mà không ai giám sát cả, cho nên hệ thống đấu nối của các chủ khu đô thị này nối thẳng vào đường ống, bất kể khả năng đường ống đó chịu được bao nhiêu. Cho nên, việc Hà Nội bị ngập lụt nặng ở khu vực phía Tây theo ông là tất yếu. Cũng theo ông Tùng, theo quy định, khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh. Nhưng hiện nay, hầu như chẳng có khu đô thị nào có hồ cả, thậm chí khu vực hồ cũng bị lấp đi, chuyển đổi công năng sử dụng thành nhà để bán.

MỚI - NÓNG