Cốt nền cao vẫn ngập nặng
Cơn mưa lớn rạng sáng ngày 13/7, đã khiến cho nhiều đoạn đường ở Hà Nội ngập nặng. Đặc biệt, tại nút giao Thiên Đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng. Nhiều khu dân cư tại các khu đô thị mới ở đây như khu Geleximco-Lê Trọng Tấn của chủ đầu tư Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội – Geleximco hay một số khu lân cận đã xảy ra ngập úng cục bộ, nước tràn vào nhà nhiều hộ dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong về trạng ngập úng khi mưa lớn xảy ra ở khu vực này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đây không phải là lần đầu xảy ra mà sẽ còn ngập lụt nhiều.
Theo KTS Tùng, các khu chung cư, khu đô thị mới càng xây về phía Tây; Tây Nam thì càng ngập nhiều, đặc biệt là phía Hà Đông, Hoài Đức. Bởi hầu hết các khu đô thị mới ở khu vực trên đều xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa.
“Trước đây, nhân dân trồng lúa rất kinh nghiệm, chỗ nào trũng thì mới trồng lúa, còn cao ráo thì trồng hoa màu, cây cối. Ở cạnh đó, thường có ao hồ nhưng chúng ta lấp đi để xây dựng khu đô thị mới. Chúng ta không hề có cốt nền chuẩn của từng khu vực. Hiện nay, quy hoạch của chúng ta thiếu cốt nền. Chúng ta chỉ có cốt nền trên giấy thôi, khi thực hiện quy hoạch không ai làm”, KTS Tùng phân tích.
Nguyên nhân thứ hai, theo KTS Tùng nguyên tắc khu đô thị đều phải có khu xử lý nước thải trước khi đấu nối với hệ thống chung của thành phố. Chẳng hạn, nếu thấp thì phải có hệ thống bơm áp đẩy, chuyển nước lên. Nhưng ở đây các chủ đầu tư khi làm đô thị chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán. Thậm chí, ăn bớt mà không ai giám sát cả, cho nên hệ thống đấu nối của các chủ khu đô thị này nối thẳng vào đường ống, bất kể khả năng đường ống đó chịu được bao nhiêu. Cho nên, việc Hà Nội bị ngập lụt nặng ở khu vực phía Tây tôi cho là tất yếu. Chỉ có chúng ta ngỡ ngàng mà thôi.
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, các chủ đầu tư khu đô thị chỉ chăm chăm bán nhà mà ít quan tâm về vấn đề thoát nước
Theo vị chuyên gia quy hoạch này, hiện nay trong quy hoạch đô thị đã quy định, khi xây dựng đô thị ít nhất phải để lại 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi lại và công viên cây xanh. Nhưng mà chẳng có khu đô thị nào có hồ cả, thậm chí khu vực hồ cũng lấp đi, chuyển đổi công năng sử dụng thành nhà để bán. Đó là một hiện trạng bất cập của việc quản lý quy hoạch rất kém.
Mải xây cao ốc, quên thoát nước?
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, khi chưa mở rộng Hà Nội không bị ngập nặng ở nhiều khu vực, có ngập thì cũng ngập úng cục bộ. Sau này Hà Nội nhập Hà Tây về thì ngập càng lớn, vì do quản lý xây dựng và quy hoạch có vấn đề.
“Nguyên tắc của thiên nhiên là lấy cái gì từ thiên nhiên thì phải trả lại thiên nhiên cái đó. Ví dụ, ở khu vực này có một cái hồ rộng 10 ha, do yêu cầu phát triển đô thị phải lấp cái hồ đó để xây một khu đô thị mới 10 ha, thì anh phải đào một cái hồ ở một vị trí khác tương ứng để đó là nơi vừa giữ sinh thái, vừa trữ nước, vừa thoát nước. Còn ở đây không những không giữa hồ, ao mà nó bị lấp đi thì nước chảy vào đâu? Có chỗ nào để điều hoà?”, ông Tùng phân tích.
Trước tình trạng ngập lụt xảy ra ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch đô thị Hà Nội đang có vấn đề khi hàng loạt cao ốc đua nhau mọc lên trong khi hệ thống thoát nước không theo kịp.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, ở khu vực phía Tây; Tây Nam Hà Nội, hệ thống thoát nước ở đây mới đang ở tình trạng “bán đô thị”, tức là các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đều có hệ thống thoát nước nội bộ, nhưng hệ thống kênh, mương dẫn nước kết nối đồng bộ để dẫn nước ra sông Nhuệ thì chưa được đầu tư.
“Dù ở đây so khu nội thành địa hình nó cao hơn, nhưng hệ thống mương không được nạo vét thường xuyên, cộng thêm đất ruộng vẫn xen kẹt với cao ốc đua nhau xây dựng san sát nên khi mưa lớn nước từ các khu đô thị, đổ ra không có lối thoát. Đây cũng là hệ luỵ của việc mải xây đô thị mà quên hệ thống thoát nước”, vị này phân tích.
Cũng theo các chuyên gia, trong quy hoạch các nước cũng chỉ ra giải pháp chống úng ngập như phải duy trì các công viên cây xanh, các khoảng đất trống, không được bê tông hóa hết. Nhưng thực tế trên địa bàn Hà Nội giải pháp này thì đang được làm ngược lại.