Đô thị vạn dân không trường học

Các khu đô thị phía tây Hà Nội đang thiếu trường học Ảnh: Xuân Phú
Các khu đô thị phía tây Hà Nội đang thiếu trường học Ảnh: Xuân Phú
TP - Khi quy hoạch chi tiết khu nhà ở Phú Mỹ (Từ Liêm, Hà Nội) được công bố ngày 3-3, nhiều người bất ngờ vì khu đô thị rộng hơn 10,4 ha với dân số trên 7.700 người lại không có mét vuông nào dành cho trường tiểu học.

> Khát điện

Các khu đô thị phía tây Hà Nội đang thiếu trường học Ảnh: Xuân Phú
Các khu đô thị phía tây Hà Nội đang thiếu trường học. Ảnh: Xuân Phú.

“Với gần 8.000 dân trên diện tích 10,4 ha, tương đương quy mô một phường thì cần có những thiết chế văn hóa cơ sở”, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đình kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình, cho biết, dân số của xã và hơn 4,2 vạn người và nếu tính đủ số căn hộ trên địa bàn khi dân đến ở đủ thì phải lên tới trên 5 vạn. Cộng với dự án nhà ở Phú Mỹ thì phải lên tới 6 vạn người, chưa kể khách vãng lai, người làm trong các văn phòng, kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Dự án khu nhà ở Phú Mỹ đặt tại xã Mỹ Đình (Từ Liêm) và phường Mai Dịch (Cầu Giấy), gồm 13 tòa tháp căn hộ từ 21-45 tầng. Chủ đầu tư là Liên danh Cty CP Đầu tư Xây dựng Hải Đăng và Cty CP Đầu tư Văn Phú-Invest.  

Trong khi đó, xã Mỹ Đình chỉ có 3 trường quốc lập gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS với quy mô trung bình 800 học sinh/trường.

Theo ông Lâm, trên địa bàn xã còn một số trường dân lập, quốc tế nhưng phần lớn thu học phí rất cao, không phù hợp với hoàn cảnh của đa số gia đình trong khu vực. “Vấn đề hiện nay là cả trường công lập và dân lập đều đã quá tải. Lần nào họp với dân, bà con cũng kiến nghị cần có thêm trường công lập. Không chỉ riêng Mỹ Đình mà khu vực các phường, xã lân cận cũng đã quá tải”- ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, quỹ đất công ở xã Mỹ Đình đã cạn kiệt từ lâu do phải cắt giao cho nhiều dự án, nên đây sẽ là thách thức rất lớn kể cả khi mở rộng trường công lập tại đây. “Nhiều người mới chỉ nhìn thấy lợi nhuận từ bán nhà nhưng lại quên đi những nhu cầu xã hội bức xúc, đẩy gánh nặng lên vai chính quyền cơ sở”, ông nói.

Không chỉ trường học, Mỹ Đình còn thiếu chợ dân sinh. UBND xã cho biết, do không có chợ nên từ lâu tuyến phố Hàm Nghi biến thành chợ cóc nhếch nhác, ô nhiễm. UBND xã Mỹ Đình cho biết, nhiều khu đô thị trên địa bàn còn thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí, họp tổ dân phố.

Nhiều lần UBND xã phải họp với dân ở ngoài sân, lấy bạt che chắn. “Lâu nay, chúng tôi chỉ biết tiếp nhận quy hoạch để quản lý mà không được tham gia góp ý từ đầu. Một số trường hợp chúng tôi có góp ý, kiến nghị nhưng lại bị lờ đi”, ông Lâm nói.

Đề nghị điều chỉnh quy hoạch

Phát biểu tại cuộc họp công bố quy hoạch, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế và chủ đầu tư tính toán lại nhu cầu trường học trong dự án. Phần diện tích dành cho hơn 300 trẻ em mẫu giáo cũng là quá nhỏ. “Cần thiết đề nghị điều chỉnh lại quy hoạch này để phù hợp thực tế hơn”, ông Vinh nói.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết, khi lập quy hoạch các loại dự án đô thị, đều phải tính toán rất kỹ nhu cầu hiện tại và tương lai trường học mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT tùy theo quy mô khu đô thị. Với những dự án khu căn hộ nhỏ, nếu không bố trí trường học tại chỗ thì những trường lân cận phải đảm bảo đủ sức gánh thay.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch do Bộ Xây dựng ban hành ngày 3-4-2008, quy định đối với công trình dịch vụ đô thị cơ bản tối thiểu phải có 50 chỗ mẫu giáo/1.000 dân và 15m2 đất/chỗ; Trường tiểu học phải có 65 chỗ/1.000 dân và 15m2 đất/chỗ; trường THCS 55 chỗ/1.000 dân và 15m2 đất/ chỗ...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG