Đô la len lỏi khắp nơi - Bài 1

Đô la len lỏi khắp nơi - Bài 1
TP - Nhiều năm nay, Chính phủ có nhiều văn bản pháp quy cấm việc niêm yết giá hàng hóa, thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam bằng ngoại tệ. Nhưng thực tế, tình trạng đô la hóa vẫn đang len lỏi khắp ngõ ngách của cuộc sống.
Đô la len lỏi khắp nơi - Bài 1 ảnh 1
Để có USD nộp cho các Cty XKLĐ, nhiều lao động phải mướt mồ hôi - Ảnh: Phạm Yên

Lâu nay tình trạng đô la hóa diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ). Do đối tượng của những doanh nghiệp này chủ yếu là nông dân, nên khi phải nộp USD nó như sự thách đố với người lao động...

Chị Vương Thị L. (xã Ngọc Động, Thông Nông, Cao Bằng) đăng ký đi XKLĐ tại Malaysia, theo chương trình dành cho đối tượng nghèo. Khi nhận được thông báo nộp tiền của doanh nghiệp, chị cứ lúng túng mãi, vì trong thông báo, họ yêu cầu chị nộp các khoản phí bằng USD.

Lâu nay, ngay cả tiền Việt Nam chị cũng ít được cầm đủ loại, nói gì đến USD. Phải chạy đến nhà chủ tịch xã hỏi, chị mới biết USD tiền của Mỹ. Chị đành ôm hơn 20 triệu đồng xuống Hà Nội để đổi USD.

Kể về chuyện đi đổi tiền, L. vẫn chưa hết ái ngại: “Lần đầu tiên mang nhiều tiền, em vừa lo vừa sợ. Em đi hết phố này đến phố khác mà không dám mở miệng hỏi chỗ đổi tiền vì sợ kẻ xấu.

May có người mách cho phố gần chợ Hàng Da có đổi ngoại tệ nên mới có USD đóng cho Cty. Cũng may họ không đổi tiền giả cho mình, chứ nếu họ lừa đổi tiền giả cũng chịu vì có biết tiền USD là thế nào đâu” - Chị L. nói.

Anh Nguyễn Văn Phúc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa trở về từ Đài Loan. Để sang Đài Loan, anh Phúc phải nộp cho Cty 7.000 USD (gồm phí xuất cảnh và tiền đặt cọc). Giá USD tại thời điểm anh Phúc đóng cho Cty là 16.400 VND/USD nên anh phải mang hơn 120 triệu đồng xuống phố huyện đổi.

“Ở huyện nghèo này, việc đi đổi tiền không phải dễ, bởi cả thị trấn chỉ có một vài tiệm kinh doanh vàng bạc nhận đổi tiền Việt sang USD” - Anh Phúc nói.

Theo anh Phúc, nhiều lao động khác đi Đài Loan cùng đợt đều phải đổi sang USD khi nộp lệ phí và tiền đặt cọc cho Cty XKLĐ.

Cty XKLĐ Thương mại và Du lịch (Sovilaco) thuộc Bộ LĐ-TB&XH (số 1 Phổ Quang, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho đăng các thông báo tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài trên trang web của mình, trong đó ghi rõ chi phí xuất cảnh và tiền đặt cọc mà lao động phải đóng đều bằng USD.

Cụ thể, trong thông báo số 53, ngày 1-2-2010, về việc tuyển vệ sỹ đi làm việc tại UAE ghi rõ: đặt cọc 550 USD; chi phí xuất cảnh 2.400 USD.

Trong thông báo tuyển lao động đi làm bảo vệ tại Macau cũng ghi: chi phí phải nộp 2.250 USD. Thông báo tuyển lao động đi làm việc tại Đài Loan, Cty này cũng ghi rõ chi phí phải nộp khoảng 5.000 USD...

Cty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) trực thuộc Bộ GT-VT, trong các thông báo tuyển dụng lao động cũng ghi rõ các khoản phí lao động phải nộp bằng USD.

Chẳng hạn, thông báo Chương trình thực tập, làm việc và du lịch Mỹ ghi rõ phí chương trình 1.850 USD/ sinh viên.

Các Cty XKLĐ khác như: Cty Cổ phần Xây dựng, Dịch vụ và Hợp tác lao động (Oleco); Cty Cổ phần Simco Sông Đà (Simco SDA); Trung tâm XKLĐ TTLC- Vinamotor; Cty Inmasco... cũng đều làm tương tự.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH: Phải để lao động đóng phí bằng VNĐ

Ông Đoàn Đại Thành - Giám đốc Cty Sona cho rằng, tỷ giá USD hay biến động. Hơn nữa, việc thanh toán cho đối tác nước ngoài phải bằng ngoại tệ nên các Cty XKLĐ ra thông báo lao động phải đóng bằng USD cũng là dễ hiểu.

Nếu thu phí bằng tiền Việt, không may tỷ giá tăng, Cty sẽ không có tiền để bù cho đối tác. Vả lại, nếu không thu bằng USD thì doanh nghiệp cũng phải đi đổi tiền để nộp cho đối tác.

Đại diện Cty Inmasco cho rằng, doanh nghiệp thu USD nhưng không bắt buộc lao động phải nộp bằng USD. Họ có thể nộp tiền Việt nhưng phải tính theo tỷ giá ngân hàng niêm yết tại thời điểm nộp.

Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thì lý giải: Các Cty XKLĐ thông báo thu phí xuất cảnh bằng USD chỉ để so sánh các công việc người lao động phải làm ở nước ngoài chứ không hề bắt buộc người lao động phải đóng bằng USD.

Ông Hải khẳng định, Cty XKLĐ nào bắt buộc lao động đóng các khoản phí bằng USD là vi phạm pháp luật. “Phải cố gắng để lao động nộp phí bằng VND theo tỷ giá” -  Ông Hải nói.

* Năm 2009, cả nước có khoảng 60.000 người đi XKLĐ, với yêu cầu phải nộp tiền đặt cọc, phí bằng USD, sẽ có hàng chục ngàn LĐ phải ra chợ đen đổi từ VND sang đô la. Điều này lý giải một phần, vì sao các chợ đen bán USD tại những thành phố lớn luôn sôi động.

* Theo Thông tư của Bộ Công Thương quy định chi tiết về xử phạt hành chính các hành vi niêm yết giá hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ là vi phạm về niêm yết giá.

Ngoài phạt tiền 20 – 30 triệu đồng, đơn vị vi phạm còn bị tước quyền sử dụng đến 12 tháng giấy chứng nhận kinh doanh, hoặc tước giấy phép kinh doanh vô thời hạn nếu vi phạm nhiều lần.

Tuy nhiên, đến nay, chưa thấy công khai trường hợp nào bị xử phạt vì niêm yết giá bằng USD.

MỚI - NÓNG