Doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ hơn 5.000 tỷ đồng:
Do cơ chế?
>DN xăng dầu kêu lỗ hơn 5.000 tỷ đồng
Lỗ do… cơ chế
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị lỗ do chỉ được quyết định giá bán trong một giai đoạn ngắn (khoảng hơn 3 tháng kể từ cuối năm 2009 đến tháng 3-2010), còn lại do Nhà nước quyết định.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường thay đổi chậm hơn biến động của giá thế giới; giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở là nguyên nhân gây lỗ tích lũy cho doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện chưa có quy định cụ thể để bù đắp lại những chi phí hợp lý cho doanh nghiệp khi tham gia bình ổn giá, dẫn đến số dư Quỹ bình ổn (giá) của các doanh nghiệp bị âm hơn 2.300 tỷ đồng.
Những khoản lỗ lớn trong kinh doanh xăng dầu đã gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, làm cho vốn của chủ sở hữu đã ít (khoảng 9.000 tỷ đồng vào năm 2010 và khoảng 14.000 tỷ đồng năm 2011) lại càng bị áp lực do khoản vay tín dụng ngày một tăng.
Tính riêng năm 2010, các doanh nghiệp phải vay tín dụng khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 189% vốn chủ sở hữu. Năm 2011, các doanh nghiệp vay tín dụng gần 27.000 tỷ đồng, tương đương 193% vốn chủ sở hữu.
Cũng theo đó, do lỗ dẫn đến doanh nghiệp buộc phải giảm chiết khấu hoa hồng cho các đại lý, tổng đại lý xuống quá thấp. Trong khi một số yếu tố cấu thành giá cơ sở lạc hậu, như chi phí định mức được tính toán theo các yếu tố đầu vào từ năm 2009 nay đã tăng lên đáng kể. Thêm vào đó là chi phí tiền lương, nguyên vật liệu, tài chính… khiến giá bán lẻ xăng dầu ngày càng xa cách với giá thế giới.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương cho rằng, để giải quyết các bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng nhất quán điều hành kinh doanh xăng dầu, đặc biệt điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Khó tìm bằng chứng lợi ích nhóm
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế- Xã hội Hà Nội) cho rằng, câu chuyện giá xăng dầu liên quan đến lợi ích nhóm. Nhưng rất khó tìm bằng chứng. Người tiêu dùng hiện không có lời giải thích nào khác ngoài thông tin đơn vị kinh doanh đang lỗ nặng bất chấp giá thế giới lên hay xuống.
Còn TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế -Tài chính), cho rằng giải quyết sự minh bạch giá xăng dầu chỉ có cách để giá theo đúng thị trường.Để đảm bảo ổn định mặt bằng giá, tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng nên giá xăng dầu đã được giữ ổn định trong thời gian tương đối dài, bất chấp thị trường thế giới biến động.
Việc nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu thông qua các công cụ tài chính-hành chính làm cho hệ thống giá xăng dầu trong nước bị “bóp méo”. Điển hình, khi giá thế giới tăng cao thì giá trong nước chỉ được điều chỉnh tăng ít hơn và Nhà nước lại phải cắt giảm các khoản thu, thậm chí bù lỗ cho doanh nghiệp.
Khi giá xuống lại tăng thuế để “thu bù lại” số tiền đã bù lỗ. “Khi giá thế giới xuống thấp, lợi ích người tiêu dùng bị xâm hại, ngược lại khi giá lên thì lợi ích của Nhà nước lại bị thiệt hại. Về nguyên tắc, lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu xung đột với lợi ích của người tiêu dùng”- ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, có bất cập hiện nay là Petrolimex và các doanh nghiệp đầu mối trước khi tăng, giảm giá phải kiến nghị, xin phép Liên bộ Tài chính - Công Thương, nếu thấy không hợp lý liên bộ sẽ không đồng ý. Doanh nghiệp chưa được hoạt động thực sự tự chủ, còn phụ thuộc vào cơ chế xin-cho, trong khi Nghị định 55 và 84 đều không được áp dụng trong thực tế.